Gỡ khó giúp doanh nghiệp hấp thụ vốn và phục hồi

Đó là nhận định của các chuyên gia trong Hội thảo Hỗ trợ tài chính trên nền tảng công nghệ cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa tổ chức tại Hà Nội.

Doanh nghiệp vẫn “khát vốn”

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch VCCI Bùi Trung Nghĩa cho biết, sau khi Việt Nam thúc đẩy tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế thông qua việc ký kết các hiệp định thương mại, trong đó có Hiệp định thương mại quan trọng như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), EVFTA… tình hình xuất khẩu của Việt Nam ra các khu vực, thị trường lớn của thế giới tăng trưởng rất tính cực, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam tăng nhanh và tiến tới mức xấp xỉ 200% GDP…

Tuy nhiên, song hành với việc Việt Nam hội nhập kinh tế thế giới ngày càng sâu, rộng, tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu là những rủi ro, thách thức mới từ các biến động của kinh tế toàn cầu. Đặc biệt là trong bối cảnh ngành xuất khẩu, sản xuất kinh doanh của Việt Nam vẫn phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu từ nước ngoài…

Phó Chủ tịch VCCI Bùi Trung Nghĩa phát biểu tại hội thảo
Phó Chủ tịch VCCI Bùi Trung Nghĩa phát biểu tại hội thảo

Từ cuối nửa cuối năm 2022 và đầu năm 2023, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam đã gặp phải nhiều khó khăn, thách thức, nhất là khi các thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn, các đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam chịu ảnh hưởng của lạm phát tăng cao và suy giảm nhu cầu tiêu dùng… đã ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều ngành hàng xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng nhận định, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, đứt gãy chuỗi cung ứng, cùng với việc suy giảm nhu cầu tiêu dùng… khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng khó khăn kéo dài. Không những vậy, doanh nghiệp vẫn khó khăn trong tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi từ ngân hàng, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV TS. Cấn Văn Lực cho biết, Việt Nam có hệ thống văn bản pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh khá đồng bộ. Tuy nhiên, số doanh nghiệp được hỗ trợ tiếp cận vốn vẫn hạn chế. Trong khi, các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam chiếm khoảng 97,5% số lượng doanh nghiệp, đóng góp khoảng 41% GDP, thu hút khoảng 77% việc làm trên thị trường lao động tại Việt Nam… Những số liệu này có nét tương đồng với các nước trong khu vực. Tuy nhiên, đóng góp vào xuất khẩu của các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn ở mức thấp. Đặc biệt, phần lớn doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam thiếu vốn và họ khó tiếp cận các nguồn tín dụng, việc tiếp cận các nguồn vốn thay thế trực tuyến cũng hạn chế…

Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam vẫn rất khiêm tốn. Cuối năm 2022, quỹ đã chấp thuận uỷ thác cho vay được khoảng 233,5 tỷ đồng và ký hợp đồng khung cho vay gián tiếp với một số ngân hàng thương mại; giải ngân được 178 tỷ đồng…

“Khó khăn, rủi ro trong tiếp cận vốn của các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam lớn hơn so với các doanh nghiệp lớn. Nguyên nhân của tình trạng này là do: doanh nghiệp thiếu thông tin minh bạch, quản trị chưa theo chuẩn mực; thiếu tài sản bảo đảm; định dạng tín nhiệm chưa có hoặc ở mức thấp; khi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vay thì các đơn vị tài chính, tín dụng yêu cầu vốn tối thiểu và dự phòng rủi ro vẫn lớn; Việt Nam cũng chưa có nhiều kênh vốn tín dụng…”, TS. Cấn Văn Lực phân tích.

Bên cạnh đó, TS Cấn Văn Lực cũng chỉ ra, bản thân doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn có tâm lý ngại công khai minh bạch, ngại thực hiện các thủ tục hành chính khi niêm yết lên sàn chứng khoán, ngại mất chi phí khi thực hiện các quy trình lên sàn giao dịch… Vì vậy, họ khó tiếp cận các nguồn vốn vay, tín dụng hơn.

Cần chính sách tháo gỡ “điểm nghẽn”

Trước bối cảnh đó, Việt Nam đã áp dụng linh hoạt nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, giúp doanh nghiệp phục hồi và phát triển. Theo Phó Chủ tịch VCCI Bùi Trung Nghĩa, thời gian qua Việt Nam đã tận dụng hiệu quả các lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do, tìm kiếm thị trường mới, thị trường còn tiềm năng và nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa… giúp doanh nghiệp tiếp tục phục hồi, thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa. Bên cạnh đó, việc áp dụng các biện pháp như tài trợ, cấp vốn cho các hoạt động xuất khẩu, giảm thiểu rủi ro thanh toán trong các hoạt động xuất khẩu cũng được chú trọng.

Thực tế, các ngân hàng và tổ chức tài chính đã có nhiều chương trình ưu đãi, tín dụng dành riêng cho các doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu, cung cấp các giải pháp tài chính hiệu quả trong thanh toán quốc tế với các dịch vụ tài chính, thanh toán đa dạng trong tín dụng, bảo lãnh, nghiệm thu với các dịch vụ hỗ trợ nhằm tránh các rủi ro để từng bước cải thiện giao dịch thanh toán xuất nhập khẩu, phát triển khách hàng, phát triển thị trường trong điều kiện cạnh tranh gay gắt…

Tuy nhiên, để nền kinh tế được hưởng lợi, vẫn phải phát triển cộng đồng doanh nghiệp trong nước lớn mạnh, nâng cao giá trị gia tăng của hàng hóa xuất khẩu và khả năng tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu để có thể khai thác, tận dụng tốt hơn những lợi ích mà các hiệp định thương mại tự do mang lại…

Quang cảnh hội thảo
Quang cảnh hội thảo

“Với sự phát triển ứng dụng công nghệ số trong thanh toán, việc cung cấp các giải pháp tài chính số thông minh, phù hợp với xu hướng chuyển đổi số của doanh nghiệp cũng được các tổ chức cung ứng dịch vụ tài chính triển khai và giới thiệu tới cộng đồng doanh nghiệp. Giải pháp hỗ trợ tài chính trên nền tảng công nghệ cũng giúp tối ưu thời gian, chi phí để bảo đảm các hoạt động kinh doanh không bị gián đoạn… Thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình VCCI sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động hỗ trợ, kết nối giúp doanh nghiệp tiếp cận và tăng cường các nguồn lực, giải pháp về tài chính, nhằm đáp ứng nhu cầu tăng trưởng cho doanh nghiệp…”, Phó Chủ tịch VCCI Bùi Trung Nghĩa nhấn mạnh.

Để doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam có thể phát triển đột phá trong thời gian tới, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, cần đẩy mạnh thực hiện các chương trình phục hồi đã được ban hành. Trong đó có, Nghị quyết số 93/2023/QH15 về phân bổ vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội…; Thực hiện tốt các chính sách, giải pháp tiền tệ và tài khóa đã ban hành, giải ngân đầu tư công và đặc biệt cải thiện môi trường kinh doanh, thực thi công vụ; Hoàn thiện hành lang pháp lý: cho phép các tổ chức tín dụng thực hiện cả bao thanh toán, chiết khấu “miễn truy đòi” như thông lệ (khi sửa luật Tài chính tín dụng); cơ chế thử nghiệm cho Fintech, cho vay ngang hàng (P2P), sửa Nghị định 65/2022/NĐ-CP…

“Cần phát triển thị trường cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp, quỹ đầu tư; xem xét thành lập sàn giao dịch vốn riêng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa… sớm thành lập thị trường mua – bán nợ; phát triển hệ thống các tổ chức tín dụng phi ngân hàng, các nguồn vốn trực tuyến (Fintech, P2P, gọi vốn cộng đồng, cho thuê tài chính, cho vay tiêu dùng…)…”, TS. Cấn Văn Lực kiến nghị.

Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu

Bạn cũng có thể thích