Giao thừa Hà Nội ấm áp, hân hoan trước thềm Xuân mới

Trong giây phút chuyển giao năm mới, người dân Thủ đô hân hoan, nô nức chào đón phút thiêng liêng Giao thừa để bước vào một năm mới tràn đầy năng lượng tích cực với nhiều hy vọng may mắn, thành công.

Giao thừa Hà Nội ấm áp, hân hoan trước thềm Xuân mới
Người dân chọn mua cành đào về trang trí Tết. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Trải qua 2 năm dịch bệnh nên phải tạm dừng bắn pháo hoa, Giao thừa năm nay, Hà Nội tổ chức bắn pháo hoa tại 30 điểm cùng nhiều điểm âm nhạc vui chơi giải trí để phục vụ người dân đón Tết Nguyên đán Quý Mão vui tươi, ấm áp.

Trong giây phút chuyển giao năm mới, người dân Thủ đô hân hoan, nô nức chào đón phút thiêng liêng Giao thừa để bước vào một năm mới tràn đầy năng lượng tích cực với nhiều hy vọng may mắn, thành công hơn năm cũ.

Rộn ràng đón Xuân

Năm Nhâm Dần 2022 khép lại, hòa nhịp cùng Chương trình xây dựng nông thôn mới, ngoại thành Hà Nội tiếp tục có những đổi thay tích cực, ngày càng khang trang, hiện đại, văn minh. Xuân mới 2023 đang gõ cửa xóm làng, mang theo khí thế thi đua sản xuất tràn đầy năng lượng tích cực.

Đón Xuân mới Quý Mão, người dân xã Liên Trung (huyện Đan Phượng-Hà Nội) có thêm niềm vui khi vườn hoa cây xanh khu trung tâm xã quy mô hơn 3ha, kinh phí đầu tư hơn 10 tỷ đồng được đưa vào sử dụng.

Đây là một trong những vườn hoa cây xanh kết hợp với sân bóng, quảng trường… có quy mô lớn nhất của huyện Đan Phượng, giúp nhân dân có thêm không gian xanh để nghỉ ngơi, thư giãn và tập thể dục-thể thao. Trong những ngày cuối năm, xã Liên Trung được thành phố thẩm định đủ điều kiện đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu trên 2 lĩnh vực giáo dục và y tế.

Ông Vũ Đình Hân, Trưởng thôn 2, xã Liên Trung, cho biết thêm hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, nhân dân đã ủng hộ hơn 1 tỷ đồng để chỉnh trang làng xóm. Với sự chung sức đó, năm 2022, thôn được trao giải nhất cuộc thi “Xây dựng thôn, tổ dân phố sáng, xanh, sạch đẹp, an toàn” do huyện Đan Phượng tổ chức.

Kinh tế phát triển, thu nhập của người dân tốt hơn nên chợ quê ngày gần Tết vô cùng sôi động.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Ba Vì Đỗ Quang Trung cho hay, sau hơn 10 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, huyện Ba Vì đã huy động được gần 10.000 tỷ đồng cho chương trình.

Đến hết năm 2022, Ba Vì đã có 100% số xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới, trong đó có 4 xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao; thị trấn Tây Đằng đã đạt chuẩn văn minh đô thị. Đặc biệt, mô hình xây dựng thôn, tổ dân phố sáng-xanh-sạch-đẹp-an toàn được huyện triển khai tốt, thu hút sự vào cuộc sôi nổi của người dân.

Từ khi phát động (tháng 4/2022) đến hết năm 2022, nhân dân huyện Ba Vì đã ủng hộ hơn 64,4 tỷ đồng tiền mặt, hiện vật và ngày công để trồng hoa, cây xanh, vẽ tranh tường, thu gom rác thải, lắp đèn chiếu sáng… Nhờ đó, diện mạo nông thôn huyện Ba Vì đã thực sự được “thay áo mới.”

Theo Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội, đến nay, thành phố đã có 15/18 đơn vị cấp huyện hoàn thành xây dựng nông thôn mới. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng so với năm cũ.

Kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo cuối năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn dự kiến ở mức 0,17%, trong đó có 5 huyện không còn hộ nghèo là Đan Phượng, Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức, Thanh Trì; tỷ lệ hộ cận nghèo là 1,72%.

Ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh Văn phòng thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội cho biết năm 2022, thành phố đặt mục tiêu có 15 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và 25 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Thời điểm hiện tại, đoàn thẩm định nông thôn mới của thành phố đang đánh giá tình hình thực tế tại các địa phương, dự kiến hoàn thành mục tiêu về số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Riêng về xã xây dựng nông thôn mới nâng cao, dự kiến sẽ có hơn 50 xã hoàn thành, vượt nhiều so với chỉ tiêu đặt ra.

Nhờ những thành tựu trong phong trào xây dựng nông thôn mới, hạ tầng nông thôn khu vực ngoại thành Hà Nội được đầu tư khang trang, kinh tế của các gia đình đều phát triển. Đó là niềm vui rất lớn của nhân dân ngoại thành trước thềm năm mới.

Hy vọng trước thềm Xuân mới

Tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong nhân dân Thủ đô, Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, trang trí, cổ động trực quan, cùng với đó, các đơn vị nghệ thuật của Hà Nội, gồm: Nhà hát Chèo Hà Nội, Nhà hát Cải lương Hà Nội, Nhà hát Kịch Hà Nội, Nhà hát Nghệ thuật xiếc và tạp kỹ Hà Nội, Nhà hát Múa rối Thăng Long, Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long và Trung tâm Văn hóa thành phố sẽ thực hiện 14 đêm diễn vào tối 21/1 (tức 30 Tết Nguyên đán) và tối 2/2, thiết thực chào mừng 93 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

Dự báo thời tiết trong những ngày cuối năm Nhâm Dần và đầu năm mới Quý Mão, Hà Nội sẽ lạnh sâu. Khi những đóa hoa của đất trời bung nở sẽ làm lòng người ấm áp hơn, Hà Nội lung linh, huyền ảo hơn.

Người dân Thủ đô sẽ có cơ hội thưởng lãm những màn pháo hoa tuyệt đẹp tại 30 điểm bắn với 31 trận địa (quận Hoàn Kiếm có 2; các quận, huyện, thị xã còn lại mỗi địa phương có 1 diểm bắn pháo hoa). Trong đó có 4 điểm bắn pháo hoa tầm cao kết hợp pháo hoa tầm thấp và hỏa thuật; 3 điểm bắn pháo hoa tầm cao kết hợp tầm thấp và 24 điểm bắn pháo hoa tầm thấp.

Trong 4 điểm bắn pháo hoa tầm cao kết hợp với pháo hoa tầm thấp và hỏa thuật có 2 tại quận Hoàn Kiếm (trước Trụ sở Tòa soạn Báo Hà Nội Mới và trước Bưu điện Hà Nội); 1 tại quận Tây Hồ (tại Vườn hoa Lạc Long Quân, trước cổng Ủy ban Nhân dân quận); 1 tại quận Nam Từ Liêm (trong khuôn viên đường đua Fl, phường Phú Đô).

Ba điểm bắn pháo hoa tầm cao kết hợp với pháo hoa tầm thấp tại quận Hai Bà Trưng (Đảo Tượng đài Bác Hồ và Bác Tôn, Công viên Thống Nhất, phường Lê Đại Hành), quận Hà Đông (Hồ Văn Quán, phường Văn Quán) và thị xã Sơn Tây (Thành cổ Sơn Tây).

Giao thừa Hà Nội ấm áp, hân hoan trước thềm Xuân mới
Người dân háo hức chờ đón thời khắc Giao thừa. (Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN)

Anh Nguyễn Thanh Sơn, ở phố Huế (quận Hoàn Kiếm-Hà Nội) cho biết, năm nay Hà Nội tổ chức bắn pháo hoa nên gia đình anh sẽ đón Giao thừa bên ngoài để cùng nhau ngắm pháo hoa, sau đó sẽ lên chùa Quán Sứ để lễ phật đầu năm, cầu mong một năm mới luôn luôn khỏe mạnh, bình an gặp nhiều may mắn, công việc làm ăn sẽ hanh thông thuận lợi hơn năm cũ.

Không như các gia đình trẻ đón Giao thừa bên ngoài, ở một làng cổ ven hồ Tây, các gia đình vừa tất bật chuẩn bị cho lễ đón Giao thừa trong bầu không khí đầm ấm, vừa thưởng thức chương trình nghệ thuật cuối năm trên sóng truyền hình.

Một năm cũ khép lại, dù vui, dù buồn nhưng mọi người đã nhẹ nhàng chấp nhận, để tạo năng lượng tích cực chào đón năm mới một với một tâm thế mới, hy vọng mọi điều tốt lành.

Ông Bùi Công Biên, đường Quảng An, quận Tây Hồ cho biết trải qua 2 năm ảnh hưởng của dịch bệnh, người dân Thủ đô nói chung và gia đình ông nói riêng phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, nhưng là trụ cột trong gia đình ông vẫn bình thản đón nhận và động viên con cháu vượt qua.

Ông là người dung hòa cảm xúc của mọi người trong gia đình, động viên con cháu cố gắng làm việc, học tập.

Chuẩn bị cho Giao thừa sắp tới, ông và con cháu trong gia đình chuẩn bị chu tất mâm lễ cúng tổ tiên, trời đất cầu mong một năm mới may mắn, đem lại những điều tốt lành. Đêm Giao thừa năm nay, mọi người trong gia đình ông cũng không ra ngoài vui chơi mà quây quần tại nhà trong sự đầm ấm, an yên.

Thời khắc chuyển giao năm mới vẫn thiêng liêng hơn bao giờ hết, vẫn ấm áp và bình yên.

Tiến sỹ khoa học Nguyễn Hữu Cường, Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, năm 2023 là năm Quý Mão theo phong thủy, linh vật Mèo tượng trưng cho việc đem lại niềm vui, tinh thần lạc quan, sức khỏe dồi dào, xua đuổi những thứ không may mắn trong năm cũ, mong một năm mới tràn đầy hy vọng cho mọi người./.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích