Giếng làng tự sự

Giếng làng tự sự

Dạo này giếng làng buồn lắm. Mà không chỉ riêng một mình nó, cả họ hàng nhà nó cũng đều như vậy. Vì sao mà buồn ư?

Từ ngày ra đời cho đến nay cũng dễ đã hàng trăm năm rồi, lần đầu tiên anh em họ nhà giếng ở cái làng Bình Thạnh này mới phải lâm vào tình cảnh bị bỏ rơi, bị bạc đãi, bị hắt hủi, chẳng ai còn đoái hoài gì đến sự hiện diện của họ hàng nhà nó như vậy. Ai lâm vào tình cảnh đó mà không buồn sao được.

Từ trước đến giờ, cho dù thời thế xoay vần thế nào, ngay cả những lúc cả làng phải trải qua những hoàn cảnh nguy nan khó khăn nhất, kể cả thời kỳ binh đao khói lửa thì người ta cũng chưa bao giờ đối xử tệ bạc với nó cả. Người trong làng từ kẻ giàu cho đến người nghèo, bất cứ ai ai cũng đều phải cần đến nó. Không có anh em của nó thì cái làng này đã không tồn tại bởi ở đây chẳng hề có dòng sông con suối nào chảy qua, cũng chẳng có ao bàu nào xuất hiện. Chỉ có nó và họ hàng nhà nó mới lo được cái nhu cầu thiết yếu nhất cho cuộc sống của họ mà thôi.

gieng-lang.jpg
Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Bởi vậy, lúc nào nó cũng tự hào về cái trọng trách to lớn mà nó đang gánh vác và ra sức hoàn thành nhiệm vụ cao cả ấy. Có những năm trời làm hạn to, ao bàu khắp xứ đều cạn khô thì nó vẫn cố vặn mình chắt lọc ra từng giọt nước, đủ cho người trong làng sống qua những đận ngặt nghèo. Lúc đó nó mới thấy mình thật là quan trọng.

Bản thân nó được vinh dự ra đời cùng lúc với làng nên được gọi là giếng Làng. Sau nó còn nhiều đứa em khác nữa như giếng Lũy, giếng Tây, giếng Liệt… Kể từ lúc nó mới ra đời, các cụ kỵ của những con người hiện đang sống ở cái làng này đã cưng chìu nó lắm. Mỗi khi thân thể nó lỡ bị trầy xước hay nứt nẻ một chút xíu thì cả làng đều lo lắng. Người ta lập tức tập trung tận tình chăm sóc chữa lành những vết thương trên thân hình nó. Người ta sẵn sàng chịu khó vớt từng chiếc lá nhỏ để giữ cho nguồn nước trong lòng nó luôn được tinh khiết. Người ta còn nghiêm cấm bọn trẻ con không được vứt bất cứ thứ gì vào trong lòng nó. Họ còn cặm cụi lát đá, khơi thông mương rãnh chung quanh để tránh cho đám bùn lầy bẩn thỉu không thể vấy bẩn lên miệng nó.

Công việc ấy cứ lặp đi lặp lại từ thế hệ này sang thế hệ khác cho nên dù nhiều lớp người đã già đi, đã thành người thiên cổ nhưng riêng nó vẫn giữ được cái thân thể cường tráng của tuổi thanh xuân, thậm chí trông còn có vẻ tươi trẻ hơn xưa nhiều lắm. Miệng của nó được sửa chữa lại kiên cố, bóng bẩy và sắc sảo bằng xi măng thay cho lớp vữa vôi xù xì, cũ kỹ trước đây. Nguồn nước mà nó chứa đựng lúc nào cũng đầy ắp, tràn trề mặc cho người ta đã liên tục lấy đi của nó hàng triệu hàng tỷ lít. Với cái đà này, nó nghĩ mình vẫn còn đủ sức để trường tồn cùng với cái làng biển xinh đẹp này.

Cứ như vậy, nó lặng lẽ sống, lặng lẽ phục vụ mọi người trong làng. Nó trở thành nơi mọi người thường xuyên gặp gỡ trò chuyện với nhau nên tuy nằm yên một chỗ nhưng hầu như chuyện lớn nhỏ trong làng nó đều biết, nhà ai có đám cưới hay đám giỗ nó đều hay. Nó là chứng nhân cho bao sự đổi thay của thời cuộc, trở thành một trong những biểu tượng của một ngôi làng. Cây đa, giếng nước, sân đình luôn là những hình ảnh khắc sâu trong tiềm thức của những người vì một lý do nào đó buộc phải ly hương.

Rồi còn chuyện tình yêu đôi lứa nữa chứ? Chỗ của nó luôn là nơi mà trai gái trong làng dễ dàng gặp gỡ, hẹn hò tình tự và từ đó biết bao cặp đã nên duyên chồng vợ. Những đứa trẻ lần lượt ra đời và xóm làng đông đúc dần lên. Nó cứ tưởng cuộc sống ở cái làng này sẽ mãi mãi diễn ra theo cái trình tự như vậy.

Một hôm, nó thấy nhiều người lạ đến làng. Họ mang theo nhiều dụng cụ, máy móc và những thứ dài dài mà họ gọi là ống nước. Họ đào rãnh rồi đặt những cái ống đó dẫn đến từng nhà, từng nhà một. Nó thấy mọi người trong làng đều có vẻ hoan hỉ lắm.

Khi họ đi rồi thì người trong làng cũng không còn nhìn ngó đến nó nữa, cứ như nó là một thứ gì đó thừa thải mà họ còn chưa nỡ vứt đi. Giếng Làng nằm đó một mình, cô độc và trơ trọi, không còn nghe thấy tiếng thùng gánh nước loảng xoảng vui tai, tiếng gàu vục nước ùm ùm, tiếng nói cười rộn ràng chung quanh nó hàng ngày nữa. Bây giờ thì chỉ còn cây bàng già bên cạnh làm bạn với nó, thỉnh thoảng lại buông một chiếc lá úa vàng vào trong lòng giếng như muốn trêu ngươi nó vậy.

Không còn ai trò chuyện với nó nữa nên nó phải cố tìm hiểu lý do. Qua những câu chuyện nghe được loáng thoáng từ họ, rốt cuộc nó cũng biết được ít nhiều. Thì ra bây giờ Nhà nước đang chủ trương vận động dân trong làng sử dụng nước sạch. Người ta chê nước của nó không được an toàn vì chưa qua xử lý. Đã vậy cái thứ nước kia còn được dẫn thẳng đến từng nhà, cứ mở vòi ra là có ngay để xài mà không còn phải đi gánh từng đôi một ở chỗ nó như trước. Hèn gì người ta không còn cần đến nó cũng phải.

Ban đầu nó cũng bị sốc và tủi thân. Riết rồi thì nó cũng quen và tự an ủi mình. Đâu phải chỉ một mình nó bị lãng quên như vậy? Cái gàu, đôi thùng gánh nước cũng bị xếp xó. Rồi trước đó còn bao nhiêu thứ khác mà con người đã bỏ đi từ lâu. Nó chợt nhận ra rằng cái gì cũng có một thời, như cái lưỡi cày chẳng hạn, tồn tại gắn bó với con người hàng ngàn năm rồi đùng một cái là biến mất luôn. Chắc nó rồi cũng vậy thôi!

Một buổi chiều, có một người đàn bà chít khăn tang đến với nó. Bà tựa người vào thành giếng và đứng thẫn thờ hồi lâu. Nó biết bà vừa đưa tiễn người chồng yêu quý của mình về nơi an nghỉ cuối cùng. Hai người họ đã cùng lớn lên, quen biết rồi thổ lộ tình yêu ngay bên cạnh nó nên nó rành về họ lắm. Hình như bà ra thăm nó để nhớ lại những kỷ niệm thuở ban đầu của hai người.

Hôm qua lại có hai người đàn ông đến thăm nó. Một người cao gầy, tóc dài, đeo kính trắng dáng vẻ mơ màng trông như một nhà thơ. Người kia thì vạm vỡ, to lớn cứ cắm cúi ghi chép, đo đạc rồi quan sát nó rất kỹ như một nhà khảo cứu chuyên nghiệp. Họ bàn tán sôi nổi về tuổi tác của nó, về những con người đã tạo dựng ra nó. Họ còn nói đây cũng là một thứ di tích cần phải được bảo tồn của làng. Nó khấp khởi mừng. Ít ra thì người ta vẫn còn để mắt đến nó.

Một làn gió từ đâu bỗng ùa đến. Cây bàng già lại được dịp lắc lư cười nhạo nó. Được thể lão còn tia thêm mấy chiếc lá vàng úa rơi xuống lòng giếng nữa chứ. Mặt nước của nó bây giờ đã bị phủ kín những tàn tích của lão mà chẳng ai buồn vớt lên. Giếng làng giận lắm. Hừ, lão già nhớ đấy. Biết đâu nay mai nó mà được trở thành một di tích cổ của làng thì không khéo lão lại năn nỉ để được ăn theo với nó không chừng!

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích