Giảm thiểu ô nhiễm môi trường do các chất hữu cơ khó phân hủy và dioxin
Giảm thiểu ô nhiễm môi trường do các chất hữu cơ khó phân hủy và dioxin
Theo dõi MTĐT trên
Ngày 11/2, tại Trung tâm quốc tế Khoa học và giáo dục liên ngành(ICISE), tỉnh Bình Định, Hội Gặp gỡ Việt Nam phối hợp với ICISE tổ chức hội thảo khoa học các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy và ô nhiễm dioxin: Các vấn đề môi trường và công nghệ giảm thiểu
Hội thảo có sự tham dự của nhiều diễn giả chính, là những chuyên gia môi trường hàng đầu thế giới về các lĩnh vực có liên quan đến chất hữu cơ khó phân hủy, dioxin, cỏ vetiver… Ngoài báo cáo về các kết quả nghiên cứu chính đã đạt được của dự án “Ứng dụng cỏ vetiver quy mô thực địa để giảm thiểu ô nhiễm dioxin trong đất tại sân bay Biên Hòa” do TS Ngô Thị Thúy Hường (Trường ĐH Phenikaa) trình bày, hội nghị có sự góp mặt của các diễn giả trong các lĩnh vực liên quan, như: GS.TS Ming Hung Wong (Khoa Môi trường và Nghiên cứu Khoa học, ĐH Sư phạm Hồng Kông, Trung Quốc); GS.TS Mohammad Shariful Islam (Khoa Kỹ thuật Xây dựng, ĐH Kỹ thuật và Công nghệ Bangladesh, Bangladesh); TS Nguyễn Mạnh Cường, đại diện Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ và PGS.TS Nguyễn Phú Khánh – Phó tổng Giám đốc, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Phenikaa.
Tại hội thảo, có 20 báo cáo khoa học được trình bày dưới dạng nói và posters với nhiều nghiên cứu chuyên sâu.
Hội thảo nhằm tạo điều kiện để các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học trong nước và thế giới làm việc trong lĩnh vực khoa học môi trường, các nhà quản lý có cơ hội gặp gỡ, chia sẻ thông tin, thảo luận, cập nhật kết quả nghiên cứu khoa học về tình hình ô nhiễm dioxin và các chất hữu cơ khó phân hủy, các tác động tiềm tàng của chúng và khả năng ứng dụng các công nghệ trong xử lý ô nhiễm môi trường.
Là dịp để các nhà khoa học, chuyên gia nghiên cứu thảo luận về khó khăn, thách thức trong việc áp dụng và triển khai công nghệ sử dụng cỏ vetiver trong việc khắc phục và xử lý ô nhiễm dioxin trong môi trường. Tăng cường hợp tác nghiên cứu khoa học giữa các trường đại học, viện nghiên cứu ở Việt Nam và quốc tế trong các nghiên cứu về môi trường và các vấn đề toàn cầu.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị