‘Giật mình’ quy trình xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường của Công ty Môi trường Sông Công
‘Giật mình’ quy trình xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường của Công ty Môi trường Sông Công
Công ty TNHH Môi trường Sông Công bị đặt nghi vấn về việc vận chuyển, xử lý nhiều tấn chất thải rắn công nghiệp thông thường không đúng quy định của pháp luật, gây ảnh hưởng rất lớn đến môi trường.
Trước đó, ngày 21/3/2023, Môi trường và Đô thị Việt Nam đăng tải bài viết “Cần kiểm tra hoạt động nhà máy xử lý chất thải Sông Công gây ô nhiễm môi trường” – (https://www.moitruongvadothi.vn/thai-nguyen-can-kiem-tra-hoat-dong-nha-may-xu-ly-chat-thai-song-cong-gay-o-nhiem-moi-truong-a126078.html). Nội dung phản ánh bức xúc của người dân thôn Tân Mỹ 2, xã Tân Quang về hoạt động Khu liên hợp xử lý chất thải Sông Công, xử lý rác thải thông thường và rác thải nguy hại của Công ty TNHH Môi trường Sông Công khiến cuộc sống của họ bị đảo lộn do phải hứng chịu cảnh ô nhiễm khói bụi, tiếng ồn phát sinh từ hoạt động xử lý chất thải từ nhà máy. Bên cạnh đó, nhà cửa, vật dụng của các hộ gia đình luôn bị bám đầy bụi bẩn, ruồi nhặng lúc nào cũng bâu đen kịt,… Ruộng, vườn và đặc biệt là ao nuôi cá bị ô nhiễm nguồn nước không thể nuôi trồng gây ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế hộ gia đình.
Về sự việc trên, đại diện nhà máy của Công ty TNHH Môi trường Sông Công xác nhận với PV, có nhiều lần người dân phản ánh đến chính quyền và kéo đến nhà máy để kiến nghị về vấn đề môi trường của nhà máy. Hiện nay còn có 3 hộ dân vẫn chưa nhận tiền đền bù, bàn giao mặt bằng nên vẫn đang sinh sống trong khuôn viên nhà máy.
Hiện nay, ngoài việc nhà máy bị ‘tố’ hoạt động gây ô nhiễm môi trường, Công ty TNHH Môi trường Sông Công còn ‘dính’ vào nghi án quản lý, xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường (sau đây viết tắt là CTRCNTT) từ Nhà máy sản xuất dầu DMC và Silicone của Công ty TNHH Hoá công nghiệp Triển Bằng tại Khu công nghiệp Hải Yên, TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh không đúng quy định, gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường.
Đến bất thường khi xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường
Theo tài liệu, hình ảnh mà PV Môi trường và Đô thị Việt Nam thu thập, ghi nhận được thể hiện: Ngày 7/3/2023, tại Biên bản giao nhận chất thải rắn công nghiệp thông thường, đại diện Công ty TNHH Hoá công nghiệp Triển Bằng ký giao nhận cho Công ty TNHH Môi trường Sông Công 550.060 kg CTRCNTT.
Sau khi tiếp nhận, khối lượng chất thải này được vận chuyển, bốc xếp lên một chiếc tàu mang số hiệu NĐ-3266 tại bến cảng Quang Phát 2 ở TP Móng Cái. Đến khoảng 4h sáng ngày 8/3 chiếc tàu này bắt đầu rời cảng.
Đến trưa ngày 12/3/2023, tàu NĐ-3266 chở CTRCNTT về đến tỉnh Hà Nam và neo đậu tại một điểm ven đê sông Hồng thuộc địa bàn xã Mộc Nam, thị xã Duy Tiên, cách chân cầu Yên Lệnh chừng 2km.
Điều đáng nói, ngay sau khi tàu NĐ-3266 cập bến, trên bờ đã có một máy múc chờ sẵn để “múc hàng” tập kết lên bờ và lên xe tải chở đi tiêu thụ, xử lý. Quá trình bốc xúc, trung chuyển lượng chất thải trên đã gây ô nhiễm bởi bụi trắng bay mù mịt, và khi đứng gần khu vực tập kết chất thải này thì bốc mùi khét lẹt rất khó chịu, chỉ một thoáng tiếp xúc PV đã bị váng đầu, chóng mặt và buồn nôn.
Để làm rõ nguồn chất thải này được vận chuyển đi đâu, quy trình xử lý thế nào, PV Môi trường và Đô thị Việt Nam đã liên hệ với ông T., được cho là chủ tàu NĐ-3266. Trao đổi qua điện thoại, ông này cho biết chúng tôi chỉ là đơn vị được Công ty TNHH Môi trường Sông Công thuê vận chuyển khối lượng chất thải trên, nên lộ trình, địa điểm giao trả hàng thế nào thì theo chỉ định của họ.
Trả lời câu hỏi, khối lượng chất thải sau khi được bốc xúc khỏi tàu thì được vận chuyển đi đâu? Họ chuyển đến nhà máy xi măng VC-N.B trên địa bàn thị xã Tam Điệp ( hiện PV đang liên hệ làm việc với công ty xi măng này) để làm phụ gia sản xuất xi măng ?! – ông T. cho biết.
Để có thông tin chính xác về quy trình vận chuyển, xử lý lượng CTRCNTT trên, PV đã liên hệ với Công ty TNHH Môi trường Sông Công. Tuy nhiên, sau khi tiếp nhận thông tin một vị đại diện công ty này chủ động liên hệ với PV, sau đó đưa ra lý do để không làm việc, cung cấp thông tin cho báo chí.
Để rộng đường dư luận, PV tiếp tục liên hệ với Công ty TNHH Hoá công nghiệp Triển Bằng, qua trao đổi đại diện công ty này cho biết, trách nhiệm xử lý lượng chất thải trên thuộc về Công ty TNHH Môi trường Sông Công.
Trong một diễn biến khác, để làm rõ phản ánh liên quan đến hoạt động của nhà máy xử lý chất thải gây ô nhiễm môi trường, cũng như làm rõ nghi vấn Công ty TNHH Môi trường Sông Công vận chuyển, xử lý CTRCNTT không đúng quy định. Ngày 20/3/2023, PV Môi trường và Đô thị Việt Nam đã liên hệ với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên và đại diện đơn vị này cho biết, hiện nay đơn vị đang chuẩn bị nội dung thông tin để bố trí buổi làm việc với PV.
Môi trường và Đô thị Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin sự việc./
Quy định đối với cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường phải đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định tại khoản 2 Điều 82 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 như sau:
“2. Cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường phải đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định của Luật này.”
Hoạt động bảo vệ môi trường là hoạt động phòng ngừa, hạn chế tác động xấu đến môi trường; ứng phó sự cố môi trường; khắc phục ô nhiễm, suy thoái môi trường, cải thiện chất lượng môi trường; sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Theo đó, cơ sở xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường phải đảm bảo các yêu về bảo vệ môi trường gồm có báo cáo đánh giá tác động môi trường được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; các hệ thống thiết bị xử lý, lưu chứa, khu vực lưu giữ và phương tiện vận chuyển phải đáp ứng yêu cầu kỹ thuật quy trình quản lý theo quy định; có chương trình quản lý và giám sát môi trường. Đồng thời, cơ sở xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường phải được cơ quan có thẩm quyền xác nhận và hoàn thành công trình bảo vệ môi trường, các địa điểm đặt cơ sở xử lý chất thải rắn công nghiệp phải phù hợp với quy hoạch môi trường, không ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị