Giám đốc R&D Tập đoàn Kangaroo: Tiêu chuẩn hóa giúp doanh nghiệp tự tin ‘đem chuông đi đánh xứ người’

Tại tọa đàm trực tuyến: “Chiến lược tiêu chuẩn hóa và sự phát triển bền vững” do VietQ.vn tổ chức, ông Nguyễn Văn Khang – Giám đốc R&D Tập đoàn Kangaroo cho rằng, tiêu chuẩn rất quan trọng, như kim chỉ nam xuyên suốt trong quá trình hội nhập của doanh nghiệp. Từ sản xuất, kinh doanh đến dịch vụ đều cần tiêu chuẩn. Chính vì vậy doanh nghiệp cần tiêu chuẩn, bám sát tiêu chuẩn để định hướng doanh nghiệp.

“Chẳng hạn với Kangaroo, chúng tôi có tôn chỉ về tiêu chuẩn rất khắt khe và rõ ràng. Chúng tôi coi tiêu chuẩn là định hướng, kim chỉ nam, từ đây đưa ra tôn chỉ là Kangaroo chỉ mang đến những sản phẩm có lợi đem lại sức khỏe cho người tiêu dùng. Tất cả mọi hoạt động xoay quanh kim chỉ nam này với mục đích đem đến các sản phẩm đạt tiêu chuẩn cao nhất, tối nhất. Tôi hi vọng tiêu chuẩn ngày càng được cải tiến, cập nhật theo tình hình chung của khu vực và trên thế giới“, ông Khang khẳng định vai trò của tiêu chuẩn đối với hoạt động sản xuất của doanh nghiệp mình.

ông Nguyễn Văn Khang - Giám đốc R&D Tập đoàn Kangaroo

 Ông Nguyễn Văn Khang – Giám đốc R&D Tập đoàn Kangaroo tại tọa đàm trực tuyến: ‘”Chiến lược tiêu chuẩn hóa và sự phát triển bền vững” do VietQ.vn tổ chức.

Đồng quan điểm với ông Khang, ông Nguyễn Văn Khôi – Vụ trưởng Vụ Tiêu chuẩn – Tổng Cục TCĐLCL, Bộ Khoa học và Công nghệ phân tích, chúng ta tham gia sân chơi quốc tế thì phải tuân thủ luật chơi chung. Ví dụ như đối với Kangraroo, khi xuất khẩu sang các thị trường đòi hỏi tiêu chuẩn cao, an toàn, các yếu tố môi trường… thì phải tuân thủ yêu cầu của các thị trường đó.

Ở một khía cạnh khác, chúng ta đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế, hiểu đơn giản là các rào cản kỹ thuật nghĩa là năng lực của doanh nghiệp phát triển hơn, định vị thương hiệu. Và chất lượng sản phẩm tốt hơn sẽ nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp với những sản phẩm quốc tế.

Trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, nhất là khi nước ta đã ký kết hàng loạt Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, ngoài lợi thế về mở rộng thị trường, giao thương, xuất khẩu hàng hoá, doanh nghiệp Việt Nam cũng phải đối mặt với nhiều thách thức.

trực tuyến: ‘''Chiến lược tiêu chuẩn hóa và sự phát triển bền vững'' do VietQ.vn

 Tiêu chuẩn hóa giúp sản phẩm của Việt Nam có thể cạnh tranh trực tiếp với những sản phẩm trên thế giới nhờ chất lượng nâng cao.

Thực tế trên đặt ra nhiều vấn đề liên quan đến hoạt động tiêu chuẩn hóa, đòi hỏi hoạt động này cần đổi mới, xác định con đường mới để phục vụ tốt hơn cho sự phát triển kinh tế – xã hội đất nước trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, đồng thời giải quyết hàng loạt thách thức phải đối mặt như đại dịch Covid-19, suy thoái tài nguyên…

Vậy nên, để doanh nghiệp tự tin hơn khi “đem chuông đi đánh xứ người” việc xây dựng Chiến lược quốc gia về tiêu chuẩn hóa đến năm 2030 là hết sức cần thiết, là chính sách quan trọng mang tính định hướng, nền tảng để triển khai thực hiện chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước trong hoạt động tiêu chuẩn một cách tổng thể đồng bộ và thống nhất từ trung ương đến địa phương và các doanh nghiệp, đảm bảo hoạt động tiêu chuẩn có tầm nhìn, kế hoạch tổng thể rõ ràng, xuyên suốt, hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế xã hội bền vững, tuân thủ cam kết hội nhập quốc tế, phù hợp xu thế phát triển tiêu chuẩn quốc tế và các nước tiên tiến trong khu vực.

Bộ KH&CN đã có Công văn số 1333/CV-BKHCN gửi Thủ tướng Chính phủ báo cáo rà soát và đề xuất xây dựng Chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia đến năm 2030. Ngày 14/06/2022, Tổng cục TCĐLCL đã ký Công văn số 1560/TĐC-TC gửi các bộ, ngành, địa phương, trường đại học đề nghị báo cáo công tác tiêu chuẩn hóa tại các bộ, ngành.

Ngày 21/07/2022, Văn phòng Chính phủ có Công văn số 4560/VPCP-KGVX truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia đến năm 2030. Ngày 03/02/2023 tại Quyết định số 48/QĐ-TTg về việc ban hành Chương trình công tác năm 2023 của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia đến năm 2030 đã được đưa vào chương trình.

Phương Nam

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích