Gỡ khó bất động sản: Cần ‘tháo gỡ’ pháp lý, kiểm soát các rủi ro
Gỡ khó bất động sản: Cần ‘tháo gỡ’ pháp lý, kiểm soát các rủi ro
Theo dõi MTĐT trên
Theo Bộ Xây dựng, để giúp thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, thời gian tới Chính phủ cần có phương án tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế chính sách để điều tiết thị trường.
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững (do Thủ tướng Chính phủ chủ trì), diễn ra ngày 17/2, đại diện lãnh đạo Bộ Xây dựng cho biết một trong những nguyên nhân khiến thị trường bất động sản thời gian qua vẫn còn gặp khó là bởi tại nhiều địa phương, cán bộ còn sợ sai, sợ trách nhiệm, chưa chú trọng đến việc tháo gỡ khó khăn.
Vì thế, thời gian tới Chính phủ cần có phương án “tháo gỡ” cơ chế chính sách để điều tiết thị trường phát triển minh bạch, ổn định.
Trên 50% vướng mắc liên quan đến đất đai
Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cho biết năm 2022, hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản gặp rất nhiều khó khăn, do vướng mắc về đất đai. Trong đó, nhiều dự án bất động sản chậm triển khai chậm do quy định về phương pháp định giá đất rất khó xác định đâu là giá thị trường (chiếm trên 50% vướng mắc của các dự án).
Bên cạnh đó, nhiều trường hợp quy hoạch sử dụng đất đã được công bố nhưng chưa có kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện; thu hồi giấy chứng nhận đã cấp không đúng quy định nhưng đã được chuyển mục đích sử dụng đất; đền bù và giải phóng mặt bằng hay doanh nghiệp cổ phẩn hóa chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án,…
Ngoài ra, pháp luật về đầu tư cũng có vướng mắc như: cho phép điều chỉnh tiến độ dự án vì nguyên nhân khách quan thì không nhất thiết thực hiện thẩm định, điều chỉnh chủ trương đầu tư theo quy định; quy định không cho phép chấp thuận chủ trương đồng thời lựa chọn nhà đầu tư dự án nhà ở thương mại trong trường hợp nhà đầu tư đã có quyền sử dụng đất khác nhưng không phải đất ở,…
Chưa kể, nhiều địa phương triển khai thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội còn chậm, chưa đạt yêu cầu; việc rà soát thủ tục pháp lý các dự án bất động sản và việc ban hành kết luận kết quả rà soát còn kéo dài, gây ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện dự án.
Đáng chú ý, do yêu cầu dự án nhà ở xã hội phải đảm bảo phù hợp 100% quy hoạch dẫn đến nhiều dự án nhà ở xã hội không thể đảm bảo để được chấp thuận chủ trương đầu tư dự án,…
Trong khi đó, nhiều địa phương còn chưa chủ động tiếp xúc, làm việc trực tiếp với các chủ đầu tư để lắng nghe các khó khăn, vướng mắc mà doanh nghiệp, dự án bất động sản đang gặp phải để kịp thời tháo gỡ; chưa kịp thời ban hành các quy định cụ thể theo thẩm quyền để triển khai thực hiện có hiệu quả các quy định của pháp luật về đất đai, nhà ở và các quy định pháp luật khác liên quan.
Thậm chí, thời gian qua còn có tình trạng tổ chức, người thực thi pháp luật có tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm, sợ rủi ro pháp lý dẫn đến đùn đẩy hồ sơ lòng vòng, không dám đề xuất, không dám quyết định.
“Tháo gỡ khó khăn cần đi đôi với kiểm soát rủi ro”
Trước thực tế nêu trên, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cho rằng thời gian tới cần hoàn thiện thế chế, chính sách liên quan đến phát triển thị trường bất động sản đảm bảo tính khả thi, thống nhất, đồng bộ.
Cụ thể, Bộ Xây dựng đề xuất Chính phủ cho phép tăng cường đấu giá đất; đấu thầu dự án; lựa chọn chủ đầu tư nhất là việc xác định giá đất, tính tiền sử dụng đất; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thủ tục hành chính liên thông, thủ tục hành chính điện tử cấp độ 4; khẩn trương hoàn thành việc rà soát thủ tục pháp lý các dự án bất động sản và ban hành kết luận kết quả rà soát pháp lý các dự án.
Cùng với đó, Bộ Xây dựng cũng kiến nghị các phương án vay vốn khả thi, khách hàng có năng lực tài chính, khả năng trả nợ đầy đủ và đúng hạn; ưu tiên xem xét cho vay đối với các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đáp ứng nhu cầu về nhà ở của các đối tượng thu nhập thấp; tập trung cho an sinh xã hội, không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.
Vì thế, thời gian tới cần tập trung tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản đi đôi với kiểm soát rủi ro; coi trọng việc giám sát, điều tiết thị trường; không hình sự hóa các quan hệ kinh tế dân sự; bảo vệ cán bộ – những người làm đúng; bảo vệ, hài hòa lợi ích Nhà nước, người dân và doanh nghiệp; kiểm soát hoạt động huy động vốn trên thị trường chứng khoán tránh hiện tượng đầu cơ, thao túng, thổi giá.
Ngoài ra, cơ quan chức năng cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các Nghị định hướng dẫn Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Thuế, Luật Chứng khoán,… trình Chính phủ xem xét, ban hành nhằm tháo gỡ những tồn tại, hạn chế, vướng mắc, khó khăn hiện nay liên quan đến thực hiện dự án bất động sản
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị