Giải thưởng Bùi Xuân Phái: Tôn vinh những ‘mảnh tình riêng’ với Hà Nội
Giải thưởng Bùi Xuân Phái đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa Thủ đô. Giải thưởng giới thiệu tới công chúng những gương mặt, ý tưởng, việc làm, tác phẩm gắn với Hà Nội.
Ý tưởng tái lập kiến trúc chùa Diên Hựu-Một Cột bằng công nghệ thực tế ảo của SEN Heritage được đề cử Giải thưởng Bùi Xuân Phái 2021. (Ảnh: SEN Heritage) |
Nhắc đến Giải thưởng Bùi Xuân Phái-Vì tình yêu Hà Nội được nhận năm 2017, nhiếp ảnh gia Nguyễn Hữu Bảo vẫn xúc động bởi ông không ngờ “mảnh tình riêng” của mình với Hà Nội lại nhận được sự đồng cảm của nhiều người, từ đó, lọt vào “mắt xanh” của Hội đồng giám khảo.
Với nhiếp ảnh gia Nguyễn Hữu Bảo, giải thưởng này chính là sự khích lệ, bồi đắp thêm tình yêu Hà Nội đối với bản thân ông và những người nghệ sỹ khác. Với uy tín trải rộng qua 13 năm, giải thưởng là sự tôn vinh và cũng là lời nhắc nhở để ông có ý thức hơn đối với các tác phẩm của mình.
Trân trọng những cống hiến vô tư cho Hà Nội
Nhiếp ảnh gia Nguyễn Hữu Bảo là người sở hữu một kho tư liệu ảnh đồ sộ về Hà Nội. Với cuốn sách ảnh “Hà Nội dấu yêu,” ông đã được nhận Giải thưởng Bùi Xuân Phái, hạng mục Tác phẩm vào năm 2017.
Ông khẳng định mình chụp ảnh Hà Nội trong một cảm xúc tự tại, như là hơi thở, chứ không phải công việc hay nhu cầu tìm kiếm giải thưởng hay để lại một tác phẩm.
“Giải thưởng Bùi Xuân Phái có điểm đặc biệt so với nhiều giải thưởng khác. Đó là Ban tổ chức lặng lẽ tìm kiếm và tôn vinh những tác phẩm xứng đáng, không qua sự ứng cử, đề nghị hay xét duyệt hồ sơ nào cả. Giải thưởng này góp phần khơi dậy thực tâm của những người cống hiến cho Hà Nội. Bởi họ sáng tác vì cảm hứng và tình yêu với Thủ đô chứ không phải vì mong cầu một giải thưởng,” nhiếp ảnh gia cho biết.
Nhiếp ảnh gia cho rằng giải thưởng mang tính nhân văn, có sự đa chiều về văn hóa. Quy mô không quá rầm rộ và nhờ đó cái “tinh” – tức là chiều sâu của giải luôn được giữ gìn. Đó là một sự trân trọng rất vô tư đối với những người cống hiến âm thầm cho văn hóa Hà Nội, giúp công chúng biết đến những gương mặt, ý tưởng, việc làm, tác phẩm gắn với Hà Nội.
Nhiếp ảnh gia Nguyễn Hữu Bảo tại Lễ trao giải năm 2017. (Ảnh: TTXVN) |
“Hội đồng nghệ thuật cũng bao gồm những người có chuyên môn cao trên nhiều lĩnh vực. Do đó, uy tín của giải là điều có thể khẳng định được. Vì thế, có thể nói rằng Giải thưởng Bùi Xuân Phái đã trở thành một phần không thể thiếu của đời sống văn hóa Thủ đô,” nhiếp ảnh gia nhận xét.
Cùng chung quan điểm, nhà văn, nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Tiến cho rằng uy tín và chất lượng giải thưởng đã được khẳng định ngay từ những năm đầu tiên, với đơn vị tổ chức là Báo Thể thao-Văn hóa (Thông tấn xã Việt Nam), hội đồng giám khảo gồm những người có uy tín, chuyên môn cao, có tư cách đạo đức tốt. Họ đã làm việc công tâm, nghiêm túc, chọn ra tác phẩm xứng đáng để trao giải.
“Sau 13 mùa giải, tính lan tỏa của Giải thưởng Bùi Xuân Phái là điều không thể nghi ngờ. Ngay từ đầu, công chúng yêu văn hóa, yêu Hà Nội đã nhận thấy rằng giải thưởng không chỉ phản ánh văn hóa Hà Nội đương thời mà còn đưa ra những ý tưởng, những việc cần làm để phát triển Hà Nội,” ông nhận xét.
Cần có sự lan tỏa sâu rộng hơn
Mùa giải năm nay diễn ra trong bối cảnh đại dịch COVID-19 khiến cho các hoạt động văn hóa-nghệ thuật đình trệ, lễ trao giải thưởng cũng đã bị lùi lại so với mọi năm nên ít nhiều để lại sự lo lắng cho những người quan tâm tới giải.
Trước những băn khoăn đó, nhà sử học Dương Trung Quốc, thành viên Hội đồng giám khảo cho rằng có thể những đề cử năm nay chưa tương xứng so với công sức bỏ ra của những người yêu Hà Nội nhưng Hội đồng khẳng định 2021 vẫn là một mùa giải chất lượng, xứng đáng để công chúng ghi nhận những tấm lòng hướng về Hà Nội trong năm vừa qua.
Nhận định về mùa giải năm nay, các chuyên gia văn hóa cho rằng số lượng tác phẩm ít hay nhiều không quan trọng mà điều quan trọng là chất lượng của các đề cử, có đáp ứng được tiêu chí giải thưởng hay không. Việc số lượng tác phẩm được chọn vào chung khảo ít sẽ giúp cho Hội đồng dễ cân nhắc, chọn lựa để tìm ra giải thưởng lớn.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Tiến. (Ảnh: Báo Thể thao-Văn hóa) |
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Tiến, các đề cử năm nay đáp ứng nhu cầu đi lên của văn hóa xã hội, Báo Thể thao-Văn hóa đã làm rất tốt trong khâu tuyển chọn. Ông nhận thấy có những tác phẩm tốt, rất sâu sắc, dù có thể kén người đọc nhưng tác phẩm đó không chỉ đề cập đến vấn đề hôm nay mà còn phân tích, biện giải văn hóa Hà Nội theo lát cắt thời gian từ quá khứ đến tương lai.
“Theo tôi, văn hóa là vấn đề không bị giới hạn về thời gian. Chúng ta có thể vinh danh những tác phẩm có tính phát hiện, đã trải qua một thời gian chiêm nghiệm, có ý nghĩa xã hội chứ không nhất thiết phải tìm kiếm những tác phẩm mới, những thứ đang diễn ra ‘theo trend’ vì tiêu chí của giải là tôn vinh những tác phẩm có ý nghĩa lâu dài, những tác giả có đóng góp trọn đời…,” nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến góp ý.
Nhiếp ảnh gia Nguyễn Hữu Bảo cũng tâm đắc với quan điểm này. Ông cho rằng những công trình văn hóa về Hà Nội cần mang tính lâu dài, tránh việc “ăn xổi,” rầm rộ ít lâu nhưng không để lại dư âm gì nhiều.
Chia sẻ với Báo điện tử VietnamPlus, ông khẳng định Giải thưởng Bùi Xuân Phái cần tìm ra những tác phẩm, công trình có ý nghĩa và mang tính bền vững.
“Đất Thăng Long còn nhiều tinh hoa, nhiều nhân tài chưa được công chúng biết đến rộng rãi. Tôi cho rằng các hạng mục, tiêu chí của giải thưởng cần phong phú, đa dạng hơn nữa,” ông nói.
Nhà văn Trương Quý nhận Giải thưởng năm 2019. (Ảnh: NVCC) |
Đánh giá về các đề cử của Giải thưởng Bùi Xuân Phái, nhà văn Trương Quý cho rằng các tác phẩm có chất lượng đồng đều, phản ánh đời sống văn hóa Thủ đô, mang tinh thần “Vì tình yêu Hà Nội,” có tác động đến đại chúng… song những năm gần đây, các tác phẩm xuất bản vẫn chiếm ưu thế ở hạng mục Tác phẩm.
“Hạng mục này thiếu vắng các tác phẩm sân khấu, âm nhạc, trình diễn. Có thể lý giải rằng xuất bản phẩm chiếm ưu thế bởi đây là hình thức lâu đời của truyền thông nên dễ được khán giả chấp nhận hơn. Mặt khác, có một thực tế là tác phẩm nghệ thuật biểu diễn cũng ít tác phẩm hay đồng thời đáp ứng tiêu chí của giải thưởng,” nhà văn nhận xét.
Nhà văn Trương Quý cho rằng giải thưởng đã tạo hiệu ứng xã hội tốt, trở thành một diễn đàn uy tín của những người quan tâm đến đời sống văn hóa Thủ đô. Song, anh cũng góp ý rằng giải thưởng cần có sự lan tỏa sâu rộng hơn.
“Ban tổ chức có thể làm clip quảng bá trên các phương tiện truyền thông, đăng tải các bài viết giới thiệu về các đề cử. Hiện nay, tôi nhận thấy giải thưởng chỉ được tuyên truyền trong khoảng một tháng trước khi công bố. Ban tổ chức cần lan tỏa thông tin để giải thưởng gây tiếng vang hơn nữa,” nhà văn chia sẻ./.
Nguồn: Báo xây dựng