Giới hạn ô nhiễm kim loại nặng trong thực phẩm quy định như thế nào?
Kim loại nặng là những nguyên tố tự nhiên trong trái đất. Chúng được sử dụng trong nhiều ứng dụng hiện đại như nông nghiệp, y học và công nghiệp.
Cơ thể con người thậm chí cũng chứa các kim loại trên. Ví dụ, kẽm, sắt và đồng cần thiết cho hoạt động bình thường của cơ thể, miễn là chúng không tồn tại với số lượng độc hại. Những kim loại này được xếp vào nhóm kim loại nặng trong thức ăn hoặc kim loại nặng trong thực phẩm.
Ngộ độc kim loại nặng thường xảy ra khi các mô mềm của cơ thể hấp thụ quá nhiều một kim loại cụ thể. Các kim loại phổ biến nhất cơ thể con người có thể hấp thụ với lượng độc hại là: Thủy ngân, chì, cadimi, thạch tín…
Các triệu chứng cũng như dấu hiệu chung của một số loại ngộ độc kim loại nặng bao gồm: Tiêu chảy, buồn nôn, đau bụng, nôn mửa, hụt hơi, ngứa ran ở các chi như bàn tay, bàn chân… Trẻ em ngộ độc kim loại nặng có thể có xương bị hình thành hoặc yếu đi một cách bất thường. Phụ nữ mang thai cũng có thể bị sảy thai hoặc đẻ non nếu ngộ độc kim loại nặng.
Trước những nguy cơ ngộ độc kim loại nặng, Bộ Y tế đã quy định giới hạn ô nhiễm kim loại nặng trong thực phẩm và các yêu cầu quản lý có liên quan trong quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với giới hạn ô nhiễm kim loại nặng trong thực phẩm (QCVN 8-2:2011/BYT).
Cụ thể, QCVN 8-2:2011/BYT quy định giới hạn lượng ăn vào hàng tuần có thể chấp nhận được tạm thời của kim loại như: Arsen (As) tính theo arsen vô cơ, Cadmi (Cd), Chì (Pb), Thuỷ ngân (Hg)… Đồng thời, giới hạn ô nhiễm kim loại nặng trong các nhóm thực phẩm cụ thể cũng được quy định chi tiết.
QCVN 8-2:2011/BYT nhấn mạnh các tổ chức các nhân không được nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh sản phẩm thực phẩm chứa kim loại nặng vượt quá giới hạn ô nhiễm quy định trong quy chuẩn này.
Doãn Trung