Giao thông xanh: Thay đổi sớm, lợi ích sớm

(Xây dựng) – Giao thông xanh là hình thức sử dụng các phương tiện di chuyển hạn chế thải khí CO2 và các loại khí thải độc hại khác ra môi trường, góp phần bảo vệ sức khỏe con người. Xây dựng giao thông xanh, phương tiện thân thiện với môi trường là giải pháp giúp “cứu” môi trường sống, hướng tới giá trị phát triển bền vững trong tương lai.

Giao thông xanh: Thay đổi sớm, lợi ích sớm
Ông Hoàng Mạnh Tân – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Sơn Hà chia sẻ dùng xe điện sẽ giảm ngay được phát thải khí CO2.

Hướng tới phát thải ròng khí nhà kính về “0” vào năm 2050

Theo Quyết định số 876/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành Giao thông vận tải. Chiến lược có mục tiêu tổng quát là phát triển hệ thống giao thông vận tải xanh hướng tới mục tiêu phát thải ròng khí nhà kính về “0” vào năm 2050.

Mục tiêu cụ thể giai đoạn đến năm 2030, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, đẩy mạnh chuyển đổi sử dụng điện, năng lượng xanh đối với các lĩnh vực thuộc ngành Giao thông vận tải đã sẵn sàng về mặt công nghệ, thể chế, nguồn lực nhằm thực hiện mức cam kết trong Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) và mục tiêu giảm phát thải khí mê-tan của Việt Nam. Giai đoạn đến năm 2050, phát triển hợp lý các phương thức vận tải, thực hiện mạnh mẽ việc chuyển đổi toàn bộ phương tiện, trang thiết bị, hạ tầng giao thông vận tải sang sử dụng điện, năng lượng xanh, hướng đến phát thải ròng khí nhà kính về “0” vào năm 2050.

Về lộ trình chuyển đổi năng lượng xanh giai đoạn 2022 – 2030, trong đó, với đường bộ, thúc đẩy sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và chuyển đổi sử dụng các loại phương tiện giao thông cơ giới đường bộ sử dụng điện; mở rộng phối trộn, sử dụng 100% xăng E5 đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; phát triển hạ tầng sạc điện đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp; khuyến khích các bến xe, trạm dừng nghỉ xây dựng mới và hiện hữu chuyển đổi theo tiêu chí xanh.

Với đường sắt, nghiên cứu thí điểm sử dụng phương tiện đường sắt sử dụng điện, năng lượng xanh trên các tuyến đường sắt hiện tại. Đầu tư xây dựng các tuyến đường sắt mới theo định hướng điện khí hóa; xây dựng kế hoạch và đầu tư theo lộ trình thay thế phương tiện đường sắt cũ hết niên hạn bằng loại phương tiện có thể chuyển đổi sang sử dụng điện, năng lượng xanh; khuyến khích chuyển đổi trang thiết bị bốc, xếp tại các nhà ga sang thiết bị sử dụng điện, năng lượng xanh.

Với đường thủy nội địa, khuyến khích đầu tư đóng mới, nhập khẩu, chuyển đổi phương tiện thủy nội địa sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng dụng điện, năng lượng xanh; nghiên cứu, xây dựng tiêu chí cảng xanh, tuyến vận tải xanh làm cơ sở xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư mới cảng thủy nội địa xanh. Áp dụng thí điểm tại một số cảng thủy nội địa; nghiên cứu, đưa một số tuyến vận tải thủy trở thành tuyến vận tải xanh.

Còn với giao thông đô thị, từ năm 2025, 100% xe buýt thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh. Tỷ lệ đảm nhận của vận tải hành khách công cộng tại Hà Nội đạt 45 -50%; Thành phố Hồ Chí Minh đạt 25%; Đà Nẵng đạt 25 – 35%; Cần Thơ đạt 20%; Hải Phòng đạt 10 – 15%; đô thị loại I đạt ít nhất 5%. Từ năm 2030, tỷ lệ phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh đạt tối thiểu 50%; 100% xe taxi thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh.

Đến năm 2050, 100% xe buýt, xe taxi sử dụng điện, năng lượng xanh; tỷ lệ đảm nhận của vận tải hành khách công cộng tại các đô thị đặc biệt, đô thị loại I lần lượt đạt ít nhất 40% và 10%.

Dần thay đổi thói quen cho người dân

Tại Việt Nam, đa số người dân đã quen với việc sử dụng các phương tiện cá nhân như xe máy, ôtô… nên tình trạng ùn tắc giao thông thường xuyên xảy ra. Để có thể giảm bớt lượng khói bụi độc hại từ hoạt động giao thông, Việt Nam cần đẩy nhanh tiến độ áp dụng giao thông xanh vào đời sống. Bên cạnh đó, mô hình giao thông này còn đem lại nhiều lợi ích tích cực cho sự phát triển kinh tế – xã hội, môi trường…

Sản xuất và sử dụng các phương tiện xanh sẽ làm giảm sự phụ thuộc vào các nguyên liệu hóa thạch tự nhiên, do đó giúp tiết kiệm các chi phí khai thác và xử lý môi trường cho quốc gia. Bên cạnh đó, khi xây dựng được mạng lưới giao thông xanh và hạ tầng ổn định sẽ giúp Việt Nam tự chủ được nguồn nhiên liệu, không phải nhập khẩu quá nhiều xăng dầu từ quốc gia khác như trước đây.

Theo dự báo, ngành Vận tải đường bộ chiếm 85% lượng khí phát thải nhà kính trong năm 2030. Đặc biệt, quá trình khai thác, sản xuất và sử dụng nhiên liệu hóa thạch sẽ tạo ra hệ lụy lớn tới môi trường. Vì thế, lựa chọn phương tiện xanh đem tới những lợi ích thiết thực giúp giảm tiếng ồn và không phát thải khí độc hại.

Giao thông xanh: Thay đổi sớm, lợi ích sớm
Khí thải từ phương tiện giao thông đông đúc gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường – sức khỏe (ảnh: Internet).

Quá trình chuyển đổi từ giao thông sử dụng phương tiện động cơ đốt trong sang xe xanh là hành trình cần nhiều thời gian. Hiện nay, nhiều thành phố lớn của Việt Nam đã nhanh chóng lan tỏa tinh thần sử dụng phương tiện thân thiện với môi trường và nhận được sự hưởng ứng của đông đảo người dân.

Quá trình xây dựng các dự án liên quan đến giao thông xanh được Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội thực hiện song song giữa truyền thông và trải nghiệm thực tế, nhằm từng bước thay đổi ý thức của người dân. Trong đó, tại Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều mô hình giao thông xanh đã được đưa vào vận hành, góp phần đa dạng loại hình giao thông công cộng đồng thời thay đổi thói quen cho người dân. Nổi bật nhất phải kể đến dự án xe đạp công cộng chính thức vận hành từ tháng 3/200 và thu hút đông đảo người dân tham gia, đặc biệt là đối tượng học sinh, sinh viên…

Bên cạnh đó, quý I/2022, UBND Thành phố Hồ Chí Minh thí điểm hoạt động 5 tuyến xe buýt điện. Với những ưu điểm như sử dụng năng lượng sạch, không phát thải khí và hạn chế tiếng ồn của động cơ, xe buýt điện góp phần tạo ra một nét giao thông mới. Còn tại Hà Nội, Ban An toàn giao thông thành phố đã phối hợp với Công ty TNHH Dịch vụ vận tải sinh thái Vinbus đã đẩy mạnh hoạt động truyền thông qua chương trình thực tế “Chặng đường xanh”. Cụ thể, chương trình gồm 20 tập phát sóng, quy tụ nhiều người nổi tiếng tham gia và được phát sóng tại kênh truyền hình quốc gia và mạng xã hội uy tín.

Việc liên tiếp cho ra mắt, khai thác các phương tiện vận tải hành khách công cộng hiện đại, thân thiện với môi trường đã đánh dấu bước chuyển mình quan trọng của Hà Nội hướng tới giao thông xanh. Trước đó, từ năm 2009, Công ty Cổ phần Đồng Xuân triển khai nghiên cứu xây dựng đề án thí điểm sử dụng phương tiện giao thông sạch (xe ôtô điện) phục vụ khách du lịch tham quan khu vực phố cổ và chung quanh hồ Hoàn Kiếm. Cho đến nay, dự án này đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của đông đảo người dân và khách du lịch, tạo thêm một loại hình du lịch mang màu sắc riêng của Hà Nội, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường.

Theo các chuyên gia, giao thông xanh là các phương tiện giao thông hạn chế các loại khí thải độc hại ra môi trường. Giao thông xanh sử dụng sức người, năng lượng tái tạo, điện, khí thiên nhiên nén… Việc sử dụng xe đạp, xe máy, ôtô điện, xe chạy bằng khí nén CNG; xe sử dụng năng lượng mặt trời, năng lượng gió… chính là tham gia giao thông xanh.

Ông Hoàng Mạnh Tân – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Sơn Hà khẳng định: Khi dùng xe điện chúng ta sẽ ngừng ngay được việc phát thải khí CO2 ở các khu vực giao thông đô thị đông dân, giảm ô nhiễm không khí tại các đô thị. Cùng với việc thay đổi cơ cấu điện sử dụng nhiều năng lượng tái tạo sẽ giảm được tổng lượng các bon thải ra môi trường. Mặt khác hiệu suất của các phương tiện giao thông chạy điện là rất cao 60-90% so với hiệu suất động cơ xăng dầu là 30% ngoài việc giảm khí thải còn giảm lượng lớn nhiệt phát ra môi trường và ô nhiễm tiếng ồn tại các đô thị.

Tỷ lệ phát thải các-bon trong các ngành, giao thông chiếm 20% trong đó đường bộ chiếm 17%. Nhưng nguy hại là giao thông đường bộ phát thải do các phương tiện giao thông phần lớn ở đô thị đông người. Phát thải nằm ngay khu vực người dân sinh sống đi lại nên ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường tại các khu đông dân. Chất lượng không khí luôn trong mức độ báo động. Trong việc phát điện giảm trực tiếp phát thải khí các-bon và thay đổi cơ cấu điện (điện gió, điện mặt trời), kết hợp công nghệ phát triển thì lộ trình đến 2050 phát thải ròng bằng 0 sẽ sớm đạt được.

Có 4 yếu tố để phát triển xe điện: Chính sách cần tăng cường tuyên truyền mạnh mẽ, cả hệ thống chính trị vào cuộc, cần sự từ giác từ mỗi cá nhân, thay đổi sớm sẽ mang lại lợi ích sớm; sự sẵn sàng của doanh nghiệp, Nhà nước cần có chính sách, cơ chế hỗ trợ khuyến khích doanh nghiệp và có tính cam kết với người dân; sự đồng thuận của người dân (lợi ích và chi phí và tiện dụng) và yếu tố hạ tầng (sạc điện, công nghệ). Việc sử dụng điện sạch, năng lượng tái tạo của Việt Nam có tiềm năng vô cùng lớn khi Nhà nước có những chính sách nhất định. Bản thân năng lượng tái tạo vô tận nhưng ko có tính ổn định nên có thể gây mất ổn định cả lưới điện.

Đẩy mạnh giao thông xanh là một yếu tố quan trọng trong việc xây dựng và phát triển đô thị bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân ở các đô thị và góp phần hoàn thiện mục tiêu Quyết định số 876/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành Giao thông vận tải.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích