Giải quyết tranh chấp khi bị hàng xóm lấn chiếm đất

(Xây dựng) – Điều 202 và 203 Luật Đất đai năm 2013 quy định như sau: Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải ở cơ sở. Tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không hòa giải được thì gửi đơn đến UBND cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải.

Giải quyết tranh chấp khi bị hàng xóm lấn chiếm đất
Trường hợp hai bên không thể tự thương lượng, thỏa thuận có thể làm đơn yêu cầu hòa giải gửi đến UBND cấp xã nơi có đất tranh chấp để tiến hành hòa giải.

Thương lượng, hòa giải đòi lại phần diện tích đất bị lấn chiếm

Căn cứ khoản 1 Điều 202 Luật Đất đai năm 2013, Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải ở cơ sở. Theo đó, trước tiên người bị lấn chiếm đất có thể thương lượng, tự hòa giải để giải quyết vụ việc.

Trường hợp hai bên không thể tự thương lượng, thỏa thuận có thể làm đơn yêu cầu hòa giải gửi đến UBND cấp xã nơi có đất tranh chấp để tiến hành hòa giải (căn cứ theo khoản 2 Điều 202 Luật Đất đai năm 2013). Trong đó:

Trách nhiệm tổ chức hòa giải: Thuộc về Chủ tịch UBND cấp xã nơi có đất bị tranh chấp, trong quá trình tổ chức thực hiện phải phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội khác.

Thời hạn giải quyết: Tối đa 45 ngày, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp.

Việc hòa giải phải được lập thành biên bản có chữ ký của các bên và có xác nhận hòa giải thành hoặc hòa giải không thành của UBND cấp xã.

Biên bản hòa giải được gửi đến các bên tranh chấp, lưu tại UBND cấp xã nơi có đất tranh chấp.

Sau khi tiến hành hòa giải tại UBND cấp xã, nếu hòa giải thành: Thực hiện theo kết quả hòa giải. Trường hợp lấy lại được đất bị lấn chiếm và có thay đổi hiện trạng về ranh giới đất thì UBND cấp xã gửi biên bản hòa giải đến Phòng Tài nguyên và Môi trường để sửa lại ranh giới.

Nếu hòa giải không thành: Người bị lấn chiếm đất có quyền khởi kiện tại Tòa án nhân dân cấp huyện nơi có đất đang tranh chấp để giải quyết (theo khoản 1 Điều 203 Luật Đất đai năm 2013).

Khởi kiện tại Tòa án nhân dân cấp huyện nơi có đất tranh chấp

Trong trường hợp các bên tranh chấp có sổ đỏ hoặc một trong các giấy tờ về quyền sử dụng đất, nếu muốn giải quyết tranh chấp thì chỉ được khởi kiện tại Tòa án nhân dân cấp huyện nơi có đất.

Hồ sơ cần chuẩn bị gồm: Đơn khởi kiện theo mẫu; Giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất; Biên bản hòa giải có chứng nhận của UBND xã và có chữ ký của các bên tranh chấp; Giấy tờ của người khởi kiện: Chứng minh thư nhân dân/Thẻ căn cước công dân; Các giấy tờ chứng minh khác theo yêu cầu khởi kiện của bên khởi kiện (ví dụ như văn bản đo đạc, trích lục hồ sơ địa chính…).

Trường hợp đất không có sổ đỏ hoặc một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất theo quy định tại Điều 100 Luật Đất đai 2013 và Điều 18 Nghị định 43/2014/NĐ-CP, có thể lựa chọn một trong hai cách giải quyết sau: Khởi kiện tại Tòa án nhân dân; Đề nghị UBND cấp tỉnh, cấp huyện giải quyết.

Theo đó, trường hợp giải quyết tại UBND, thẩm quyền giải quyết thuộc về Chủ tịch UBND cấp huyện. Nếu không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Chủ tịch UBND cấp tỉnh hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích