“Giữ lửa” làng nghề đúc đồng ở Khánh Hòa

Vang bóng một thời

Một ngày đầu tháng 3, ghé thăm làng nghề đúc đồng Phú Lộc để hỏi về nghề đúc đồng, chúng tôi có dịp được nghe những nghệ nhân lớn tuổi còn lưu giữ ký ức về một thời cả làng Phú Lộc rộn ràng, mải mê làm việc trong không khí tất bật của những thập kỉ trước, hào hứng kể chuyện.

“Giữ lửa” làng nghề đúc đồng ở Khánh Hòa
Rất ít lao động trẻ còn tâm huyết với nghề truyền. Ảnh: Hương Thảo

Kể về câu chuyện nghề, chuyện đời của những người dân làng nghề, ông Nguyễn Văn Nhường – Giám đốc HTX Đức Phú Lộc cho biết, căn cứ vào sổ sách và chiếu theo vua Tự Đức sắc phong thì làng nghề đã tồn tại hơn trăm năm. Nơi đây, chuyên sản xuất các sản phẩm bằng đồng dùng để thờ cúng như: Lư hương, chân đèn, lục bình, đài đựng nước,… Các sản phẩm được làm hoàn toàn thủ công bởi bàn tay của những nghệ nhân sinh ra và lớn lên trên chính mảnh đất này.

Qua thời gian miệt mài lao động và sáng tạo của nhiều thế hệ, làng nghề đúc đồng Phú Lộc đã sản sinh ra nhiều nghệ nhân có tay nghề điêu luyện. Những nghệ nhân này đã dùng khối óc, bàn tay tinh hoa, sự sáng tạo của mình để cho ra đời những sản phẩm chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, giá cả hợp lý…nên được nhiều khách hàng gần xa biết đến.

Tiếng lành đồn xa, có thời điểm, làng nghề “cháy hàng” không đủ để kịp giao bán. Chính nghề này đã đưa làng nghề đúc đồng Phú Lộc trở thành điểm sáng so với nhiều làng nghề khác tại địa phương. Đồng thời, đã mang lại cơm no, áo ấm cho người dân lúc đó. Thời điểm đó, rất nhiều gia đình cất được nhà mới, nuôi được con ăn học thành tài bằng chính tay nghề giỏi của những người thợ lành nghề. Thợ lành nghề đúc đồng Phú Lộc đi đến đâu cũng được trọng vọng.

Trải qua bao thăng trầm, đến năm 2016, làng nghề đúc đồng Phú Lộc được UBND tỉnh Khánh Hòa công nhận là làng nghề truyền thống của tỉnh. Hiện nay, có 40 hộ dân với 100 lao động vẫn đang gắn bó với nghề.

Trong câu chuyện của làng đúc đồng vang bóng một thời giờ đây chỉ còn một tấm biển được treo trên con đường nhỏ đi vào làng với dòng chữ “Làng đúc đồng Phú Lộc”đã bị phai mờ theo năm tháng, nằm chìm khuất giữa những tán cây.

Ghé vào thăm nhà của bà Nguyễn Thị Cạn (57 tuổi), một gia đình có truyền thống hơn 20 năm làm nghề đúc đồng. Bà cho biết, bà là người xứ Phan Rang, vì đem lòng yêu anh thợ làm nghề đúc đồng nên đã đồng ý về làm dâu xứ người. Từ khi sánh duyên, bà trở thành “cánh tay đắc lực” cho chồng, cùng đồng tâm, hiệp lực hỗ trợ nhau giữ gìn công việc truyền thống của gia đình.

Chia sẻ về nghề mưu sinh của gia đình, bà Cạn cho hay, đặc trưng của nghề đúc đồng thủ công ở Phú Lộc là cần sự tỉ mỉ, kiên nhẫn và khéo léo của người thợ. Để cho ra một sản phẩm bằng đồng hoàn chỉnh, phải trải qua ít nhất 6 công đoạn. Mỗi công đoạn cần nhiều người thợ lành nghề khác nhau thực hiện và tất cả các công đoạn được đòi hỏi sự phối hợp ăn ý từ khi nung cho đến đúc đồng và khi gia công hoàn thành ra sản phẩm.

Công việc đòi hỏi sự kiên trì, bền bỉ là thế, nhưng đứng trước những tác động của cơ chế thị trường và quá trình công nghiệp hóa khiến nghề đúc đồng đang trong tình trạng mất nghề truyền thống. Thêm nữa, thu nhập không còn ổn định như thời gian trước, nên những lao động trẻ trong làng không còn ai có tư duy muốn theo nghề của tổ tiên.

Vì quá yêu nghề và không muốn nghề đúc đồng bị mai một, vợ chồng bà đã quyết định đemsổ đỏ căn nhà gia đình đang ở, thế chấp ngân hàng để được hỗ trợ vay vốn để làm ăn.

“Nghề này trước đây thịnh lắm, cả làng đều làm. Giờ thì mai một gần hết rồi, nhà tôi có 2 đứa con được ăn học đàng hoàng đã kiếm được công việc ổn định, lương cao hơn. Chỉ còn vợ chồng tôi ráng bám giữ nghề, làm được lúc nào hay lúc đó để lấy lại sổ đỏ, chắc vài năm nữa cũng bỏ luôn, chứ giờ lớn tuổi rồi, lại không còn ai để truyền nghề, giữ nghề”, bà Cạn bộc bạch.

Theo một số nghệ nhân lớn tuổi, trong làng những người biết nghề thuần thục, nhất là những người có thể tự thao tác, thực hiện được tất cả các công đoạn chỉ còn đếm trên đầu ngón tay, tất cả họ đều đã hơn 60 tuổi. Làng nghề đúc đồng Phú Lộc có nguy cơ bị mai một từng ngày khi không còn người tiếp nối. Và đó cũng là nỗi ưu tư của những nghệ nhân này.

Giải bài toán lao động cho làng nghề

Theo ông Nguyễn Văn Nhường – Giám đốc HTX Đức Phú Lộc, lao động trẻ luôn đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì và phát triển nghề truyền thống. Sự thiếu hụt lao động trẻ để truyền nghề, giữ nghề là vấn đề trăn trở của làng nghề hiện nay.

Rất nhiều nguyên nhân dẫn đến thực tế này, một trong những nguyên nhân đầu tiên khiến các lao động trẻ không có hứng thú với nghề truyền thốngvì thu nhập thấp, không được hưởng những phúc lợi, đãi ngộ chính sách…Bài toán kinh tế đã khiến nhiều lao động trẻ “quay lưng” không còn mặn mà với nghề là điều không khó để lý giải. Họ có xu hướng muốn đến các thành phố lớn hoặc làm việc tại các doanh nghiệp để tìm kiếm công việc với mức thu nhập tốt hơn.

“Giữ lửa” làng nghề đúc đồng ở Khánh Hòa

Ở các độ tuổi hơn nữa đời người, bà Nguyễn Thị Cạn vẫn miệt mài lao động giữ nghề truyền thống. (Ảnh: Hương Thảo).

Ngoài vấn đề thu nhập, làng nghề đúc đồng Phú Lộc đang đối diện với khó khăn là không có cơ sở mặt bằng để sản xuất tập trung, dù HTX Đức Phú Lộc đã nhiều lần đề nghị tỉnh, huyện quan tâm, xem xét giải quyết nhưng chưa được triển khai. Việc mở rộng cơ sở sản xuất sẽ góp phần giúp các hộ dân làm nghề giảm bớt khó khăn, làng nghề mới có cơ hội phát triển bền vững và đó chính là một trong những yếu tố để lao động trẻ yên tâm gắn bó với nghề truyền thống của quê hương.

Bên cạnh đó, lực lượng lao động có tay nghề vững, nhiều kinh nghiệm, kỹ năng tốt lại thuộc nhóm lao động có độ tuổi khá cao. Việc dạy nghề tại làng nghề đúc đồng Phú Lộc đều theo lối truyền nghề trong các gia đình. Dẫn đến việc đào tạo bài bản chưa cao, có nhiều lao động trẻ chỉ có thể làm một công đoạn của nghề, những công đoạn khó hơn như đúc đồng vẫn chưa thực hiện được.

“Chúng tôi nhiều lần kiến nghị cho HTX được phép thuê đất để giữ gìn và phát triển làng nghề. Đồng thời, mong muốn có cơ chế, chính sách nhằm giữ lao động trẻ. Nếu không có sự hỗ trợ của chính quyền địa phương thì khoảng 6 -7 năm nữa, nghề truyền thống của làng Phú Lộc không thể tồn tại”.

Có thể nhận định, trong bối cảnh công nghiệp hóa phát triển như hiện nay đã đặt ra không ít khó khăn, thách thức đối với làng nghề đúc đồng Phú Lộc. Hơn ai hết vai trò của đội ngũ lao động trẻ ngày càng quan trọng. Do đó, công tác đào tạo nghề, thu hút đội ngũ lao động trẻ sẽ góp phần giải quyết hiệu quả bài toán phát triển bền vững các làng nghề.

Chính quyền địa phương cần sớm có những chủ trương, chính sách nhằm tạo điều kiện, khuyến khích, hỗ trợ cho làng nghề địa phương phát triển, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Đồng thời, quan tâm tìm đầu ra cho sản phẩm để người lao động yên tâm học nghề và các nghệ nhân yên tâm truyền nghề. Có như vậy, thì các lao động trẻ mới làm tốt được vai trò là những người kế nghiệp, tiếp tục giữ mãi lửa nghề, giúp làng nghề đúc đồng Phú Lộc luôn “đỏ lửa” cho hôm nay và mai sau.

Hương Thảo

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích