Gỡ ‘nút thắt’ kịp thời để phát triển KT-XH nhanh và bền vững

Chính phủ đã xác định được các ‘’điểm nghẽn’’ và đưa ra các giải pháp kịp thời tháo gỡ để thúc đẩy, phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững

go nut that kip thoi de phat trien kt xh nhanh va ben vung
PGS.TS. Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính)

PGS.TS. Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) nhấn mạnh nội dung trên khi trả lời phỏng vấn Báo Điện tử Chính phủ.

Những quyết sách kịp thời trong bối cảnh khó khăn

6 tháng đầu năm 2022 các ngành, lĩnh vực đều tăng trưởng ấn tượng mặc dù trải qua thời gian dài ảnh hưởng của dịch bệnh. Ông đánh giá như thế nào về vấn đề này và theo ông, nguyên nhân nào mà chúng ta phục hồi nhanh chóng nền kinh tế và đạt được những kết quả ấn tượng đó?

PGS.TS. Ngô Trí Long: Sáu tháng đầu năm 2022, tình hình thế giới có nhiều biến động lớn, nhanh, phức tạp. Trong đó nổi lên là cạnh tranh chiến lược ngày càng gay gắt; xung đột tại Ukraine khiến giá dầu, lương thực, thực phẩm, nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, gây đứt gãy chuỗi cung ứng. Kinh tế thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới so với đầu năm sẽ thấp. Lạm phát tăng ở mức cao ở hầu hết các nước trên thế giới.

Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn đó, 6 tháng đầu năm, kinh tế nước ta đã có bước phục hồi tích cực. Tăng trưởng GDP vượt kịch bản cao đề ra tại Nghị quyết 01/NQ-CP, trong đó, GDP quý II ước tăng 7,72% so với cùng kỳ, cao nhất kể từ năm 2011. Đáng chú ý là sự phục hồi nhanh của khu vực dịch vụ, ước tăng 6,6%, cao gấp 1,7 lần so với cùng kỳ. Ở nhiều địa phương, tăng trưởng GRDP đạt mức cao. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, trong đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 6 tháng chỉ tăng 2,44%- là mức tương đối thấp so với cùng kỳ các năm trước dịch.

Trong hoàn cảnh khó khăn từ nhiều phía, Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp để bảo đảm nguồn cung nguyên liệu, giảm bớt đà tăng giá xăng dầu, lương thực, thực phẩm, hàng hóa trong nước; bảo đảm an ninh lương thực, an ninh năng lượng. Cải cách thể chế tiếp tục được quan tâm, nhiều điểm nghẽn về nguồn lực cho đầu tư phát triển được tháo gỡ. Tập trung tháo gỡ, xử lý các vấn đề tồn đọng, kéo dài, các doanh nghiệp, dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả.

Việt Nam được quốc tế đánh giá cao trong xếp hạng chính phủ tốt, đạt mức tăng trưởng mạnh mẽ về chỉ số bình đẳng thu nhập và thu hút đầu tư (lần lượt tăng 33 bậc và 18 bậc so với năm 2021).

Sau hơn 2 năm hoạt động trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp đã có nhiều đổi mới, cải tiến cách thức tổ chức sản xuất, ứng dụng công nghệ thông tin. Đồng thời, tính linh hoạt và khả năng đáp ứng với những biến động của hoạt động thương mại quốc tế cũng tốt hơn. Các doanh nghiệp tận dụng tốt cơ hội từ nhu cầu hàng hóa hồi phục để đẩy mạnh xuất khẩu cũng như tận dụng hiệu quả hơn ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do (FTA).

Nguyên nhân để nền kinh tế nước ta có bước phục hồi nhanh chóng và đạt được những kết quả ấn tượng đó là kết quả tổng hoà của các giải pháp đồng bộ từ chỉ đạo điều hành của Chính phủ, nhất là nỗ lực cố gắng của các cấp, các ngành và sự đoàn kết tin tưởng của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân. Từ Chính phủ đến các cấp thực hiện từ bộ, ngành, địa phương đã quán triệt tư tưởng phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội ngay từ đầu năm. Nhờ đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh đã phục hồi, quay trở lại mạnh mẽ mà không có bất kỳ trở ngại nào từ các quy định hành chính. Đó cũng là nhờ quan điểm phòng, chống dịch COVID-19 của Chính phủ rất linh hoạt, hiệu quả, tạo điều kiện tốt cho các hoạt động kinh tế trở lại bình thường.

Ông đánh giá như thế nào về những quyết sách và chỉ đạo điều hành của Chính phủ trong phát triển kinh tế-xã hội, tháo gỡ những “điểm nghẽn”góp phần đạt được kết quả trên?

PGS.TS. Ngô Trí Long: Trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, Chính phủ đã chỉ đạo, điều hành quyết liệt trong công tác phòng, chống dịch với những cách làm sáng tạo, linh hoạt, thực hiện mục tiêu bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân lên trên hết. Vừa phát triển kinh tế – xã hội, vừa giữ vững quốc phòng, an ninh, thúc đẩy hội nhập quốc tế sâu rộng, khẳng định vai trò là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

Chính phủ đã xác định được các “điểm nghẽn” đưa ra các giải pháp kịp thời tháo gỡ để thúc đẩy, phục hồi, phát triển KT-XH nhanh và bền vững. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung vào thực hiện 3 đột phá chiến lược về thể chế, nhân lực và hạ tầng. Đồng thời đưa ra các nhiệm vụ thường xuyên, nhiệm vụ đột xuất, phát sinh, các nhiệm vụ tồn đọng từ các năm trước cũng được thực hiện đồng bộ, quyết liệt, thích ứng với bối cảnh mới, tập trung giải quyết các vấn đề trước mắt và những tồn tại, yếu kém.

Chính phủ đã kịp thời đưa ra các quyết sách phù hợp để thúc đẩy tăng trưởng GDP, đặc biệt trong trong quý II, là mức tăng trưởng đáng khích lệ. Đã chỉ đạo tháo gỡ các khó khăn, tăng cường xúc tiến đầu tư, qua đó đầu tư trực tiếp nước ngoài hồi phục trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, kinh tế thế giới có nhiều biến động.

Chính phủ đã tập trung hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật, tăng cường phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu; tập trung rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; xây dựng bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tăng cường chuyển đổi số; đã quyết liệt chỉ đạo, hoàn thành một số cơ sở dữ liệu lớn, nhất là cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Theo ông những thách thức đối với nền kinh tế nước ta trong những tháng còn lại của năm 2022 là gì?

PGS.TS. Ngô Trí Long: Kinh tế Việt Nam tăng trưởng tích cực trong 6 tháng đầu năm 2022 phản ánh sự phục hồi và phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên chặng đường 6 tháng cuối năm còn nhiều gian nan do tác động từ giá xăng, dầu, giá nguồn nguyên vật liệu tăng cao, thiếu nguồn lao động…

Dự báo sẽ có nhiều thách thức với nền kinh tế nước ta từ nay đến cuối năm 2022, đặc biệt là còn nhiều yếu tố rủi ro khó lường từ diễn biến dịch bệnh, lạm phát và tình hình Ukraine.

Trước hết, nền kinh tế nước ta nói riêng và thế giới nói chung vẫn còn chịu tác động của dịch COVID-19. Tuy nhiên tùy từng lĩnh vực khác nhau mức độ ảnh hưởng cũng khác nhau, sự phục hồi giữa các ngành, lĩnh vực cũng khác nhau. Nhất là khi nhu cầu và sức mua bắt đầu giảm, dịch vụ sẽ phục hồi chậm hơn, trong khi chi phí đầu vào tăng cao.

Cùng với đó, sự đứt gãy nguồn cung nhiều loại hàng hóa quan trọng như nông sản, nhiên liệu, kim loại từ Nga và Ukraine khiến giá cả liên tục tăng mạnh. Chính sách zero COVID-19 của Trung Quốc ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu.

Kinh tế Việt Nam có độ mở lớn nên chịu tác động đan xen nhiều mặt. Diễn biến giá cả hàng hóa, nguyên nhiên vật liệu trên thế giới đang tiếp tục tăng mạnh, nhất là giá xăng dầu, tạo áp lực lớn đến chi phí sản xuất của doanh nghiệp và tiêu dùng của người dân.

Mặt khác, các ngân hàng trung ương tăng lãi suất cũng sẽ tác động đến tỉ giá hối đoái của Việt Nam, việc giữ ổn định cho kinh tế trong nước là thách thức lớn.

Một điểm nữa có thể nhìn thấy rõ là nguồn thu ngân sách trong nửa đầu năm 2022 chủ yếu từ các khoản thu về thuế, phí liên quan đất đai, trong khi các khoản thu từ sản xuất, kinh doanh ít, cho thấy sức khỏe của doanh nghiệp vẫn chưa hoàn toàn hồi phục.

Đồng thời, sau các quyết định kiểm tra chặt chẽ hoạt động của thị trường cổ phiếu và trái phiếu, thị trường chứng khoán có nhiều biến động cũng tạo nên sự lo lắng. Cần theo dõi chặt chẽ sự biến động trên cả hai thị trường này để tránh các tình huống có thể ảnh hưởng xấu đến thị trường.

Kỳ vọng nền kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng bền vững

Theo ông làm thế nào để nâng cao quy mô FDI cùng như sự liên kết giữa các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước để gia tăng chuỗi cung ứng?

PGS.TS. Ngô Trí Long: Thu hút vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) là một trong những điểm sáng của kinh tế Việt Nam không chỉ trong những tháng đầu năm 2022 mà trong suốt thời gian qua. Tuy nhiên, để nâng cao quy mô và hiệu quả FDI, chúng ta cần chủ động lựa chọn và có chính sách ưu đãi đối với các dự án có trình độ quản lý và công nghệ hiện đại, có vị trí hiệu quả trong chuỗi giá trị toàn cầu, có liên kết với doanh nghiệp trong nước.

Tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với doanh nghiệp trong nước nhằm phát triển công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp quy mô lớn, chất lượng cao, gắn với các chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.

Định hướng hoạt động của các doanh nghiệp FDI cho phù hợp với yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Đối với những ngành hàng mà nước ta có lợi thế, như nông sản và các sản phẩm sử dụng nhiều lao động, nên đầu tư nhiều hơn.

Đồng thời, cần quan tâm đến chính sách tiền lương, xây dựng tổ chức công đoàn trong các doanh nghiệp FDI để bảo vệ quyền lợi của người lao động Việt Nam.

Theo ông đâu là giải pháp trọng tâm để kinh tế tăng trưởng bền vững trong thời gian tới?

PGS.TS. Ngô Trí Long: Trước hết, các bộ, cơ quan, địa phương cần theo dõi, dự báo sát tình hình, thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2022, triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp của Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội.

Các ngành, lĩnh vực cần có phương án, giải pháp cung cấp, cân đối hàng hóa thiết yếu trên thị trường trong điều kiện nguồn cung truyền thống có thể bị suy giảm; phát triển mạnh thị trường trong nước gắn với thúc đẩy xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tìm kiếm thị trường mới…

Đồng thời triển khai mạnh mẽ, hiệu quả các giải pháp phục hồi và ổn định, phát triển thị trường lao động; kết nối cung cầu, điều tiết thị trường lao động, đáp ứng đủ lao động cho các địa phương công nghiệp trọng điểm.

Doanh nghiệp cần năng động, chủ động, sáng tạo hơn, quản trị tốt hơn để thích ứng tốt hơn với xu hướng kinh doanh mới, thói quen tiêu dùng mới và công nghệ mới.

Đặc biệt, Chính phủ hỗ trợ hiệu quả doanh nghiệp tiếp cận vốn để phục hồi sản xuất-kinh doanh; có các giải pháp phù hợp để tiếp tục duy trì ổn định thị trường tiền tệ, thị trường ngoại hối, điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và góp phần thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội.

Bên cạnh đó, tích cực triển khai các chính sách hỗ trợ phục hồi nền kinh tế, đặc biệt là Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội là cơ sở để kỳ vọng nền kinh tế Việt Nam và kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp sẽ tiếp tục phục hồi và tăng trưởng nhanh hơn trong thời gian tới./.

Trân trọng cảm ơn ông!

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích