Âm nhạc chữa lành tổn thương, xoa dịu nỗi đau những người khuyết tật

Chàng trai khiếm thị viết tiếp ước mơ bằng niềm đam mê âm nhạc

Theo báo điện tử Dân Sinh, anh Vũ Hải Đăng, sinh năm 1993 (Hải Dương) đã vĩnh viễn mất đi đôi mắt cùng những ước mơ còn đang dở ở tuổi 20, khi đang là sinh viên năm thứ hai của Trường Đại học Giao thông vận tải.

Năm 2013, trong một lần về quê bạn ở Nam Định, anh bị tai nạn giao thông, chấn thương sọ não, vĩnh viễn mất đi đôi mắt. Ngót nghét một năm chữa trị khó khăn, vất vả ở bệnh viện anh mới được xuất viện về nhà.

Ở cùng gia đình được một thời gian, năm 2014, cơ duyên đến với Đăng khi đoàn nghệ thuật của Trung tâm Nghệ thuật tình thương Hà Nội do NSND Tường Vi thành lập về diễn ở địa phương. Biết được hoàn cảnh của Đăng, trung tâm đã nhận anh vào đào tạo và đi diễn ở các tỉnh. Ở đây Đăng được học về âm nhạc từ nhiều nghệ sĩ nổi tiếng, trở thành một ca sĩ tích cực của trung tâm.

Vậy là con đường nghệ thuật của Đăng vẫn tiếp tục dẫu còn đó vô vàn những khó khăn, nhưng bằng sự lạc quan, tinh thần vựơt khó Đăng đã đạt được nhiều thành công. Trước kia khi chưa bị mất đi ánh sáng của đôi mắt, Đăng cũng đã từng ước mơ được hát, được trở thành một ca sĩ. Giờ đây, dù đã mất đi đôi mắt không nhìn thấy nữa, nhưng bằng những nỗ lực vượt khó chàng trai khiếm thị với hai giọng ca đặc biệt đã có thể viết tiếp ước mơ của mình…

Âm nhạc chữa lành tổn thương, xoa dịu nỗi đau những người khuyết tật (Ảnh minh họa – baodansinh.vn).

Âm nhạc chữa lành tổn thương, xoa dịu nỗi đau cho người khuyết tật

Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Đặng Ngọc Duy (Quảng Nam) tâm sự: “Gia đình tôi lúc ấy ai cũng khuyên can, vì làm sao có thể chơi đàn guitar bằng đôi bàn tay khuyết tật ấy. Nhưng tôi đã đổi ngược cây đàn, chuyển sang bấm phím bằng tay phải, vì tay trái tôi chỉ còn 3 ngón.

Cảm giác được thả hồn mình vào những nốt nhạc thật vui sướng và hạnh phúc khôn tả. Những âm thanh phát ra khiến mình cảm thấy bóng tối không còn đáng sợ nữa, nó khiến lòng tự tin, tình yêu cuộc sống của mình nảy nở mạnh mẽ hơn, sục sôi hơn. Âm nhạc là một thứ kỳ diệu như thế”, thầy Duy nói.

Sinh ra cũng lành lặn và khỏe mạnh như bao đứa trẻ khác, nhưng năm lên 10 tuổi, một tai nạn về chất nổ đã vĩnh viễn cướp đi đôi mắt cùng bàn tay trái (chỉ còn 3 ngón) của thầy Duy. Bằng nghị lực vươn lên không mệt mỏi, thầy Duy đã thi đỗ vào ngành Sư phạm Ngữ văn của Trường Đại học Quảng Nam. Đến năm 2009, thầy đã thành lập “Mái ấm Hướng Dương” và nhận nuôi các em là người khuyết tật.

“Mỗi cuộc đời ở Trung tâm là một cảnh đời khác nhau. Tôi cùng với các em bước đi trên cùng một con đường và nhiệm vụ của người đi trước là dẫn dắt các em đến với hạnh phúc, với sự tự tin trong cuộc sống. Ở đây, ngoài dạy học văn hóa, tôi còn dạy các em các loại nhạc cụ. Và tôi vẫn tin rằng, âm nhạc sẽ phần nào xóa đi nỗi đau mà các em đang hàng ngày gánh chịu”, thầy Duy chia sẻ thêm.

Thanh âm của sự hy vọng

Theo báo Nhân dân, chiều thứ bảy tuần nào cũng vậy, suốt hơn 15 năm qua dàn hợp ca Hy vọng vẫn tranh thủ thời gian giữa những ca đi làm để tập trung tại căn phòng nhỏ phía sau khuôn viên Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu trên phố Lạc Trung, để cùng người thầy của mình Giáo sư, nghệ sĩ (GS, NS) piano Tôn Thất Triêm tập hát. Mắt không thấy nhưng tay vẫn thoăn thoắt trên từng phím đàn, không nhìn và phải sờ bản nhạc mà tiếng ca vẫn cất lên vang dội.

Được thành lập năm 2004 xuất phát từ ý tưởng của GS, NS Tôn Thất Triêm, dàn hợp ca Hy vọng với gần 20 ca sĩ và nhạc công khiếm thị đầy tài năng mong muốn bằng đam mê của mình, gìn giữ, phát huy nét đẹp của âm nhạc truyền thống Việt Nam. Phần lớn các thành viên khi đó đều là sinh viên khoa Âm nhạc truyền thống, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam.

Theo sát nhóm vào những ngày đầu, bằng tất cả sự kiên nhẫn và tình yêu thương vô bờ bến đối với những em thiệt thòi, NS Tôn Thất Triêm đã chỉ bảo, nâng đỡ các em, đưa những tài năng âm nhạc ra các sân khấu lớn, cho những đôi mắt tật nguyền chưa một lần thấy ánh bình minh có được khát vọng và niềm tin vào cuộc sống tươi đẹp.

Có người gọi ông là “mạnh thường quân thời hiện đại”. Ông chỉ cười và từ tốn tâm sự: “Tôi muốn dùng tiếng đàn của mình để xoa dịu những nỗi cô đơn, mất mát của những đứa trẻ mồ côi, làm lắng lại cơn đau của những người bệnh khi trái gió trở trời… mà thôi”.

Được hết mình trong công việc và gần gũi, giúp đỡ các em học sinh khuyết tật thiệt thòi là những niềm vui mà có lẽ chỉ họ mới cảm nhận rõ hơn cả. Như một cuốn tiểu thuyết chưa đến hồi kết, như một bộ phim chưa đến phút dừng lại, và như một bản nhạc chưa có nốt sau cùng, như các thành viên của dàn hợp ca Hy vọng đã chia sẻ với chúng tôi: Hợp ca Hy vọng, hy vọng vào một con đường, trên con đường đó có khi là bằng phẳng, có khi là bùn lầy, có khi đó là vực thẳm, nhưng cho dù thế nào chúng tôi cũng không bao giờ mất đi hy vọng.

Nguồn: hoanhap.vn

Bạn cũng có thể thích