Giới chuyên gia nhận định gì về khả năng ‘cơn sốt đất’ trong năm 2022?

Ông Huỳnh Phước Nghĩa- Chuyên gia tư vấn cấp cao Công ty Tư vấn kinh doanh hội nhập Toàn Cầu (GIBC) chia sẻ tại Hội nghị bất động sản Việt Nam ngày 17/12 rằng: Nguyên nhân khiến giá đất sốt nóng vừa qua đến từ các thông tin về nguồn cung, quy hoạch, sự thay đổi của điều kiện hạ tầng.

Tuy nhiên, trong năm 2021, các kế hoạch phát triển về hạ tầng, quy hoạch đã được dần công bố. Ông Nghĩa nhận định, sang năm 2022 rất khó để xuất hiện những điểm nóng hạ tầng nào có thể tạo ra sốt. . Mặt khác, ông cũng cho biết các tín hiệu có thể tạo ra sốt đất như các chỉ số kinh tế vĩ mô, các thương vụ M&A, vốn FDI… cũng không rõ ràng. Sang năm rất  khó có sốt đất kiểu bơm thổi giá. Chiến lược giá từ chủ đầu tư và nhà đầu tư cá nhân sẽ ổn định và ít biến động hơn.

Trên thực tế, thời gian qua trên thị trường đã xuất hiện nhiều nơi chào giá bất động sản với mức tăng hơn so với ít tháng trước. Vừa qua báo chí đưa tin phiên đấu giá ở Đông Hà (Quảng Trị) có lô đất giá khởi điểm 1,8 tỷ đồng nhưng được bán với giá 4,5 tỷ đồng.

Hay tại phiên đấu giá giá 98 lô đất ở tại khu dân cư trung tâm xã Tân Hưng (huyện Lạng Giang, Bắc Giang), thu hút đến 1.788 hồ sơ đăng ký. Giá khời điểm khu đất rộng 12.900 m2 có tổng giá  là hơn 137 tỷ đồng; các lô có diện tích khoảng 126 -180m2/ lô, giá khởi điểm từ 1,2 – 2,85 tỷ đồng/lô. Kết thúc phiên đấu giá, 98  lô đất đều có khách hàng trúng, tổng giá trúng là 338 tỷ đồng, chênh lệch so với mức khởi điểm hơn 201 tỷ đồng; đặc biệt 2 lô góc rộng 180m2 có giá trúng chênh lệch so với giá khởi điểm từ 3,3 – 2,4 tỷ đồng. 

Gây “sốc” nhất  là cuộc đấu giá đất tại Thủ Thiêm (TP.HCM) với mức giá 2,4 tỷ đồng/m2 lập kỷ lục trên thị trường bất động sản vượt xa giá đất “kim cương” quận 1 (TPHCM) hay quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) thậm chí “vượt mặt” cả Mỹ, Hong Kong…

Tại Hà Tĩnh, cơn sốt đất tjai Vũng Áng cũng đang nóng  lên, khi  nhà máy sản xuất pin 4.000 tỷ đồng của Vingroup làm lễ khởi công tại xã Kỳ Lợi.

Để ngăn chặn tình trạng “sốt đất”, thổi giá, các địa phương trong các tháng cuối 2021 đã có động thái siết thị trường.  Như tại Khánh Hoà, UBND thị xã Ninh Hòa đã thông báo tạm dừng việc tiếp nhận giải quyết đối với hồ sơ chuyển mục đích SDĐ từ ngày 10/12 2021 cho đến khi Quy hoạch SDĐ 2021- 2030 và Kế hoạch SDĐ năm 2022 của thị xã Ninh Hòa được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Hay tại Hà Tĩnh,  Chủ tịch UBND tỉnh  – ông Võ Trọng Hải cũng có văn bản chấn chỉnh tình trạng tách thửa, phân lô, bán nền trái phép và tăng cường quản lý đất đai.

Vừa qua, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị ký công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị tăng cường thực hiện đăng tải thông tin hồ sơ đồ án quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị Việt Nam lên Cổng thông tin điện tử.

 Chuyên gia bất động sản nhận định, bản chất thị trường là phải có đầu tư cơ sở hạ tầng thực sự thì giá trị đất mới tăng lên, chứ chưa đầu tư mà giá đã tăng mạnh thì đó là bất hợp lý.

Nguồn: hoanhap.vn

Bạn cũng có thể thích