Giữ bình yên trên không gian mạng

“Nở rộ” các chiêu trò lừa đảo mạo danh

Theo điểm tin lừa đảo trực tuyến của Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) từ ngày 11 – 18/8, đã xuất hiện 4 chiêu trò lừa đảo nổi bật. Tiêu biểu, lợi dụng chính sách cắt sóng 2G và nhu cầu đổi điện thoại từ 2G sang 4G của một bộ phận người dân, đa số là người cao tuổi có nhu cầu sử dụng máy phím bấm 4G, một số đối tượng đã lừa đảo người dân mua máy 2G nhưng “đội lốt” 4G với giá 400.000 – 500.000 đồng/máy.

Giữ bình yên trên không gian mạng
Tình trạng giả mạo trang thông tin của các tổ chức nhằm chiếm đoạt tài sản xuất hiện ngày càng tinh vi. (Ảnh minh họa)

Đối với hình thức trên, các đối tượng sử dụng mạng xã hội hoặc thông qua bán trực tiếp để tiếp cận, lừa đảo bán điện thoại giả 4G cho người dùng. Các đối tượng đăng tải những bài đăng với nội dung rao bán điện thoại di động 4G giá rẻ, một số đối tượng còn rao bán những loại smartphone 3G đã qua sửa chữa với lời rao “3G hay 4G đều xài thoải mái” với giá chưa đến 1 triệu đồng.

Sau khi bán sản phẩm, các đối tượng sẽ xóa tài khoản bán hàng hoặc chặn tài khoản của người mua trên mạng xã hội. Không ít người dùng ham rẻ, thiếu kiến thức đã đặt mua điện thoại của các đối tượng lừa đảo, đến khi nhận máy, lắp SIM mới phát hiện mua phải điện thoại 2G; chiếc điện thoại smartphone 3G được các đối tượng quảng cáo cũng nằm trong diện không sử dụng được khi chuyển lên sóng 4G sắp tới.

Bên cạnh đó, tình trạng giả mạo trang thông tin của các tổ chức nhằm chiếm đoạt tài sản xuất hiện ngày càng nhiều. Mới đây, Hệ thống Anh ngữ Quốc tế Ocean Edu đã phát đi thông tin cảnh báo cho biết, trên mạng xã hội gần đây xuất hiện nhiều trang fanpage giả mạo thương hiệu Ocean Edu, các trang fanpage này sử dụng logo, tên gọi các cuộc thi và hình ảnh của Ocean Edu để truyền thông và kêu gọi phụ huynh, học sinh đăng ký tham gia qua các trang/form giả mạo được lập ra với mục đích lừa đảo, thu phí.

Đối với hình thức lừa đảo trên, các đối tượng sẽ tạo lập nhiều trang fanpage giả mạo vô cùng tinh vi và chuyên nghiệp. Trang web giả mạo có giao diện trông giống như trang web chính thức của một thương hiệu nổi tiếng. Các đối tượng sử dụng các tên miền tương tự hoặc thay đổi một vài ký tự để làm cho trang web trông hợp lệ.

Để tăng mức độ uy tín, các đối tượng còn tạo ra các tài liệu, quảng cáo, hoặc sản phẩm với tên và logo của thương hiệu nổi tiếng, đồng thời đăng tải những nội dung về các cuộc thi có tính hấp dẫn để thu hút sự chú ý và đánh lừa người tiêu dùng. Sau khi nạn nhân liên hệ, đối tượng yêu cầu người dân cung cấp thông tin cá nhân, sau đó các đối tượng lừa đảo gửi email thông báo họ đã trúng giải thưởng và yêu cầu họ cung cấp thêm thông tin hoặc trả phí để nhận giải thưởng.

Đó chỉ là hai trong số rất nhiều chiêu trò lừa đảo được các đối tượng thực hiện nhằm chiếm đoạt tài sản của người dân. Đáng nói điểm chung của các vụ lừa đảo mặc dù cách thức lừa đảo không mới song vẫn khiến không ít người tin theo.

Chú trọng bảo vệ dữ liệu cá nhân trong môi trường số

Chia sẻ về vấn đề lừa đảo trực tuyến, tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Thông tin và Truyền thông, ông Trần Quang Hưng – Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), cho biết, lừa đảo có nhiều hình thức nhưng tựu chung ở ba câu chuyện lớn: Đối tượng tấn công dẫn dụ người dùng cài phần mềm độc hại lên máy tính; lừa bấm vào link để gửi mã OTP chuyển tiền; dẫn dụ người dùng chuyển khoản. Gốc rễ của lừa đảo trực tuyến chính là động cơ tài chính. Do đó, nếu xử lý được bài toán định danh trên không gian mạng, định danh tài khoản, xử lý bài toán SIM rác, SIM chính chủ, thuê bao ngân hàng rác, câu chuyện lừa đảo trực tuyến sẽ giảm.

Để hạn chế tình trạng lừa đảo trực tuyến, các đơn vị chức năng của Bộ Thông tin và Truyền thông đã và đang phối hợp với các cơ quan, đơn vị nghiệp vụ thuộc Bộ Công an, các doanh nghiệp viễn thông thường xuyên theo dõi, rà soát tình hình lộ lọt, mua bán dữ liệu thông tin cá nhân của cơ quan, tổ chức tại Việt Nam và cảnh báo, hỗ trợ xử lý kịp thời một số nhóm tội phạm công nghệ cao; không để xảy ra sự cố thiệt hại nghiêm trọng do lộ lọt thông tin.

Một số biện pháp kỹ thuật khác đang được Cục An toàn thông tin triển khai bao gồm tăng cường giám sát, theo dõi, cảnh báo, ngăn chặn tên miền độc hại; chỉ đạo, điều phối ngăn chặn các trang web/blog vi phạm pháp luật, bảo vệ người dân không truy cập vào các website lừa đảo trực tuyến, vi phạm pháp luật trên không gian mạng; thúc đẩy phát triển cơ sở dữ liệu chống lừa đảo trực tuyến quốc gia; triển khai hệ sinh thái tín nhiệm mạng để đánh giá, xác nhận website bảo đảm an toàn thông tin mạng.

Cùng đó, Cục An toàn thông tin tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức của người dân như xây dựng và phát hành các bộ Cẩm nang về nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến, Cẩm nang An toàn trực tuyến; triển khai xây dựng chuỗi Điểm tin tuần với các thông tin về tình hình lừa đảo trực tuyến nổi bật để đưa ra cảnh báo, cũng như các khuyến cáo kịp thời giúp người dân tự bảo vệ mình trên môi trường mạng.

… Song song với các biện pháp cơ quan chức năng đang triển khai, để tự bảo vệ mình không trở thành nạn nhân trong các vụ lừa đảo trực tuyến, mỗi người dân cần luôn chủ động cập nhật các thông tin, nâng cao cảnh giác, tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân: Căn cước công dân, mã OTP, số thẻ ngân hàng,… cho bất kỳ ai hoặc trên bất kỳ trang web lạ nào.

Nguyễn Hoa

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích