Giảm biên chế không chỉ mang tính cơ học

(Xây dựng) – Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 23/10/2017 của Trung ương Đảng khoá XII “về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chinh trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, trong những năm qua, các tổ chức chính trị, chính trị – xã hội, cơ quan, đơn vị, địa phương từng bước sắp xếp, kiện toàn, chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ công tác được phân định, điều chỉnh hợp lý hơn, bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân.

Giảm biên chế không chỉ mang tính cơ học
Giảm biên chế không chỉ mang tính cơ học (Ảnh minh họa).

Về tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế giai đoạn 2016 – 2022 có bước chuyển biến tích cực, nhất là các năm 2019 – 2021 đã sắp xếp được 21 đơn vị hành chính cấp huyện (còn 13 huyện), 1.056 xã (còn 561 xã), giảm được 361 cán bộ cấp huyện, 6.657 cán bộ cấp xã, giảm một số đơn vị sự nghiệp công lập, tiết kiệm được 2.500 tỷ. Nhờ đó, năm 2021, lần đầu tiên giảm biên chế đạt chỉ tiêu 10%. Từ ngày 01/7/2021- 30/6/2022 các Bộ, ngành, địa phương giảm biên chế được 79.057 người, chiếm 29,96% so với số lượng giảm cả giai đoạn 2016 – 2021…

Bên cạnh kết quả đạt được, tồn tại một số yếu kém như: Tổ chức bên trong của bộ máy từ Trung ương đến cơ sở vẫn cồng kềnh, nhiều tầng nấc trung gian; chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan hành chính Nhà nước còn bộc lộ sự chồng chéo, đan xen, phân công thiếu hợp lý nên khó xác định trách nhiệm, thủ tục hành chính còn rườm rà, giảm biên chế còn mang tính cơ học, chưa đi vào thực chất cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, sắp xếp, bố trí theo năng lực và vị trí việc làm. Tiền lương của người lao động trong khu vực công lập chưa bảo đảm nhu cầu cuộc sống tối thiểu…

Giai đoạn 2022 – 2026, tổng biên chế của hệ thống chính trị (không bao gồm Quân đội, Công an, người hoạt động không chuyên trách cấp xã, thôn, tổ dân phố) trong cả nước thuộc khu vực công sẽ có 2.234.720 người, trong đó có 336.328 là cán bộ, công chức, 1.680.677 viên chức (viên chức nhiều nhất hai ngành Giáo dục và Y tế). Theo quyết định của Đảng, Nhà nước, giai đoạn này phải giảm 5% biên chế cán bộ, công chức và giảm 10% viên chức. Phương châm là giảm không chỉ theo cách cơ học hay cào bằng, mà quan trọng là tinh giản biên chế gắn cơ cấu lại, nâng cao chất lượng, sử dụng hiệu quả đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, bố trí hợp lý theo vị trí việc làm, bảo đảm chính sách tiền lương, phụ cấp, thưởng xứng đáng; đồng thời, quan tâm trọng dụng nhân tài… là mục tiêu xuyên suốt, nên phải thực hiện nghiêm túc, quyết liệt và đồng bộ các giải pháp.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích