Giải quyết tranh chấp chồng lấn đất đai thế nào?
(Xây dựng) – Ông Nghiêm Lâm (Hà Nội) nhận chuyển nhượng quyền sử dụng 2.100m2 đất (đất ở và đất trồng cây lâu năm) tại huyện Ba Vì. Đất đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng từ năm 2004. Thửa đất đã được chuyển nhượng nhiều lần qua các chủ sử dụng đất khác nhau.
Vườn Quốc gia Ba Vì. |
Năm 2016, Vườn Quốc gia Ba Vì tiến hành đo đạc, cắm mốc ranh giới và xác định thửa đất của ông Nghiêm Lâm có gần 1.000m2 chồng lấn với đất của Vườn Quốc gia.
Ông Nghiêm Lâm hỏi, các quy định của pháp luật cho việc giải quyết trường hợp này như thế nào?
Bộ Tài nguyên và Môi trường trả lời vấn đề này như sau:
Bộ Tài nguyên và Môi trường xin chia sẻ với những vướng mắc, bất cập mà ông gặp phải khi thực hiện thủ tục hành chính về đất đai. Tuy nhiên, để giải quyết thủ tục hành chính đối với trường hợp cụ thể của ông cần căn cứ vào nguồn gốc đất đai và hồ sơ địa chính được quản lý và lưu trữ tại địa phương. Vì vậy, Bộ Tài nguyên và Môi trường không có cơ sở để trả lời cụ thể về tình huống mà ông nêu ra.
Tuy nhiên nếu phần diện tích của ông đã được Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất bị chồng lấn với đất của Vườn Quốc gia Ba Vì thì ông tham khảo Điều 202 Luật Đất đai quy định về việc hòa giải tranh chấp đất đai và Điều 203 Luật Đất đai quy định về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai, theo đó tại Khoản 1 quy định tranh chấp đất đai mà đương sự có Giấy chứng nhận hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật Đất đai và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Tòa án nhân dân giải quyết.
Đề nghị ông tham khảo quy định pháp luật nêu trên và liên hệ với cơ quan có thẩm quyền tại địa phương để được xem xét giải quyết theo quy định của pháp luật.
Nguồn: Báo xây dựng