Gỡ nút thắt tín dụng phát triển hạ tầng giao thông
Phân tích sâu hơn về những bất cập liên quan đến nguồn tín dụng, tại Hội thảo “Thúc đẩy đầu tư theo phương thức đối tác công tư trong phát triển một số lĩnh vực kinh tế – xã hội của Việt Nam”, tiến sĩ Đào Minh Tú – Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, trong thời gian tới, với mục tiêu xây dựng một hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ và phát triển, Việt Nam cần huy động một lượng vốn lớn để đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng nói chung và cơ sở hạ tầng giao thông nói riêng.
Ảnh minh họa. |
Tuy nhiên, với giới hạn tỷ lệ trần nợ công so với GDP được Quốc hội cho phép, việc huy động nguồn vốn ngân sách để đầu tư cho giao thông rất hạn chế. Trong những năm tiếp theo, để phát triển nhanh hệ thống kết cấu hạ tầng, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, việc xã hội hóa đầu tư để huy động nguồn lực ngoài ngân sách là giải pháp hữu hiệu đáp ứng nhu cầu vốn cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, nâng cao chất lượng dịch vụ trong lĩnh vực giao thông vận tải – tiền đề quan trọng để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội. Trong bối cảnh nói trên cùng thực tế huy động vốn từ thị trường chứng khoán còn nhiều khó khăn, dự kiến nguồn vốn tín dụng ngân hàng vẫn là kênh quan trọng chiếm phần lớn trong nguồn vốn của nhà đầu tư các dự án, góp phần bảo đảm triển khai thành công các dự án PPP trong thời gian tới.
Theo ông Đào Minh Tú, để đẩy mạnh chủ trương xã hội hóa đầu tư các dự án PPP, tăng cường thu hút nguồn vốn tín dụng trong đầu tư các dự án, xử lý dứt điểm các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động cấp tín dụng đối với dự án PPP, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trước mắt, cần tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý cho đầu tư theo hình thức PPP. Rà soát, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh hình thức đầu tư PPP đảm bảo phù hợp với thông lệ quốc tế, điều kiện Việt Nam, khắc phục những tồn tại, hạn chế mà vẫn phù hợp với các đặc thù của hình thức đầu tư này.
Đặc biệt, cần hoàn thiện chính sách về xử lý tài sản đảm bảo (quyền thu phí dự án BOT) trong Luật Đầu tư, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng (TCTD) giảm thiểu rủi ro trong hoạt động cấp tín dụng dự án. Hiện nay, quyền của bên cho vay và trách nhiệm của cơ quan ký kết hợp đồng trong trường hợp chấm dứt hợp đồng PPP trước hạn đã được quy định tại Điều 53 Luật Đầu tư 2020 và Nghị định số 35/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư . Tuy nhiên trên thực tế, quá trình xử lý vẫn gặp khó khăn do bất cập trong công tác phối hợp giữa Cơ quan có thẩm quyền (Bộ Giao thông Vận tải) với ngân hàng.
Ngoài ra, cần xây dựng cơ chế cụ thể xử lý tài sản đảm bảo trong trường hợp chấm dứt hợp đồng dự án PPP trước hạn (trong đó, quy định chi tiết, đầy đủ quyền hạn, trách nhiệm các bên, gồm: Bên cho vay, nhà đầu tư, Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nhằm đảm bảo khả năng thu hồi được vốn cho vay của ngân hàng).
Tiếp theo là tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương. Để xử lý dứt điểm các khó khăn, vướng mắc trong việc đầu tư, khai thác các dự án BOT, BT giao thông, đặc biệt là các tồn tại, bất cập liên quan đến thu phí hoàn vốn cho các dự án, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên (Nhà nước – nhà đầu tư – người dân và TCTD tài trợ vốn). Cần xây dựng cơ chế hỗ trợ chủ đầu tư về các rủi ro phát sinh như cơ chế kéo dài thời gian hoàn vốn BOT, cơ chế thu phí…do tăng tổng mức đầu tư, chậm giải phóng mặt bằng, giúp các ngân hàng kiểm soát rủi ro khi cho vay đối với dự án.
Nhà nước cần có cơ chế hỗ trợ tăng tính khả thi, hiệu quả của dự án, đảm bảo lựa chọn được nhà đầu tư có năng lực thật sự, giảm thiểu rủi ro cho các TCTD trong việc tài trợ đối với các dự án cơ sở hạ tầng lớn, quan trọng, cấp bách (cần có quy định linh hoạt mức vốn Nhà nước hỗ trợ dự án phân loại theo từng quy mô, xây dựng cơ chế chia sẻ rủi ro thông qua bảo lãnh doanh thu…). Bên cạnh đó, việc công khai, minh bạch việc lựa chọn nhà đầu tư, nhà thầu, các thông tin về dự án cần được đảm bảo, tạo điều kiện thuận tiện cho người dân tham gia giám sát quá trình triển khai thực hiện.
Tăng cường huy động các nguồn vốn dài hạn, giảm sự phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng thông qua phát hành trái phiếu trong và ngoài nước, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), vốn ODA vào phát triển các dự án, ưu tiên các nguồn vốn không yêu cầu bảo lãnh của Chính phủ. Nghiên cứu khả năng thành lập quỹ đầu tư cơ sở hạ tầng để quản lý phần vốn Nhà nước hỗ trợ dự án PPP, thực hiện bảo lãnh doanh thu/ bảo lãnh tín dụng, huy động vốn từ các nhà tài trợ trong và ngoài nước hoặc phát hành trái phiếu cơ sở hạ tầng để huy động vốn dài hạn. Nâng cao năng lực tài chính của các doanh nghiệp thực hiện dự án thông qua tăng tỷ lệ vốn tự có tham gia dự án; đa dạng hóa các kênh huy động vốn, quản lý và sử dụng vốn hiệu quả.
“Trong thời gian tới, để triển khai có hiệu quả các định hướng chính sách, vừa phát huy được vai trò của ngành Ngân hàng, vừa đảm bảo các nguyên tắc an toàn cho hệ thống các TCTD, rất cần sự phối hợp chặt chẽ giữa Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành, cũng như việc hoàn thiện các cơ chế chính sách liên quan để xử lý dứt điểm những khó khăn vướng mắc trong việc đầu tư, khai thác dự án PPP giao thông, nhằm tạo niềm tin cho nhà đầu tư và TCTD tài trợ, hạn chế phát sinh nợ xấu, khơi thông dòng vốn tín dụng cho đầu tư các dự án mới”, ông Đào Minh Tú nhấn mạnh.
Nguồn: Báo lao động thủ đô