Giải quyết tranh chấp hợp đồng xây dựng thông qua Ban phân xử DAB/DAAB
(Xây dựng) – Đây là vấn đề được đề cập tại Hội thảo “Thủ tục giải quyết tranh chấp hợp đồng xây dựng từ Ban phân xử tranh chấp (DAB hoặc DAAB) đến trọng tài và những bài học thực tiễn”, do Hiệp hội Tư vấn Xây dựng Việt Nam (VECAS) tổ chức tại Hà Nội, ngày 18/8.
Các diễn giả trực tiếp trả lời câu hỏi của các đại biểu tham dự Hội thảo. |
Với sự phối hợp của Công ty Luật TNHH YKVN (Singapore), Công ty Tư vấn EXPONENT và Tòa án Trọng tài quốc tế (ICC), Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), Hội thảo cung cấp thông tin thực tiễn về cơ chế giải quyết tranh chấp hợp đồng xây dựng thông qua DAB/DAAB; Các thủ tục cần quan tâm từ DAB đến trọng tài; Những bài học thực tiễn để giảm thiểu rủi ro pháp lý…
Thủ tục giải quyết tranh chấp DAB/DAAB không phải là tố tụng trọng tài
Chia sẻ tại Hội thảo về cơ chế quản lý hợp đồng và giải quyết tranh chấp thông qua DAB của Hiệp hội Quốc tế các kỹ sư tư vấn (FIDIC), bà Nguyễn Thị Duyên, Chủ tịch VECAS, trọng tài viên VIAC cho biết: Cơ chế giải quyết tranh chấp thông qua DAB/DAAB theo FIDIC là cơ chế quản lý hợp đồng xây dựng được áp dụng nhiều trên thế giới. Tại Việt Nam, cơ chế giải quyết tranh chấp thông qua DAB/DAAB đã trở nên quen thuộc nhưng vẫn còn nhiều cách hiểu khác nhau…
Bà Nguyễn Thị Duyên – Chủ tịch VECAS, trọng tài viên VIAC. |
Làm rõ về quy trình giải quyết tranh chấp thông qua DAB, bà Nguyễn Thị Duyên lưu ý: Nói đến hợp đồng FIDIC bắt buộc phải nói đến quyền màu sắc nào, phiên bản năm nào. Mỗi quyển sách, phiên bản, mẫu hợp đồng có cơ chế quản lý hợp đồng khác nhau.
Trong quyển đỏ và quyển vàng, giữa các bên trong hợp đồng (chủ đầu tư – nhà thầu) là nhà tư vấn (quản lý hợp đồng theo nhiệm vụ và quyền hạn). Nhà tư vấn còn là nhân lực của chủ đầu tư, trừ nhiệm vụ giải quyết tố tụng, không phải hành động cho chủ đầu tư…
Nhưng đến quyển bạc của FIDIC, giữa các bên trong hợp đồng (chủ đầu tư – nhà thầu) là đại diện chủ đầu tư (quản lý hợp đồng theo nhiệm vụ và quyền hạn), không xuất hiện nhà tư vấn.
Trong cả 3 quyền đỏ, vàng và bạc, FIDIC đều khuyến cáo các hợp đồng áp dụng mô hình DAB/DAAB trong giải quyết tranh chấp.
Ông Tejus Chauhan – Giám đốc khu vực Nam Á, trọng tài tại Tòa trọng tài Quốc tế. |
Bà Duyên nhấn mạnh: Chu trình giải quyết khiếu nại và tranh chấp là khác nhau. Trong chu trình khiếu nại, khi một bên (chủ đầu tư hoặc nhà thầu) có khiếu nại thì nhà tư vấn/đại diện của nhà đầu tư giải quyết và ra quyết định.
Hiệu lực quyết định của nhà tư vấn/đại diện của chủ đầu tư về khiếu nại rằng buộc cả chủ đầu tư và nhà thầu. Trong thời hạn quyết định, nếu không có thông báo thỏa mãn (NOD) thì quyết định của nhà tư vấn/đại diện của chủ đầu tư trở thành cuối cùng và ràng buộc cả hai bên (tức là giải quyết xong khiếu nại).
Nhưng nếu một trong hai bên không tuân thủ quyết định thì bên kia có thể đưa ra trọng tài. Nếu có NOD thì đưa tranh chấp ra Ban giải quyết tranh chấp DAB/DAAB giải quyết và quyết định.
Hiệu lực quyết định của DAB/DAAB về tranh chấp ràng buộc cả hai bên. Hai Bên phải tuân thủ kịp thời dù có hay không có NOD. Trong thời hạn quy định, nếu không có NOD, quyết định của DAB/DAAB trở thành cuối cùng và ràng buộc cả hai bên. Nhưng nếu một trong 2 bên tiếp tục đưa ra NOD thì đến bước hòa giải. Hòa giải không thành công thì đưa tranh chấp ra trọng tài.
Ông Peter Atkinson – Chuyên gia tư vấn xây dựng Công ty EXPONENT, thành viên cao cấp Viện Trọng tài Anh (CIArb). |
Bà Duyên nhấn mạnh: Từ bước khiếu nại cho đến bước hòa giải là giai đoạn quản lý hợp đồng, không phải là tố tụng. Bước đưa ra trọng tài thì mới là tố tụng. Vậy nên thủ tục giải quyết tranh chấp DAB/DAAB không phải là tố tụng trọng tài. Các thành viên của DAB/DAAB không hành động như trọng tài viên.
Hiểu đúng để áp dụng hiệu quả
Theo bà Nguyễn Thị Duyên, quản lý hợp đồng FIDIC theo cơ chế đa tầng. Vai trò của nhà tư vấn (trong sách đỏ, sách vàng) hoặc đại diện của chủ đầu tư (sách bạc) phải có quyền hạn và nhiệm vụ như được giao trong hợp đồng.
Nếu áp dụng mô hình giải quyết tranh chấp thông qua DAB/DAAB thì cả chủ đầu tư và nhà thầu cần có thiện chí và cố gắng giải quyết tranh chấp hợp đồng xây dựng. Thành viên DAB/DAAB phải đáp ứng tiêu chí phù hợp từng dự án cụ thể. Đặc biệt về pháp lý, phải làm rõ trong hợp đồng có DAB/DAAB phù hợp Luật áp dụng hay không? Sử dụng DAB/DAAB đến đâu…?
Ông Đỗ Khôi Nguyên – Luật sư thành viên Công ty Luật TNHH YKVN. |
Cũng tại Hội thảo, ông Tejus Chauhan, Giám đốc khu vực Nam Á, trọng tài tại Tòa trọng tài Quốc tế (ICC) chia sẻ các tính năng của Ban phân xử tranh chấp (DB) theo quy tắc ICC; phân loại và ứng dụng và học thực tiễn về DB theo FIDIC.
Trong khi đó, ông Peter Atkinson – chuyên gia tư vấn xây dựng Công ty EXPONENT, thành viên cao cấp Viện Trọng tài Anh (CIArb) chia sẻ về thực tiễn và các kinh nghiệm giải quyết tranh chấp trong các dự án quốc tế. Ông Đỗ Khôi Nguyên – Luật sư thành viên Công ty Luật TNHH YKVN thì nhấn mạnh những điểm cần lưu ý khi giải quyết tranh chấp thông qua DAB, DAAB…
Các đại biểu đặt nhiều câu hỏi liên quan đến cơ chế phân xử tranh chấp của DAB/DAAB. |
4 diễn giả cũng trực tiếp trả lời câu hỏi của các đại biểu đến từ các cơ quan quản lý Nhà nước, cơ quan tài trợ vốn, chủ đầu tư, quản lý dự án, nhà thầu, nhà tư vấn, công ty luật… liên quan đến cơ chế giải quyết tranh chấp hợp đồng xây dựng thông qua DAB/DAAB; Lựa chọn hình thức DAB thường trực hay vụ việc; Chi phí cho DAB trong hợp đồng xây dựng…
Các diễn giả thống nhất quan điểm khi các bên ký hợp đồng xây dựng, không ai muốn phát sinh tranh chấp. Nhưng trên thực tế, trong nhiều hợp đồng tranh chấp đã xảy ra. Những tranh chấp chưa được DAB giải quyết hoặc những tranh chấp mà quyết định của DAB không được chấp nhận bởi một bên sẽ được giải quyết bằng trọng tài. Trong thực tiễn đã có nhiều vụ kiện trọng tài quốc tế về xây dựng sau khi các bên đã cố gắng giải quyết tranh chấp thông qua DAB…
Do vậy, việc hiểu đúng cơ chế, thủ tục giải quyết tranh chấp hợp đồng xây dựng từ Ban phân xử tranh chấp DAB/DAAB rất quan trọng. Việc hiểu đúng sẽ giúp áp dụng hiệu quả, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang ngày càng hội nhập quốc tế và tuân theo thông lệ quốc tế trong hoạt động xây dựng…
Nguồn: Báo xây dựng