Giảm thuế xăng dầu: Cần hành động nhanh!
Sau nhiều ngày tăng sốc, tại kỳ điều chỉnh chiều 1/7, giá xăng dầu đã ghi nhận giảm nhẹ. Mức giảm của xăng E5 RON 92 là 410 đồng/lít; xăng RON 95 là 110 đồng/lít. Dầu diesel giảm 400 đồng/lít, dầu hỏa 430 đồng/lít; dầu mazut giảm 1.010 đồng/kg.
Nghe tin giá giảm – thậm chí không tăng thôi – thoáng qua chắc ai cũng thấy mừng. Nhưng chờ một chút! Có vẻ như quy luật tăng – giảm còn chưa thoát khỏi điệp khúc “lên nhanh, giảm chậm”, khi mà so với những lần tăng giá trước, mức điều chỉnh ở kỳ này chẳng thấm là bao. Hiện giá xăng E5 RON 92 tối đa là 30.890 đồng/lít; RON 95 là 32.760 đồng/lít – vẫn cao chót vót so với thời gian trước.
Ngoài diễn biến trên, mới đây, có thêm thông tin Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng đề xuất giảm thêm thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) và thuế giá trị gia tăng (VAT) để kìm giá xăng. Dù chưa tiết lộ chi tiết mức giảm cụ thể với các loại thuế này, nhưng đây là một tín hiệu đáng mừng và đáng ghi nhận về nỗ lực của Bộ Tài chính trong việc tiếp thu ý kiến công luận, bao gồm các chuyên gia, ý kiến đại biểu Quốc hội và báo chí. Theo đó, mặc dù xăng dầu là mặt hàng mang tính thị trường cao song lại gánh tỷ trọng thuế phí lớn. Vì vậy việc điều chỉnh giá nằm trong phạm vi quyết định của Nhà nước, làm sao để giá cả thị trường phù hợp với thu nhập của đa số người lao động Việt Nam.
Giá xăng E5 RON92 và RON 95 vẫn đang neo cao trên 30.000 đồng/lít (Ảnh minh họa: Mạnh Quân). |
Hiện nay, mức thuế suất thuế TTĐB đối với xăng là 10%, xăng E5 là 8% và xăng E10 là 7%. Theo số liệu từ Tổng Cục Thuế và Tổng cục Hải quan, số thu thuế TTĐB đối với xăng ước thực hiện 5 tháng đầu năm là khoảng 6.503 tỷ đồng; thuế VAT khoảng 13.358 tỷ đồng. Nhìn chung, cơ cấu thuế, phí trong giá bán xăng dầu ở mức cao như đã nêu ở trên.
Trước tình hình đó, BLOG Dân Trí đã nhiều lần phân tích về tầm quan trọng của việc kìm giữ giá xăng dầu nhằm đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, hạn chế tác động của chi phí đẩy lên chỉ số giá tiêu dùng (CPI), hỗ trợ sản xuất kinh doanh… Chúng tôi kỳ vọng, cùng với việc hạ các mức thuế suất thì cơ quan có thẩm quyền nên cho phép bãi bỏ thuế TTĐB, vốn dĩ chưa thực sự phù hợp với một mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, có ảnh hưởng lớn tới đại bộ phận người dân và cộng đồng doanh nghiệp.
Nhìn ra thế giới, Bỉ, Ba Lan, Croatia giảm thuế giá trị gia tăng; Australia, Thái Lan, Hà Lan… giảm thuế TTĐB; một số quốc gia như Pháp, Nhật Bản có chính sách trợ giá năng lượng bằng ngân sách cho doanh nghiệp và người dân, đặc biệt nhóm thu nhập thấp và trung bình.
Trở lại với đề xuất của Bộ Tài chính, có thể thấy quan điểm về sự cần thiết điều chỉnh thuế với xăng dầu đã đạt được sự thống nhất cao hơn giữa cơ quan điều hành và giới chuyên gia. Vấn đề đáng bàn là, thẩm quyền quyết định cuối cùng của việc giảm thuế TTĐB và thuế VAT thuộc về Quốc hội. Một năm Quốc hội họp hai kỳ và kỳ họp đầu năm đã bế mạc hôm 16/6 vừa qua. Nếu chờ đến kỳ họp cuối năm thì độ trễ chính sách sẽ lên đến 4-5 tháng nữa.
Việc giảm thuế sẽ ảnh hưởng đến thu ngân sách Nhà nước (NSNN), tuy nhiên, đây là động thái cần thiết để khoan thư sức dân khi tổng thu NSNN 6 tháng đầu năm theo ước tính của Tổng cục Thống kê đã tăng 18,8%. Tính đến hết quý II, NSNN bội thu khoảng 219.900 tỷ đồng, tăng thêm 2.600 tỷ đồng so với thống kê của tháng liền kề.
Giữa lúc đó, tình hình ảnh hưởng của giá xăng dầu tới một số ngành nghề đã trở nên cấp bách. Điển hình như với ngành ngư nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, giá nhiên liệu tăng cao đã dẫn đến tình trạng nhiều tàu cá “tê liệt” do thu không đủ bù chi. Tính chung cả nước đến thời điểm hiện nay, tàu cá ngừng hoạt động chiếm khoảng 40 – 55%, đặc biệt các tàu cá làm nghề tiêu thụ nhiều nhiên liệu như lưới kéo, nghề rê… Tình trạng này tác động tiêu cực đến chuỗi cung ứng mặt hàng thủy sản cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Đồng thời, giá xăng dầu tăng cao trong nửa đầu năm cũng là nguyên nhân chính khiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 6 tháng ở mức 2,44%, gây thách thức đến mục tiêu kìm lạm phát dưới 4% trong cả năm 2022. Nếu không “giữ chân” được giá xăng dầu thì có thể khó tránh tạo thành áp lực “chi phí đẩy” cho các mặt hàng thiết yếu khác trong nửa cuối năm, theo đó tác động tiêu cực đến đời sống sinh hoạt, sản xuất kinh doanh của đại bộ phận dân chúng.
Với việc sinh kế người dân đang bị tác động bởi giá xăng neo mức quá cao, thiết nghĩ, việc trình giảm thuế các mặt hàng này cần được thực hiện với tinh thần “việc cần làm ngay”. Mong rằng quy trình xem xét đề xuất của Bộ Tài chính về giảm thuế sẽ được thực hiện theo thủ tục rút gọn để đi đến quyết định kịp thời, hợp lòng dân.
Nguồn: Báo xây dựng