Giúp doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh

Cần các gói hỗ trợ lớn hơn, thực chất hơn

Tại diễn đàn trực tuyến “Hỗ trợ doanh nghiệp trong đại dịch Covid-19: Từ chính sách đến thực tiễn”, ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, năm 2021 lần đầu tiên các nhóm hộ kinh doanh được nằm trong chương trình hỗ trợ, đây là cách tiếp cận mới và phù hợp của ngành tài chính khi các hộ kinh doanh bị ảnh hưởng lớn. Tuy nhiên, cần phải có cách thức triển khai nhanh nhất, thuận lợi nhất thì hiệu ứng của chính sách này mới phát huy triệt để.

Giúp doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh
Cần có gói hỗ trợ thiết thực, nhanh, hiệu quả để các doanh nghiệp phục hồi.

“Hiện nay, các nền kinh tế trên thế giới đã khởi động và đang bình thường trở lại, chúng tôi hy vọng ngành tài chính sẽ thiết kế gói hỗ trợ lớn hơn, thực chất hơn, để khu vực doanh nghiệp nhanh chóng trở lại phục hồi, nền kinh tế Việt Nam bắt kịp nền kinh tế thế giới. Bởi nếu không bắt kịp hoặc bị đá văng ra khỏi chuỗi sản xuất toàn cầu, các doanh nghiệp Việt Nam bị chuyển đơn hàng đi các nước khác thì thiệt hại sẽ cực kỳ lớn. Chúng tôi mong rằng sự trợ lực từ Chính phủ, Bộ Tài chính, ngành thuế, ngành ngân hàng… sẽ tạo nên một lực đẩy hùng mạnh để các doanh nghiệp Việt Nam có thể hồi phục sớm nhất”, ông Đậu Anh Tuấn nhấn mạnh.

Tuy nhiên, ông Đậu Tuấn Anh cũng đưa ra một thực tế rằng, nguồn lực của Việt Nam có hạn nên nếu một gói hỗ trợ mà đưa ra cho quá nhiều ngành, nhiều doanh nghiệp thì hiệu ứng sẽ không tích cực, vì vậy cần chọn lĩnh vực nào mà Việt Nam có tiềm năng và tính cạnh tranh cao thì ưu tiên hơn, ví dụ như chọn khu vực kinh tế đang có ảnh hưởng lớn, nơi có dự án lớn, dự án trọng điểm của Việt Nam, các dự án tạo nên cú hích lớn với nền kinh tế để hỗ trợ.

“Mới đây, tỉnh Vĩnh Phúc đã thực hiện hỗ trợ y tế rất lớn đối với các khu vực sản xuất. Vĩnh Phúc xác định sản xuất là việc của doanh nghiệp, phòng, chống dịch là nhiệm vụ của chính quyền. Cho nên chính quyền đã hỗ trợ tích cực cho các dự án lớn, các nhà đầu tư lớn, đó cũng là một cách để chọn lĩnh vực, chọn cách hỗ trợ phù hợp.

Hay đối với các nhà đầu tư lớn vận hành nhà máy mấy chục ngàn công nhân thì chúng ta không thể đối xử như một doanh nghiệp nhỏ được. Ví dụ chúng tôi nhận được ý kiến của một doanh nghiệp ở Cần Thơ có quy mô khoảng 5-6 nghìn công nhân nhưng chỉ bằng một quyết định hành chính của Trưởng Ban Quản lý Khu công nghiệp là phải dừng hoạt động, mặc dù doanh nghiệp đã nỗ lực rất lớn để duy trì hoạt động bình thường.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 9 tháng đầu năm 2021, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 45,1 nghìn doanh nghiệp, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm trước; 32,4 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 17,4%; 12,8 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 5,9%. Bình quân một tháng, có 10 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Như vậy có thể nói đó là một cách tiếp cận không phù hợp và làm tổn hại rất lớn cho doanh nghiệp, nền kinh tế. Cho nên chúng ta cần có đánh giá ưu tiên cho một số dự án, ngành hàng, khu vực có tác động lớn cho ngành kinh tế. Chúng tôi muốn nói, nguồn lực của chúng ta chưa lớn, gói hỗ trợ cũng không lớn như các nước, nhưng cách hỗ trợ cần phải hiệu quả và đúng nhu cầu của doanh nghiệp, nhà đầu tư”, Trưởng Ban Pháp chế VCCI cho biết.

Bà Phạm Ngọc Thủy – Giám đốc Văn phòng Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) cũng cho rằng, các doanh nghiệp kỳ vọng được giảm thuế VAT. Hiện nay gói hỗ trợ này mới đang hướng tới nhóm các sản phẩm thiết yếu. “Giảm VAT, nếu chúng ta thiết kế tốt thì sẽ là đòn bẩy, kích cầu tốt trong mua sắm tiêu dùng, có hiệu ứng mang lại lợi ích lớn trong giai đoạn phục hồi, cho nên bên cạnh việc hỗ trợ ngay và luôn cho các sản phẩm thiết yếu, tôi mong Chính phủ cũng như ngành thuế sẽ có những gói hỗ trợ thuế thiết thực hơn như thuế VAT, lệ phí trước bạ, … Với từng ngành, từng đặc thù, chúng ta áp dụng trong từng giai đoạn để kích cầu, kích thích tăng trưởng trong bối cảnh mới”, bà Thủy nhấn mạnh.

Cần sự vào cuộc của chính sách tài khóa

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng thì thời gian qua hệ thống ngân hàng đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như thực hiện việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ cho các doanh nghiệp theo tinh thần Thông tư 03/2021/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước. Để có nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp các tổ chức tín dụng đã nỗ lực mở rộng hoạt động kinh doanh, đẩy mạnh hoạt động dịch vụ nhằm tăng lợi nhuận.

Ông Nguyễn Quốc Hùng cho hay, ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp hoàn toàn từ tiền của các ngân hàng, không có nguồn lực nào khác. Nên quy định doanh nghiệp có nợ xấu không được vay vốn cần tiếp cận từ 2 phía, nhất là khi lĩnh vực ngân hàng rất nhạy cảm. Nếu doanh nghiệp không bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, vẫn sản xuất kinh doanh hiệu quả thì nên chia sẻ ngược lại với các ngân hàng. Doanh nghiệp nếu có nợ xấu, nhưng chứng minh được khả năng phục hồi, trả được nợ thì ngân hàng có thể xem xét cấp tín dụng.

Tuy nhiên, theo Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng, những khó khăn đang khiến dư địa hỗ trợ doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng đã gần như cạn kiệt. Tác động của Covid-19 đến các tổ chức tín dụng có độ trễ, hiện ngân hàng đồng ý cho doanh nghiệp vay nhưng nếu doanh nghiệp không trả được nợ thì ngân hàng là người chịu ảnh hưởng. Vì thế, để các tổ chức tín dụng có thêm nguồn lực và điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp thì chính sách phải dài hạn.

Giúp doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh
Ảnh Bảo Thoa

Về nguồn lực cho tín dụng, ông Nguyễn Quốc Hùng cho hay, chính sách tiền tệ đã sử dụng hết khả năng, nên cần sự vào cuộc của chính sách tài khóa. Chính phủ có thể phát hành trái phiếu, vay từ Ngân hàng Trung ương như các quốc gia khác để có đủ nguồn lực hỗ trợ nền kinh tế.

Đối với các gói hỗ trợ thuế, bà Nguyễn Thị Thu Hà – Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền và Hỗ trợ người nộp thuế (Tổng cục Thuế) cho biết, trong năm 2020, Chính phủ đã thực hiện hai nhóm chính sách chính là gia hạn và miễn, giảm các khoản tiền thuế, tiền thuê đất… cho người dân, doanh nghiệp với số tiền lên đến 129 nghìn tỷ đồng. Trong đó, 97,5 nghìn tỷ đồng là thực hiện theo chính sách gia hạn các khoản phải đóng góp vào ngân sách và 31,5 nghìn tỷ đồng là miễn giảm trực tiếp cho người nộp thuế. Việc triển khai kịp thời các biện pháp hỗ trợ người nộp thuế trong năm 2020 đã phần nào giúp người dân và doanh nghiệp bớt đi khó khăn và vượt qua dịch.

Tuy nhiên, sang năm 2021, trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, đặc biệt là đợt bùng phát thứ ba ở các cụm khu công nghiệp miền Bắc như Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương và đợt bùng phát thứ tư ở khu công nghiệp Nam Trung bộ, Bộ Tài chính đã tham mưu với Chính phủ tiếp tục duy trì miễn giảm cho khoảng 30 loại phí, lệ phí có tác động đến hoạt động của doanh nghiệp và đời sống người dân, duy trì giảm thuế suất thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng thiết yếu…

Đánh giá về chính sách mới sẽ tác động như thế nào đến hoạt động của doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Thu Hà cho biết, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ gói hỗ trợ mới với giá trị là 21,3 nghìn tỷ đồng tập trung vào bốn nhóm chính sách. Trong đó, thuế giá trị gia tăng là thuế gián thu nên Bộ Tài chính đề xuất áp dụng cho những nhóm sản phẩm hàng hóa thiết yếu phục vụ cho đời sống. Nhóm thứ hai là hộ kinh doanh vốn là đối tượng bị tổn thương nhất bởi đại dịch Covid-19. Nhóm đối tượng này có quy mô còn nhỏ hơn cả những doanh nghiệp siêu nhỏ, số lượng hộ kinh doanh phải đóng cửa do tác động của dịch là rất lớn. Nhóm thứ ba là tiền thuê đất và nhóm cuối cùng là thuế thu nhập doanh nghiệp./.

Bảo Thoa

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích