Giảm “ô nhiễm trắng” để phát triển “kinh tế xanh”
Giảm “ô nhiễm trắng” để phát triển “kinh tế xanh”
Sự tăng trưởng về lượng khách du lịch đi kèm với nhiều hệ lụy, tạo áp lực lên môi trường do tình trạng sử dụng đồ nhựa dùng một lần làm rò rỉ các hạt nhựa ra môi trường và nguồn nước, gây ảnh hưởng lớn đến cảnh quan và môi trường sinh thái.
Vì thế, việc thúc đẩy các hoạt động giảm thiểu rác thải nhựa là một trong những giải pháp căn cơ, góp phần bảo vệ môi trường và phát triển ngành Du lịch một cách bền vững.
“Ô nhiễm trắng” được hiểu là sự ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa và túi nilon gây ra. Theo các nghiên cứu khoa học, loại chất thải rắn này phải mất hàng trăm năm mới có thể bị phân hủy hết. Trong khi đó, xu thế sử dụng các sản phẩm nhựa ngày càng phổ biến do tính tiện dụng, giá thành rẻ. Tại Việt Nam cũng như thế giới, gần 50% sản phẩm nhựa được sử dụng một lần, sau đó thải bỏ. Khoảng 70% lượng chất thải rắn sinh hoạt được chôn lấp, nhiều bãi chôn lấp không hợp cách dẫn đến tình trạng rò rỉ, gây ô nhiễm hệ thống nước ngầm, nước mặt và không khí, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng sống của con người cũng như hệ động, thực vật.
Du lịch là ngành có lượng xả thải rác thải nhựa lớn. Những năm qua, sự tăng trưởng cao về lượng khách du lịch và xu hướng du lịch đại trà tại Việt Nam đã khiến nhiều khu du lịch phải đối mặt với hiện tượng ô nhiễm nặng nề từ rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa. Theo thống kê của Viện nghiên cứu Phát triển du lịch (ITDR), ở những địa phương phát triển du lịch, lượng rác và chất thải xả ra môi trường rất lớn. Đơn cử như vịnh Hạ Long trung bình mỗi ngày xả thải 4 tấn rác, chủ yếu là rác thải nhựa trôi nổi trên biển; Sầm Sơn (Thanh Hóa) lượng rác trung bình 105 tấn/ ngày, trong đó rác thải nhựa chiếm 24%; Đà Nẵng :1.100 tấn/ngày, trong đó rác thải nhựa chiếm 17%; Phú Quốc (Kiên Giang) 155 tấn/ngày, trong đó rác thải nhựa chiếm 19%… ITDR cũng dự báo, đến năm 2030, lượng rác thải nhựa phát sinh từ hoạt động du lịch vào khoảng 336.400 tấn, cao gấp 3 lần so với năm 2019 (116.144 tấn).
Còn theo đánh giá của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), Việt Nam là nước xếp thứ 4 trên tổng số 20 quốc gia có lượng rác thải nhựa xả ra biển nhiều nhất thế giới, với khối lượng từ 0,28 – 0,73 triệu tấn/năm, tương đương 6% tổng lượng rác thải nhựa ra biển của thế giới. Đây là lời cảnh báo về sự phát triển thiếu bền vững nếu ngành Du lịch không kịp thời có các biện pháp chấn chỉnh. Sự thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường và ngành Du lịch, như làm mất đi vẻ đẹp và sự hấp dẫn của các khu, điểm du lịch; gây phản cảm cho du khách; làm giảm chất lượng sản phẩm du lịch biển đảo; làm suy giảm lượng khách, gây thiệt hại lớn cho ngành Du lịch và kinh tế địa phương.
Để phát triển du lịch như một ngành “kinh tế xanh” và bền vững, cần có sự vào cuộc không chỉ của ngành Du lịch mà còn cần sự chung tay góp sức của các địa phương, doanh nghiệp, người dân và du khách. Có một thực tế là, nhận thức về bảo vệ môi trường của khách du lịch ngày càng được nâng cao, và họ có xu hướng quay trở lại những quốc gia phát triển du lịch có trách nhiệm.
Theo khảo sát, du khách sẵn sàng trả thêm chi phí cho các khu, điểm du lịch sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường. 36% du khách Anh sẵn sàng tiết kiệm nước bằng cách tắm vòi hoa sen thay vì tắm bồn, 18% đề nghị tắt máy điều hòa không khí để tiết kiệm năng lượng, 33% sẵn sàng trả thêm chi phí cho chuyến đi để ủng hộ giải pháp bảo vệ môi trường…
Các giải pháp bảo vệ môi trường, chú trọng phát triển du lịch có trách nhiệm không chỉ tạo nên thương hiệu “điểm đến xanh”, mà còn mang lại những lợi ích về kinh tế – xã hội cho các địa phương. Một trong những địa phương tiên phong phát triển du lịch có trách nhiệm là Hội An (Quảng Nam). Nhiều năm qua, tại đây đã duy trì mô hình nhóm Quản lý rác thải tại nguồn. Bà Vũ Mỹ Hạnh, đại diện nhóm cho biết: Từ năm 2020 – 2022, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng có hơn 50 doanh nghiệp du lịch đã tự nguyện ký cam kết tham gia mô hình kinh doanh giảm thiểu rác thải, từ đó hình thành một hệ sinh thái tái chế và những điểm đến không rác thải, góp phần xây dựng thương hiệu “Hội An – điểm đến xanh”.
Theo đó, các cơ sở lưu trú, kinh doanh dịch vụ du lịch tại Hội An từ chối sử dụng một số sản phẩm nhựa dùng một lần; thay vào đó là sản phẩm có thể tái sử dụng (với chai đựng các loại nước tẩy rửa), hoặc thay thế bằng các bình thủy tinh để du khách tự làm đầy (với nước lọc); sử dụng bàn chải, lược, ống hút, dao, nĩa, túi đựng… làm bằng gỗ, giấy. Nhiều khách sạn đã đạt được những kết quả bất ngờ sau khi tham gia dự án như Silk Sense Hoi An River Resort sau 1,5 năm thay thế chai nước nhựa bằng chai thủy tinh đã giảm được 20.000 chai nhựa dùng một lần; việc thay thế túi nilon bọc thùng rác bằng giấy báo đã giúp khách sạn La Siesta Hội An Resort & Spa cắt giảm khoảng 3,5 tấn rác thải nhựa/năm… Nhờ gây thiện cảm với khách du lịch bằng thương hiệu “điểm đến xanh” nên lượng khách quay trở lại Hội An luôn cao hơn các địa phương khác. Không những vậy, nhiều du khách quốc tế còn hào hứng tham gia các tour du lịch bảo vệ môi trường, tham gia trồng cây, tái chế, phân loại và thu gom rác cùng người dân địa phương.
Trong lĩnh vực dịch vụ, nhiều quán cà phê, nhà hàng cũng chuyển sang sử dụng sản phẩm cốc, thìa, dao, dĩa, ống hút, hộp đựng… được làm từ bã mía, giấy, thủy tinh. Tại Hà Nội, dự án “Phố ẩm thực xanh Tống Duy Tân – ngõ Cấm Chỉ” của Tổ chức Keep Hanoi Green (nay là Keep Vietnam Clean) đã góp phần thay đổi nhận thức của 40 hộ kinh doanh ẩm thực trên tuyến phố này trong việc thay thế đồ nhựa dùng một lần bằng các vật liệu thân thiện với môi trường. Giám đốc Keep Vietnam Clean Bùi Thị Ngọc Diệp cho biết, thời gian tới, tổ chức này sẽ tiếp tục triển khai dự án “bao bì xanh” đến các nhà hàng, quán ăn phục vụ du lịch tại các địa phương trên cả nước nhằm lan tỏa “lối sống xanh” và nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho người dân và du khách.
Tuy nhiên, việc hạn chế sử dụng vật liệu nhựa vẫn chưa thực sự được nhiều người dân, doanh nghiệp quan tâm. Ông Trịnh Đức Kiên, Phó Giám đốc Công ty TNHH Kẻ Gỗ – đơn vị đầu tiên ở Việt Nam sản xuất dao, muỗng, nĩa gỗ dùng một lần cho biết: “Các sản phẩm của chúng tôi đều được làm từ gỗ rừng trồng tái sinh, bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng và được thị trường châu Âu đón nhận từ lâu, nhưng mới chỉ tiếp cận được khoảng 10% thị trường Việt Nam. Trong khi các sản phẩm làm từ nhựa dùng một lần phải mất khoảng 100 năm mới có thể phân hủy hết thì các sản phẩm của chúng tôi chỉ mất từ 2 -3 tháng và hoàn toàn không ảnh hưởng đến môi trường. Chúng tôi mong các ban, ngành, cơ quan quản lý Nhà nước quan tâm nhiều hơn đến vấn đề này để những sản phẩm thân thiện với môi trường có thể tiếp cận được với nhiều khách hàng hơn”.
Bên cạnh việc nâng cao nhận thức về hạn chế rác thải nhựa, cần có những chiến lược và giải pháp trước mắt để phát triển ngành Du lịch theo hướng bền vững, có trách nhiệm và bảo vệ môi trường. Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch Nguyễn Anh Tuấn, ngành Du lịch cần quan tâm đến một số giải pháp trước mắt và lâu dài như Thực hiện giảm thiểu, tiến tới không sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy vào năm 2025; Cải thiện hệ thống phân loại, thu gom, tái chế, xử lý rác thải nhựa phù hợp với định hướng phát triển du lịch; Xây dựng và triển khai kế hoạch hành động về giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch; Xây dựng các hướng dẫn về giảm thiểu rác thải nhựa, tuyên truyền, nâng cao nhận thức tại các khu, điểm du lịch… Có như vậy thì mới mong giảm được tình trạng “ô nhiễm trắng” để “xanh” hóa ngành “công nghiệp không khói” ở Việt Nam.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị