Giải thưởng Chất lượng Quốc gia là động lực để doanh nghiệp Hà Nội nâng cao năng suất, chất lượng

Theo thông tin từ UBND thành phố Hà Nội, các đối tượng, điều kiện tham dự Giải thưởng Chất lượng Quốc gia năm 2024 là các tổ chức, doanh nghiệp thuộc mọi loại hình, quy mô, thành phần kinh tế có tư cách pháp nhân đã đăng ký hoạt động sản xuất, kinh doanh và dịch vụ liên tục trên địa bàn thành phố Hà Nội trong thời gian ít nhất 36 tháng tính đến thời điểm đăng ký tham dự Giải thưởng Chất lượng Quốc gia.

Đối với tổ chức, doanh nghiệp đã đạt Giải Vàng Chất lượng Quốc gia, ngoài các điều kiện nêu trên, sau 2 năm kể từ năm được Thủ tướng Chính phủ tặng Giải Vàng Chất lượng Quốc gia, được tiếp tục tham dự lại Giải thưởng Chất lượng Quốc gia năm 2024.

Giải thưởng Chất lượng Quốc gia được đánh giá, tính điểm theo 7 tiêu chí, với tổng điểm tối đa 1.000 điểm, trong đó vai trò của lãnh đạo 120 điểm; chiến lược hoạt động 85 điểm; chính sách định hướng vào khách hàng và thị trường 85 điểm; đo lường, phân tích và quản lý tri thức 90 điểm; quản lý nguồn nhân lực 85 điểm; quản lý quá trình hoạt động 85 điểm; kết quả hoạt động 450 điểm.

Giải thưởng Chất lượng Quốc gia là động lực để doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa chất lượng cao. Ảnh minh họa

Về cơ cấu giải thưởng, tổ chức, doanh nghiệp đạt từ 600 điểm trở lên được đề nghị xét tặng Giải thưởng Chất lượng Quốc gia; tổ chức, doanh nghiệp đạt từ 800 điểm trở lên được đề nghị xét tặng Giải Vàng Chất lượng Quốc gia.

Hạn cuối tiếp nhận đơn đăng ký tham dự và hồ sơ tham dự Giải thưởng Chất lượng Quốc gia năm 2024 là ngày 28/6/2024. Địa điểm tiếp nhận hồ sơ tạ Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Hà Nội.

Giải thưởng Chất lượng Quốc gia nhằm xét chọn, tôn vinh các tổ chức, doanh nghiệp tiêu biểu có thành tích xuất sắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thành phố. Khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế nâng cao năng suất, chất lượng, tạo ra nhiều sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh, đồng thời đóng góp tích cực cho sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của Thủ đô.

Để triển khai hiệu quả hoạt động Giải thưởng Chất lượng Quốc gia năm 2024 theo quy định. Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam, Cơ quan thư ký của Hội đồng Quốc gia Giải thưởng Chất lượng Quốc gia thông báo Kế hoạch triển khai hoạt động Giải thưởng Chất lượng Quốc gia năm 2024. Cụ thể:

Tháng 01-3/2024 tuyên truyền, vận động, hướng dẫn doanh nghiệp tham dự Giải thưởng Chất lượng Quốc gia năm 2024; Lựa chọn, đề cử doanh nghiệp tham dự Giải thưởng Chất lượng Quốc tế Châu Á – Thái Bình Dương (GPEA) năm 2024.

Tháng 3-7/2024: Thành lập Hội đồng sơ tuyển năm 2024; Tổ chức tập huấn về Giải thưởng Chất lượng Quốc gia; Hội đồng sơ tuyển tiếp nhận hồ sơ tham dự Giải thưởng Chất lượng Quốc gia năm 2024 của doanh nghiệp.

Trước 30/9/2024: Họp báo công bố kết quả và Lễ trao Giải thưởng Chất lượng Quốc gia và Giải thưởng Chất lượng Quốc tế Châu Á – Thái Bình Dương năm 2021-2023 tại thành phố Hà Nội.

Trước 15/9/2024: Hội đồng sơ tuyển gửi kết quả, hồ sơ đánh giá, lựa chọn cho Hội đồng Quốc gia năm 2024.

Tháng 7-10/2024: Cơ quan Thường trực thẩm tra kết quả, hồ sơ đánh giá của Hội đồng sơ tuyển năm 2024; Hội đồng Quốc gia tiến hành xem xét, thẩm định các doanh nghiệp được Hội đồng sơ tuyển đề nghị trao giải năm 2024.

Tháng 10/2024: Lấy ý kiến hiệp y của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố đề nghị Thủ tướng Chính phủ trao tặng Giải thưởng Chất lượng Quốc gia năm 2024 cho doanh nghiệp; Tham dự Hội nghị Chất lượng Quốc tế APQO và Lễ trao Giải thưởng Chất lượng Châu Á – Thái Bình Dương.

Tháng 11/2024: Hội đồng Quốc gia đề nghị Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ danh sách các doanh nghiệp tham dự đủ điều kiện để trình Thủ tướng Chính phủ trao tặng Giải thưởng Chất lượng Quốc gia năm 2024.

An Dương 

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích