Gỡ khó cho các cụm công nghiệp
Gỡ khó cho các cụm công nghiệp
Mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực trong hoạt động, song các cụm công nghiệp cũng đang bộc lộ nhiều vấn đề; thực tiễn này đặt ra đòi hỏi cần nhanh chóng tháo gỡ để tạo động lực cho các cụm công nghiệp phát triển.
Chậm triển khai do gặp nhiều rào cản
Sở Công Thương Thanh Hóa cho biết, toàn tỉnh đã thành lập được 44 cụm công nghiệp có tổng diện tích hơn 1.640ha, với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt hơn 11.000 tỷ đồng, tổng vốn đầu tư luỹ kế đạt 1.796 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện mới chỉ có 5 cụm công nghiệp đủ điều kiện cho nhà đầu tư thứ cấp thuê lại đất.
So với kế hoạch và lộ trình phát triển, nhiều cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đang được đánh giá là chậm do gặp phải một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình đầu tư hạ tầng kỹ thuật. Chẳng hạn, giá thuê đất cao ảnh hưởng tới thu hút nhà đầu tư thứ cấp; kế hoạch sử dụng đất có muộn nên chưa hoàn chỉnh hồ sơ chấp thuận chuyển đổi đất lúa; một số cụm công nghiệp xin bổ sung ngành nghề để thu hút các nhà đầu tư thứ cấp…
Tại tỉnh Vĩnh Phúc, tính đến hết tháng 12.2022, toàn tỉnh có 16/32 cụm công nghiệp được thành lập và giao chủ đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng với tổng diện tích gần 424ha. Trong đó, 6 cụm đã hoàn thành hoặc cơ bản hoàn thành đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật; 3 cụm đang thi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật; 7 cụm đang thực hiện các thủ tục về chuẩn bị đầu tư.
Đại diện Sở Công Thương tỉnh Vĩnh Phúc xác nhận, việc phát triển cụm công nghiệp thời gian qua bộc lộ một số hạn chế như công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn, dẫn đến chậm tiến độ; công tác quy hoạch phát triển các cụm công nghiệp còn manh mún, diện tích dành cho các cụm công nghiệp còn nhỏ, không còn phù hợp. Tỉnh cũng chưa thu hút được các nhà đầu tư lớn đầu tư phát triển cụm công nghiệp do quy mô quy hoạch diện tích các cụm công nghiệp nhỏ nhưng lại yêu cầu phải xây dựng trạm xử lý nước thải, dẫn đến suất đầu tư hạ tầng lớn, không phù hợp với yêu cầu thực tế của các nhà đầu tư. Một số cụm công nghiệp đi vào hoạt động nhưng chưa có công trình xử lý nước thải theo quy định…
Còn tại Đồng Nai, đại diện Sở Công Thương thông tin, toàn tỉnh có tới 27 cụm công nghiệp được quy hoạch, chiếm 1,5% tổng số cụm công nghiệp quy hoạch của cả nước. Tính đến tháng 10.2022, có 16/27 cụm công nghiệp đã được phê duyệt quyết định thành lập, trong đó 13/16 cụm công nghiệp đã được phê duyệt chủ trương đầu tư (4 cụm công nghiệp có hạ tầng tương đối hoàn chỉnh, 5 cụm công nghiệp đang triển khai xây dựng hạ tầng và 4 cụm công nghiệp đang thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng). Một trong những nguyên nhân dẫn đến chậm tiến độ triển khai cụm công nghiệp là bởi thời gian thực hiện thủ tục pháp lý kéo dài, trung bình tổng thời gian để hoàn tất hồ sơ khoảng 2 – 3 năm, thậm chí lâu hơn, chưa kể cần thêm 1 – 2 năm nữa mới được tiếp nhận dự án vào đầu tư.
Bên cạnh đó, việc thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai cũng gặp nhiều khó khăn do kinh phí và nguồn vốn đầu tư hạ tầng tương đối lớn. Dự tính kinh phí đầu tư, nguồn vốn đầu tư hạ tầng (theo Quyết định số 610/QĐ-BXD ngày 13.7.2022) là 9,535 tỷ đồng/ha, tương ứng với 476,75 tỷ đồng/cụm với diện tích 50ha, chưa bao gồm chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng; trong khi đó, cụm công nghiệp có quy mô diện tích tối đa là 75ha, nhưng xây dựng theo quy chuẩn, tiêu chuẩn của khu công nghiệp. Suất đầu tư lớn dẫn đến hiệu quả đầu tư thấp nên khó thu hút các doanh nghiệp đầu tư xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp…
Xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn, suất vốn đầu tư phù hợp
Để phát huy hơn nữa vai trò của các cụm công nghiệp trong thời gian tới, đại diện Sở Công Thương các địa phương cho biết, sẽ tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức thực hiện các dự án xây dựng hạ tầng theo đúng quy hoạch chi tiết và đúng tiến độ, nhất là với các công trình bảo vệ môi trường. Cùng với đó, các địa phương sẽ chủ động nắm bắt tình hình, giải quyết khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp; đồng hành với các doanh nghiệp trong xúc tiến đầu tư, thu hút dự án thứ cấp vào thuê đất, đầu tư sản xuất, kinh doanh tại các cụm công nghiệp.
Đại diện Sở Công Thương Đồng Nai kiến nghị, để khắc phục những hạn chế trong quản lý, phát triển cụm công nghiệp, Bộ Công Thương chủ trì, tổng hợp các nội dung chưa thống nhất trong việc lựa chọn chủ đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp, đề xuất Chính phủ sửa đổi, bổ sung. Bộ cũng cần sớm có hướng dẫn cụ thể về mô hình cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị để địa phương có cơ sở triển khai. Đối với mô hình cụm liên kết ngành tại các cụm công nghiệp, Bộ cần xem xét, chấp thuận về việc thu hút doanh nghiệp có quy mô lớn, đủ năng lực dẫn dắt, hình thành chuỗi liên kết.
Cùng với đó, Bộ Công Thương cần phối hợp Bộ Xây dựng ban hành riêng bộ quy chuẩn, tiêu chuẩn, suất vốn đầu tư xây dựng công trình và giá xây dựng tổng hợp bộ phận kết cấu công trình dự án hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp cho phù hợp thực tiễn; xem xét, tham mưu Chính phủ cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác di dời vào cụm công nghiệp hoặc giao UBND cấp tỉnh trình HĐND cùng cấp phê duyệt chính sách hỗ trợ từ nguồn ngân sách địa phương.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị