Gỡ khó cho các dự án giao thông trong “bão giá“ vật liệu
Thực tế này cần sớm được các bộ, ngành, địa phương có biện pháp tháo gỡ, hạn chế tình trạng hụt tiến độ.
Giá vật liệu xây dựng tăng cao, lập mặt bằng giá mới
Lãnh đạo 20 doanh nghiệp thuộc Hiệp hội các nhà thầu thi công cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 vừa đồng loạt gửi văn bản kiến nghị Ủy Ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và các bộ liên quan, xem xét giải quyết bất cập, tháo gỡ khó khăn hỗ trợ nhà thầu thi công, nhà đầu tư thực hiện cao tốc, trước tình trạng giá các loại vật liệu xây dựng tăng cao.
Theo các nhà thầu, ngay sau khi khởi công các dự án thành phần, nhà thầu phải đối mặt với tình trạng nhiều loại vật liệu chính biến động tăng đột biến như: Thép, đất đắp, cát vàng sản xuất bê tông xi măng… Từ đầu năm đến nay, hầu hết các loại vật liệu xây dựng đã leo thang lên mặt bằng giá mới.
Đơn cử, giá đất đắp tăng khoảng 30-50%, cá biệt có gói thầu tăng 154%; cát vàng tăng khoảng 15-40%, cá biệt có gói thầu tăng 187%; giá nhựa đường tăng khoảng 35-50%; giá sản xuất bê tông nhựa tăng khoảng 20-55%; giá cấp phối đá dăm loại 1 tăng khoảng 30-45%, đặc biệt có gói thầu tăng 129%; giá xi măng tăng khoảng 20-35%, cá biệt có gói thầu tăng 47%…
Trong công thức điều chỉnh giá hợp đồng chỉ điều chỉnh cho 7 yếu tố chính: Nhân công, máy thi công, nhựa đường, thép, đá các loại, cát, xi măng. Vật liệu đất đắp được coi là cố định, không điều chỉnh trong quá trình thực hiện hợp đồng.
Trong khi đó, với khối lượng đất đắp tại các dự án giao thông khá lớn, giá trị vật liệu đất đắp chiếm tỷ trọng lớn trong giá hợp đồng từ 15-25%. Chưa kể, phần lớn các nhà cung cấp, chủ mỏ vật liệu hiện nay đều yêu cầu cơ chế thanh toán 100% trước khi nhận hàng như: Đá các loại, thép, bê tông, nhiên liệu diesel, nhựa đường… còn việc thi công trên công trường phải tuân thủ theo quy trình thi công, nghiệm thu, thanh toán của chủ đầu tư ít nhất từ 2-3 tháng… Mặc dù các nhà thầu, doanh nghiệp xây dựng đã rất cố gắng xoay xở dòng tiền, dồn mọi nguồn lực cho dự án, nhưng sự mất cân đối dòng tiền lũy kế trong hơn 1 năm qua đang quá sức và khiến các doanh nghiệp rơi vào suy kiệt tài chính, có thể dẫn đến phá sản.
Theo rà soát của Bộ Xây dựng, từ cuối quý IV/2020 đến quý I/2022, giá vật liệu xây dựng có xu hướng biến động tăng. Từ tháng 4/2022 trở lại đây, giá một số vật liệu xây dựng chủ yếu bắt đầu giảm, trong đó giá thép giảm mạnh nhất, tương đương với giá thép quý II/2021. Tuy nhiên, so với mặt bằng giá quý IV/2020, tại thời điểm tháng 7/2022, giá một số vật liệu chủ yếu vẫn cao như: Giá thép xây dựng cao hơn khoảng 25%; giá xi măng cao hơn khoảng 15-20%; giá nhựa đường cao hơn khoảng 40%; dầu diesel cao hơn gần 100%…
Ngoài ra, hầu hết các công trình thi công sau năm 2020, trong đó có cao tốc Bắc Nam phía Đông đều chọn phương án ký hợp đồng theo nguyên tắc điều chỉnh đơn giá. Việc thực hiện loại hợp đồng này đã gặp phải một số khó khăn khi giá vật tư, vật liệu ở nhiều địa phương công bố dùng để điều chỉnh giá hợp đồng chậm. Khó khăn trong thực hiện hợp đồng điều chỉnh theo đơn giá hiện nay do các bên không lường hết rủi ro về trượt giá và tình trạng thiếu nguồn cung đối với một số loại vật liệu chủ yếu.
Tháo gỡ
Thủ tướng Chính phủ trong chuyến kiểm tra dự án cao tốc Bắc Nam mới đây đặc biệt lưu tâm tiến độ và chất lượng các dự án; đã chỉ đạo rút ngắn tiến độ một số dự án, chú trọng vào các dự án thành phần cao tốc Bắc Nam.
Song thực tế, “bão giá” vật liệu đã và đang ảnh hưởng lớn tới tiến độ của các dự án. Về cơ bản, khi tham gia triển khai, các chủ đầu tư và nhà thầu đều đã chuyên nghiệp, nhưng khó tránh được ảnh hưởng. Hầu hết các nhà thầu đều phản hồi, khi nguồn vật liệu dồi dào, dòng tiền đầy đủ, thi công đồng loạt tất cả các mũi… các dự án sẽ cán đích đúng hẹn.
Theo Chủ tịch Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam Trần Chủng, trong quá trình thực hiện bất kỳ công trình nào cũng gặp không ít khó khăn, nhưng khó khăn lớn nhất, ảnh hưởng trực tiếp tới tiến độ, chất lượng công trình, mục tiêu cam kết… chính là vật liệu xây dựng. Đây là yếu tố mang tính quyết định. Nếu chất lượng không được lựa chọn, giá cả không thích hợp thì các nhà thầu không thể mang tiền nhà đi để bù giá. Vì vậy, Hiệp hội đề xuất các cơ quan quản lý Nhà nước sớm có những giải pháp tháo gỡ khó khăn, tương tự như cách tháo gỡ tình hình giá xăng dầu thời gian qua.
Đề cập đến giải pháp tháo gỡ khó khăn do “bão giá” vật liệu, Bộ Xây dựng đề xuất Chính phủ giao UBND các tỉnh, thành phố chủ động tổ chức kiểm tra, rà soát, đánh giá tổng thể việc công bố giá, chỉ số giá vật liệu xây dựng trên địa bàn quản lý từ năm 2021 trở lại đây. Trường hợp giá, chỉ số giá đã công bố theo từng quý chưa phản ánh đúng tiến độ biến động giá vật liệu xây dựng trên thị trường, các địa phương bổ sung việc công bố, tăng tần suất sớm hơn (theo tháng) theo quy định, đảm bảo việc công bố sát giá thị trường, công bằng, minh bạch.
Bên cạnh đó, giao cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định đầu tư chỉ đạo chủ đầu tư các dự án báo cáo các khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân; xác định rõ trách nhiệm các bên và cơ sở pháp lý về việc điều chỉnh hợp đồng (kể cả hợp đồng BOT), đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn trên cơ sở chủ động xử lý những vấn đề thuộc thẩm quyền; xác định mức độ ảnh hưởng đến tổng mức đầu tư đã phê duyệt, cân đối các nguồn vốn báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ GTVT, Bộ Xây dựng để tổng hợp, báo cáo Chính phủ.
Ông Lê Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng (Bộ GTVT) cho hay, ngay từ giai đoạn đầu khi có biến động về giá thép, trên cơ sở ý kiến của Bộ Xây dựng, Cục đã có văn bản yêu cầu các Ban Quản lý dự án, các nhà thầu thống kê lại tình hình biến động giá thép. Trên cơ sở đó, Cục cũng đã tổng hợp báo cáo Bộ GTVT, có văn bản gửi Bộ Xây dựng tổng hợp về tình hình biến động giá thép trong giai đoạn đầu năm 2021 đến nay. Theo thống kê, hiện nay đã có 44 địa phương công bố giá vật liệu hàng tháng, 19 địa phương công bố giá vật liệu hàng quý. Một số địa phương đã thực hiện tốt công bố giá vật liệu bám sát biến động thị trường.