Giám đốc Công ty TNHH Edeec: Học người Pháp cách kiến tạo công trình xanh
Giám đốc Công ty TNHH Edeec: Học người Pháp cách kiến tạo công trình xanh
Cho đến nay, sau 15 năm kể từ ngày Chính phủ có chủ trương hướng đến công trình xanh, số lượng công trình xanh của Việt Nam mới đạt khoảng 300 công trình
Nhiều chủ đầu tư có tâm lý e ngại công trình xanh sẽ đi liền với tăng chi phí đầu tư. Tuy nhiên, ông Trần Thành Vũ, Giám đốc Công ty TNHH Edeec có cách nhìn khác. Ông cho rằng, áp dụng mô hình dự báo vận hành công trình theo cách người Pháp đang làm có thể giúp các công trình của Việt Nam “xanh” hơn, với chi phí tốt hơn.
Người đi tìm giải pháp công trình xanh
Năm 2022, nước Pháp được vinh danh là quốc gia tiết kiệm năng lượng nhất thế giới. Thành tựu này là kết quả của nỗ lực thay đổi hành vi mà Chính phủ Pháp đã thực hiện với trụ cột là kế hoạch Sobriété Enégetique (tạm dịch là Sự tỉnh táo trong sử dụng năng lượng). Để truyền cảm hứng cho người dân thực hiện tiết kiệm năng lượng, các chính trị gia của Pháp, bao gồm Tổng thống Emmanuel Macron và Bộ trưởng Tài chính Bruno Le Maire, đã mặc quần áo dày hơn trong các tòa nhà Chính phủ, nhằm giảm chi phí sưởi ấm.
Bản thân người Pháp cũng coi trọng lối sống tiết kiệm, tiêu dùng một cách hợp lý. Theo công trình nghiên cứu của Expert Market, một tổ chức chuyên đánh giá thị trường, mỗi hộ gia đình Pháp tiết kiệm trung bình hàng năm 3.666,48 USD, đứng thứ 6 trong các quốc gia nơi người dân tiết kiệm được nhiều nhất.
“Người Pháp nổi tiếng chi ly, thậm chí có tiếng là keo rồi (cười). Nhưng chính vì vậy, họ đã dạy cho mình cách cân đong chi ly năng lượng vận hành các công trình”, ông Trần Thành Vũ mở đầu câu chuyện khi chia sẻ về hành trình thành lập Edeec. Làm thế nào để công trình tiết kiệm năng lượng nhưng đảm bảo tốt nhất tiện nghi sử dụng, đồng thời giảm chi phí đầu tư là câu hỏi ông Vũ từng tìm kiếm. “Nếu không giảm thì cũng phải tối ưu được phân bổ vào các thành phần công trình để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, có căn cứ tính toán lượng hóa được. Đây là điều tôi may mắn được người Pháp dạy và mang kiến thức đó về áp dụng tại Edeec”, ông Vũ nói.
Ông Vũ cho biết, hơn 2 năm sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Kiến trúc, ông tiếp tục theo học về ứng dụng mô phỏng máy tính trong thiết kế công trình tại Trường Đại học Kiến trúc và Cảnh quan Bordeaux – Pháp. Với cái gốc là học sinh chuyên lý Trường Đại học Tổng hợp, ông Vũ chọn lĩnh vực ứng dụng mô phỏng máy tính như một cơ duyên may mắn khi tận dụng được kiến thức vật lý của mình.
Từ Pháp trở về năm 2009, ông Vũ từng làm chuyên gia tư vấn tiết kiệm năng lượng cho IFC – World Bank, từng đào tạo hơn 1.600 lượt học viên về công trình hiệu năng cao và mô phỏng năng lượng cho các kiến trúc sư, kỹ sư, giới quản lý xây dựng, do Tổ chức USAID tài trợ. Năm 2011, ông quyết định thành lập Edeec, nhưng cũng chỉ nghĩ làm thử, bởi chưa mấy ai ở Việt Nam quan tâm đến khái niệm “xanh”. Cho đến năm 2018, Edeec mới chính thức hoạt động, được nhiều chủ đầu tư đón nhận…
Ông Vũ cho rằng, thời gian đó, đội ngũ nhân sự của Công ty tích lũy thêm nhiều kiến thức về tính toán công trình hiệu năng cao; kiến thức từ việc đi giảng dạy, trao đổi, học hỏi chuyên gia nước ngoài kết hợp với trải nghiệm thực tế Việt Nam. Vì vậy, cách tiếp cận công trình xanh của Edeec có nhiều khác biệt so với những người cùng chọn con đường này trên thị trường.
Cốt lõi là tiết kiệm năng lượng với chi phí tối ưu
Nói về giải pháp để giúp các tòa nhà tiết kiệm năng lượng và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, ông Vũ cho biết, Edeec tính toán kỹ thuật sâu trên mô hình dự báo vận hành công trình, một phương pháp mà ông được học trong quá trình tu nghiệp tại Pháp. Hiểu đơn giản, mô hình này sẽ số hóa một bản vẽ thiết kế và cho nó vận hành mô phỏng để xem công trình tương tác với con người, với thời tiết, với các yếu tố xung quanh như thế nào… Bài toán tiếp theo là dự báo tiện nghi sử dụng và mức độ sử dụng năng lượng khi tòa nhà đi vào vận hành, tìm ra các điểm yếu để tối ưu thiết kế, tối ưu đầu tư. “Từ lời giải mô phỏng, chúng tôi khuyến nghị các giải pháp và bài toán tài chính, chỉ ra lợi ích ngắn hạn, dài hạn, may đo phù hợp nhất với mục tiêu đầu tư, giúp các nhà đầu tư có căn cứ khoa học để ra quyết định”, ông Vũ phân tích.
Theo ông Vũ, quan niệm về chi phí thực hiện công trình xanh sẽ đội lên do cách tiếp cận xanh thông dụng hiện nay chưa đi trực diện vào các lợi ích cốt lõi của nhà đầu tư. Công trình đạt hiệu quả năng lượng có thể không cần phải tăng chi phí so với mặt bằng đầu tư. Chỉ cần chủ đầu tư được tư vấn chuyên sâu về sử dụng vật liệu và thiết bị, tính toán, lượng hóa được, sẽ lựa chọn được phương án tối ưu.
Thực tế, nhiều công trình do Edeec tham gia được ghi nhận tiết kiệm năng lượng mà không làm tăng chi phí, thậm chí có chi phí giảm so với thiết kế thông thường. Đơn cử là tòa nhà CONINCO Tower, số 4 Tôn Thất Tùng (TP. Hà Nội). Tòa nhà được UNDP công nhận “Công trình tiết kiệm năng lượng”. Công trình giúp giảm 42% năng lượng tiêu thụ so với thiết kế, vừa đủ đạt quy chuẩn công trình hiệu quả năng lượng hiện hành QC 09:2017 và giảm 3,2 tỷ đồng chi phí vận hành mỗi năm mà không tăng chi phí đầu tư so với thiết kế ban đầu. Nhiều công trình khác được Edeec tư vấn như: tòa nhà văn phòng 44 Lý Thường Kiệt, Hà Nội, Khách sạn Hoi An Charming Villa… cũng đang chứng minh hiệu quả trong vận hành thực tế.
“Vấn đề cốt lõi của công trình xanh là giúp các tòa nhà giải được bài toán tiết kiệm năng lượng và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn của nhà đầu tư”, ông Vũ nói và cho rằng, điều này ý nghĩa hơn việc lấy chứng chỉ xanh, bởi việc lấy chứng chỉ xanh tức là phải đáp ứng nhiều tiêu chí do tổ chức cấp chứng chỉ đưa ra. “Nếu các tòa nhà cùng được thiết kế với giải pháp năng lượng tối ưu, sẽ làm giảm áp lực cho an ninh năng lượng quốc gia, đồng thời tiết kiệm nguồn lực tài chính cho xã hội”, ông Vũ nói.
Lĩnh vực thiết kế tại Việt Nam đang có cơ hội lớn để tạo ra nhiều công trình tiện nghi hơn với chi phí đầu tư tối ưu, không tăng lên, thậm chí có thể giảm so với mặt bằng thiết kế chung. Theo ông Vũ, công trình chỉ thực sự xanh nếu được kiến tạo theo một quy trình mới, bắt đầu từ việc thấu hiểu phương pháp tính toán năng lượng, tối ưu hóa hệ thống năng lượng, kỹ thuật. Thực tế, quy trình mới được sử dụng trong mảng phát triển bền vững không chỉ ở nước Pháp, mà trên toàn cầu, nhưng lại hầu như chưa được áp dụng tại Việt Nam.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị