Giải quyết thế nào nếu người lao động không muốn làm việc “3 tại chỗ”?

Trong trường hợp doanh nghiệp tổ chức sản xuất “3 tại chỗ”, mà một số người lao động vì nhiều lý do không muốn thì giải quyết như nào theo quy định của pháp luật?

Về nội dung này, Thạc sỹ, Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Công ty luật TNHH Đức An Hà Nội trả lời:

Trường hợp doanh nghiệp tổ chức sản xuất theo phương châm “3 tại chỗ” nhưng có một số người lao động không đồng ý với phương án lưu trú theo yêu cầu “3 tại chỗ” của doanh nghiệp thì người lao động và doanh nghiệp thống nhất để xác định theo một trong các cách:

– Doanh nghiệp cho người lao động ngừng việc và trả lương ngừng việc cho người lao động theo quy định tại Khoản 3 Điều 99 Bộ luật Lao động.

Bộ luật Lao động 2019 tại Điều 29. Chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động

4. Người lao động không đồng ý tạm thời làm công việc khác so với hợp đồng lao động quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong 01 năm mà phải ngừng việc thì người sử dụng lao động phải trả lương ngừng việc theo quy định tại Điều 99 của Bộ luật này.

Bộ luật Lao động 2019 tại Điều 99 Tiền lương ngừng việc, tại khoản 3. Nếu vì sự cố về điện, nước mà không do lỗi của người sử dụng lao động hoặc do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch họa, di dời địa điểm hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc vì lý do kinh tế thì hai bên thỏa thuận về tiền lương ngừng việc như sau:

a) Trường hợp ngừng việc từ 14 ngày làm việc trở xuống thì tiền lương ngừng việc được thỏa thuận không thấp hơn mức lương tối thiểu;

b) Trường hợp phải ngừng việc trên 14 ngày làm việc thì tiền lương ngừng việc do hai bên thỏa thuận nhưng phải bảo đảm tiền lương ngừng việc trong 14 ngày đầu tiên không thấp hơn mức lương tối thiểu.

Trong trường hợp này, người lao động được hỗ trợ chính sách ngừng việc khi đáp ứng đủ các điều kiện theo chương V (Điều 17 đến Điều 20) của Quyết định 23/2021/QĐ-TTg.

– Thống nhất với người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động theo Điểm h Khoản 1 Điều 30 Bộ luật Lao động hoặc hai bên thỏa thuận nghỉ không hưởng lương theo Khoản 3 Điều 145 Bộ luật Lao động.

– Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật lao động như thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động theo Khoản 3 Điều 34 Bộ luật Lao động; thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với NLĐ theo Điểm c Khoản 1 Điều 36 Bộ luật Lao động.

Căn cứ theo các quy định trên, nếu người lao động không đồng ý với phương án lưu trú có thể sử dụng phương án thỏa thuận với người sử dụng lao động để ngừng việc, tạm hoãn hợp đồng lao động. Trong giai đoạn dịch bệnh, khó khăn người lao động nên phối hợp cùng người sử dụng lao động để vừa hoàn thành công việc vừa cùng doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn để vừa tiếp tục sản xuất vừa phòng dịch.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích