Gỡ khó cho doanh nghiệp, tập trung nguồn lực phát triển thị trường

Gỡ khó cho doanh nghiệp để nâng cao vị thế hàng Việt

Kết quả bình chọn trên website binhchonhangviet.com.vn và trực tiếp tại các điểm công cộng, siêu thị, trung tâm thương mại năm 2020 đã chọn ra 141/189 sản phẩm, dịch vụ của 103 doanh nghiệp là hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích. Qua 11 kỳ tổ chức, từ năm 2010 đến nay, đã có 1.088 sản phẩm, dịch vụ của 823 doanh nghiệp được bình chọn là hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, quá trình triển khai Cuộc vận động còn gặp phải một số khó khăn, tồn tại cần được khắc phục như áp lực cạnh tranh ngay trên thị trường trong nước với hàng hóa nhập ngoại và hàng hóa do các doanh nghiệp FDI sản xuất, trong đó chủ yếu là khối doanh nghiệp nhỏ và vừa và các hộ sản xuất, kinh doanh nhỏ của Việt Nam còn hạn chế về vốn, thương hiệu, chưa có khả năng bảo vệ mình trước những vi phạm về thương mại. Một số hàng Việt Nam còn chưa đủ năng lực cạnh tranh về chất lượng, mẫu mã, bao bì sản phẩm, dịch vụ hậu mãi… một số doanh nghiệp Việt còn gian lận thương mại, sản xuất hàng giả gây mất uy tín hàng hóa thương hiệu Việt.

Gỡ khó cho doanh nghiệp, tập trung nguồn lực phát triển thị trường
Nhiều sản phẩm tiêu dùng nội địa đã nhận được sự tin dùng của người Việt ở thị trường trong nước. (Ảnh minh họa, chụp trước thời điểm giãn cách xã hội)

Hơn nữa, lực lượng quản lý thị trường gặp rất nhiều khó khăn do phương thức, thủ đoạn vi phạm ngày càng tinh vi, đối tượng vi phạm ngày càng đa dạng, đặc biệt trên không gian mạng, chế tài xử lý vi phạm chưa đủ sức răn đe, chủ yếu vẫn là xử lý vi phạm hành chính, ít vụ việc bị khởi tố hình sự; nhiều chủ thể bị xâm phạm chưa hợp tác với lực lượng chức năng; trang thiết bị, phương tiện và nguồn nhân lực của quản lý thị trường, kinh phí giám định, tiêu hủy hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ chưa được đảm bảo.

Đặc biệt, năm 2021, dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống kinh tế – xã hội, trong đó có hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Vì vậy, để đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và các chương trình, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội thành phố Hà Nội, đồng thời tuyên truyền để các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, xây dựng và phát triển thương hiệu, từng bước nâng cao vị thế, niềm tự hào hàng Việt, Ban Chỉ đạo cuộc vận động và Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã giao Sở Công Thương chủ trì, cùng các cơ quan, đơn vị, hội, hiệp hội và các quận, huyện, thị xã tổ chức Chương trình bình chọn hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích năm 2021.

Trước tiên là đẩy mạnh tuyên truyền để doanh nghiệp, người dân thực hiện đúng các quy định về phòng, chống dịch và triển khai các biện pháp duy trì, ổn định sản xuất kinh doanh. Từ đầu năm đến nay, Sở Công Thương Hà Nội đã đẩy mạnh hỗ trợ các tỉnh kết nối tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp, đơn vị phân phối, chế biến Hà Nội. Nhờ đó các tỉnh, thành đã tiêu thụ được 74.000 tấn sản phẩm, trị giá 920 tỷ đồng thông qua hệ thống bán lẻ, chế biến của Thành phố.

Để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp khi Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, Sở Công Thương Hà Nội phối hợp với Sở Giao thông vận tải cấp mã QR code đăng ký “luồng xanh” cho khoảng 2.500 xe ô tô, 9.500 xe máy vận chuyển hàng hóa thiết yếu. Chỉ đạo các doanh nghiệp tăng lượng dự trữ hàng hóa, tăng cường bán online trên nền tảng thương mại điện tử, bán hàng combo, đi chợ hộ, bán hàng lưu động, đăng ký phục vụ 24/24/7, tiếp nhận và chấp thuận cho 13.300 website/ ứng dụng thương mại điện tử hoạt động trên địa bàn Thành phố…

Kích cầu tiêu dùng nội địa sau dịch Covid-19

Xác định việc triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và các chương trình, đề án của Chính Phủ, Bộ Công Thương là một giải pháp quan trọng thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch, vừa phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội. Vì vậy, từ đầu năm đến nay Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thành phố Hà Nội đã tập trung thực hiện nhiệm vụ này.

17-tinh-thanh-tham-gia-tuan-hang-trai-cay-nong-san-ha-noi-nam-2020-1
Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giúp kích cầu tiêu dùng nội địa. (Ảnh minh họa, chụp trước thời điểm giãn cách xã hội)

Bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, Trưởng Ban Tổ chức Chương trình bình chọn “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích” năm 2021 cho biết, thời gian qua, Ban Chỉ đạo cuộc vận động đã liên tục mở rộng đối tượng tham gia, cải tiến và cập nhật các hình thức bình chọn, tạo dựng kênh thông tin khách quan, truyền tải thông điệp ưu tiên dùng hàng Việt Nam đến người tiêu dùng và doanh nghiệp.

Chương trình bình chọn năm 2021 được triển khai từ tháng 7 đến 11/2021, dự kiến thu hút 100 -150 doanh nghiệp thuộc 12 nhóm sản phẩm và 6 nhóm ngành dịch vụ tham gia: Điện tử, công nghệ; đồ gia dụng; công nghiệp; thời trang, phụ kiện; xây dựng, trang trí nội thất; dược phẩm, thực phẩm chức năng; hóa mỹ phẩm; văn phòng phẩm, thiết bị học tập; thủ công mỹ nghệ; nông, lâm, thủy sản; các sản phẩm OCOP; thực phẩm, đồ uống; tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, thanh toán, sàn thương mại điện tử; du lịch, nhà hàng, khách sạn, nghỉ dưỡng; giáo dục, đào tạo; viễn thông, công nghệ thông tin; vận chuyển, logistics; truyền thông, tổ chức sự kiện.

Điểm mới năm nay là nâng cấp nội dung giao diện nền tảng website www.binhchonhangviet.com.vn, thành “Triển lãm trực tuyến và bình chọn sản phẩm, dịch vụ hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích năm 2021”. Bổ sung nội dung giới thiệu “Sản phẩm, dịch vụ tham gia gian hàng Việt trực tuyến” của Bộ Công Thương và “Sản phẩm, dịch vụ giới thiệu tham gia hệ thống phân phối tại nước ngoài”; hướng dẫn các doanh nghiệp đăng ký tham gia, người tiêu dùng tham gia các hoạt động bình chọn trực tuyến và trực tiếp (đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19); giải đáp thông tin qua tổng đài 024.1081.

Dự kiến, Lễ tôn vinh các sản phẩm, dịch vụ hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích năm 2021 sẽ được tổ chức tại quảng trường Tượng đài Lý Thái Tổ (quận Hoàn Kiếm) và truyền hình trực tiếp trên Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội vào cuối tháng 10/2021 (hoặc vào thời gian, địa điểm phù hợp khi Thành phố bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19).

Bà Trần Thị Phương Lan khẳng định: “Việc đẩy mạnh triển khai thực hiện cuộc vận động và tổ chức Chương trình bình chọn năm 2021 không chỉ giúp doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, xây dựng thương hiệu, còn góp phần phát triển kinh tế trên địa bàn Thành phố; giúp người tiêu dùng tiếp cận mặt hàng có chất lượng cao. Đặc biệt, trước những ảnh hưởng của dịch Covid 19, đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Thành phố nhằm kích cầu tiêu dùng nội địa”.

Tuấn Minh

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích