Giải pháp xây dựng Hệ thống giao dịch phát thải Việt Nam dựa trên kinh nghiệm của châu Âu
Giải pháp xây dựng Hệ thống giao dịch phát thải Việt Nam dựa trên kinh nghiệm của châu Âu
Việc xây dựng Hệ thống giao dịch phát thải (ETS) là một trong những giải pháp hiệu quả để kiểm soát và giảm thiểu phát thải khí nhà kính, đồng thời thúc đẩy phát triển bền vững (PTBV).
Việt Nam là một quốc gia đang phát triển nhanh chóng với nền kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ, tuy nhiên, sự phát triển này cũng kéo theo mức phát thải khí nhà kính (KNK) ngày càng tăng. Vì vậy, việc xây dựng Hệ thống giao dịch phát thải (ETS) là một trong những giải pháp hiệu quả để kiểm soát và giảm thiểu phát thải KNK, đồng thời thúc đẩy phát triển bền vững (PTBV). Bài viết nhằm phân tích Hệ thống ETS của Liên minh châu Âu (EU ETS); đánh giá các yếu tố quan trọng như khung pháp lý, cơ chế vận hành, quản lý phát thải, tác động của những thay đổi chính sách gần đây đối với các mục tiêu giảm phát thải và tăng trưởng kinh tế… Từ đó đề xuất một số giải pháp phù hợp để triển khai xây dựng ETS tại Việt Nam nhằm đạt mục tiêu giảm thiểu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu (BĐKH), hướng đến PTBV.
1. Mối quan hệ giữa phát thải với tăng trưởng kinh tế và sự cần thiết phải phát triển Hệ thống giao dịch phát thải ở Việt Nam
BĐKH là một trong những thách thức lớn nhất đối với nhân loại trong thế kỷ 21. Các quốc gia trên thế giới đang nỗ lực giảm thiểu phát thải KNK để BVMT, đảm bảo sự PTBV và Việt Nam – Quốc gia đang phát triển với nền kinh tế tăng trưởng nhanh chóng, cũng không nằm ngoài xu hướng này. Trong những năm gần đây, Việt Nam đã chứng kiến sự gia tăng đáng kể về mức phát thải KNK do sự phát triển công nghiệp và đô thị hóa nhanh chóng. Theo các báo cáo, lượng phát thải KNK của Việt Nam đã tăng gấp nhiều lần kể từ năm 1990 đến nay, nếu không có các biện pháp kiểm soát hiệu quả, Việt Nam sẽ đối mặt với những hậu quả nghiêm trọng về môi trường và sức khỏe cộng đồng. Vì vậy, phát triển Hệ thống ETS tại Việt Nam là giải pháp quan trọng, là bước đi cần thiết để kiểm soát, giảm thiểu phát thải KNK, đáp ứng các cam kết quốc tế và thúc đẩy phát triển kinh tế xanh.
Hệ thống ETS không chỉ mang lại lợi ích về môi trường mà còn góp phần tạo ra nguồn thu cho ngân sách và nâng cao năng lực quản lý môi trường của quốc gia. Việt Nam đã tham gia nhiều điều ước quốc tế quan trọng, đóng góp vào các quá trình đàm phán quốc tế về khí hậu, tiêu biểu như Công ước khung của Liên hợp quốc về BĐKH; Nghị định thư Kyoto; Cơ chế phát triển sạch (CDM); Cơ chế hành động giảm nhẹ KNK phù hợp với điều kiện quốc gia (NAMAs); Thỏa thuận Paris về BĐKH. Đặc biệt, tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về BĐKH, Việt Nam đã cùng gần 150 quốc gia cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào giữa thế kỷ; cùng với hơn 100 quốc gia tham gia cam kết giảm phát thải khí metan toàn cầu vào năm 2030; cùng 140 quốc gia tham gia Tuyên bố Glasgow của các nhà lãnh đạo về rừng và sử dụng đất; cùng 48 quốc gia tham gia Tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch; cùng 150 quốc gia tham gia Liên minh hành động thích ứng toàn cầu… Do đó, việc triển khai ETS sẽ giúp Việt Nam thực hiện các cam kết giảm phát thải, góp phần vào nỗ lực chung cùng toàn cầu trong việc ngăn chặn BĐKH.
Hệ thống ETS sẽ giúp kiểm soát và giảm thiểu lượng phát thải KNK bằng cách áp đặt các giới hạn phát thải cho doanh nghiệp (DN), đồng thời tạo điều kiện cho việc mua bán hạn ngạch phát thải, từ đó thúc đẩy DN đầu tư vào công nghệ sạch và các biện pháp giảm phát thải. Việc đấu giá hạn ngạch phát thải sẽ tạo ra nguồn thu cho ngân sách nhà nước để đầu tư vào các dự án giảm phát thải và BVMT, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Bên cạnh đó, ETS sẽ khuyến khích sự phát triển của các ngành công nghiệp xanh và bền vững; yêu cầu DN thực hiện quy trình giám sát, báo cáo và thẩm định phát thải (MRV), từ đó giúp tăng cường năng lực quản lý môi trường của cơ quan chức năng và nâng cao nhận thức của DN về trách nhiệm BVMT. Các DN cũng có động lực để cải tiến công nghệ, giảm thiểu phát thải và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, góp phần vào sự PTBV của nền kinh tế.
Việt Nam với nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng, đã chứng kiến sự gia tăng đáng kể cả về GDP và lượng phát thải trong những thập kỷ gần đây. Mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và phát thải KNK ở Việt Nam là một chủ đề quan trọng, quyết định tới việc xây dựng phương án, điều kiện, lộ trình phát triển ETS nhằm ứng phó BĐKH và PTBV. Bài viết sẽ đi sâu phân tích mối quan hệ giữa GDP và phát thải ở Việt Nam, từ đó đưa ra các giải pháp về phương án, điều kiện, lộ trình phát triển ETS để cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và BVMT, dựa trên cơ sở mô hình nghiên cứu điều chỉnh cơ cấu của Chow (1960); sử dụng dữ liệu của Tổng cục Thống kê đối với GDP và phát thải của Việt Nam trong giai đoạn 1990 – 2023. Đồng thời, sử dụng giả thiết của mô hình Đường cong Kuznets (1955) môi trường (The Environmental Kuznets Curve – EKC), là một khái niệm trong kinh tế môi trường. Theo đó, ô nhiễm và các tác động tiêu cực đến môi trường tăng lên trong giai đoạn đầu của sự phát triển kinh tế, nhưng sau đó giảm xuống khi nền kinh tế đạt đến một mức độ phát triển cao hơn. Đường cong này thường được mô tả dưới dạng hình chữ U ngược, với trục ngang là mức độ phát triển kinh tế (thường đo bằng GDP bình quân đầu người) và trục đứng là mức độ ô nhiễm hoặc suy giảm môi trường. Trong giai đoạn đầu của tăng trưởng kinh tế, các quốc gia thường tập trung vào phát triển công nghiệp và sản xuất, dẫn đến sự gia tăng sử dụng tài nguyên và phát thải chất ô nhiễm. Khi đạt đến một mức độ phát triển cao hơn, nền kinh tế chuyển từ công nghiệp nặng sang dịch vụ và công nghệ cao hơn, cùng với việc cải thiện các biện pháp quản lý môi trường và áp dụng công nghệ xanh, dẫn đến giảm thiểu ô nhiễm.
Apergis and Ozturk (2015) khám phá mối quan hệ giữa phát thải KNK (GHG) và tăng trưởng kinh tế qua lăng kính Đường cong Kuznets môi trường (EKC) trên cơ sở nghiên cứu kiểm định giả thuyết EKC về lượng phát thải KNK ở các nước châu Á và tìm ra bằng chứng ủng hộ EKC ở một số quốc gia. Kết quả cho thấy, tăng trưởng kinh tế ban đầu dẫn đến lượng khí thải cao hơn, sau đó là giảm khi thu nhập tiếp tục tăng. Kijima, Nishide and Ohyama (2010) cung cấp một cái nhìn tổng quan toàn diện về tài liệu EKC trên cơ sở khảo sát các mô hình lý thuyết và thực nghiệm của EKC, tập trung vào mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và suy thoái môi trường, trong đó có phát thải KNK. Rafindadi and Usman (2019) xem xét giả thuyết EKC trong bối cảnh toàn cầu hóa, sử dụng năng lượng và phát thải KNK ở Nam Phi, chỉ ra các phát hiện ủng hộ EKC, lượng khí thải tăng lên cùng với tăng trưởng kinh tế đến một điểm nhất định trước khi giảm xuống.
Sử dụng giả định cho giai đoạn từ năm 1990 – 2004 là thời kỳ đầu tăng trưởng kinh tế và lượng khí thải tăng dần; giai đoạn từ năm 2005 – 2023 là thời kỳ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng với mức phát thải tăng nhanh ở Việt Nam. Mối quan hệ giữa GDP và phát thải trong toàn bộ giai đoạn được mô tả bằng phương trình hồi quy sau:
GHG=𝛽0+𝛽1GDP+ε
Mô hình phân tích thống kê sử dụng phân tích hồi quy để xác định mối quan hệ giữa GDP và phát thải KNK ở Việt Nam trong hai giai đoạn: Trước năm 2005 và sau năm 2005 nhằm phân tích sự thay đổi theo thời gian. Trong đó, GHG là phát thải KNK (triệu tấn các–bon) từ năm 1990 – 2023; GDP là GDP (tỷ đô la Mỹ theo giá 2010) từ năm 1990 – 2023. Kết quả hồi quy cho các giai đoạn cho thấy, trong giai đoạn từ năm 1990 – 2004, hệ số tương quan (R²) là 0,98; hệ số hồi quy (𝛽1) là 4,5, có ý nghĩa thống kê ở mức 1%. Giai đoạn từ năm 2005 – 2023, hệ số tương quan (R²) là 0,99; hệ số hồi quy (𝛽1) là 2,9 với mức ý nghĩa 1%. Kết quả cho thấy mối quan hệ tương quan thuận chiều chặt chẽ giữa GDP và phát thải KNK trong cả hai giai đoạn, tuy nhiên, hệ số hồi quy (𝛽1) giảm từ 4,5 (giai đoạn từ năm 1990 – 2004) xuống còn 2,9 (giai đoạn từ năm 2005 – 2023), có nghĩa tốc độ gia tăng phát thải đã chậm lại so với tốc độ tăng trưởng GDP sau năm 2005. Kiểm định Chow (1960) xác nhận kết quả có ý nghĩa thống kê: Giai đoạn từ năm 1990 – 2004 cho thấy mối quan hệ thuận chiều chặt chẽ giữa GDP và phát thải, chứng minh rằng sự phát triển kinh tế của Việt Nam trong giai đoạn này phụ thuộc nhiều vào các ngành công nghiệp và năng lượng truyền thống, dẫn đến mức phát thải cao. Giai đoạn từ năm 2005 – 2023 cho thấy sự giảm nhẹ của hệ số hồi quy, chứng minh rằng Việt Nam đã bắt đầu áp dụng các biện pháp hiệu quả hơn trong việc giảm phát thải, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp xanh và sử dụng năng lượng hiệu quả.
Quy mô GDP và phát thải các-bon ở Việt Nam
Mối quan hệ giữa GDP và phát thải ở Việt Nam cho thấy sự phát triển kinh tế nhanh chóng đã đi kèm với sự gia tăng phát thải KNK, tuy nhiên, sự giảm nhẹ của hệ số hồi quy trong giai đoạn từ năm 2005 – 2023 cho thấy rằng Việt Nam đã bắt đầu có những bước tiến tích cực trong việc giảm phát thải. Để đạt được mục tiêu PTBV, Việt Nam cần lựa chọn phương án, chuẩn bị điều kiện và xây dựng lộ trình cho việc hình thành thị trường các-bon để khuyến khích đầu tư vào công nghệ xanh, nâng cao hiệu quả năng lượng và xây dựng các chính sách hỗ trợ hiệu quả. Cụ thể: Xây dựng và triển khai ETS để kiểm soát, giảm thiểu phát thải KNK một cách hiệu quả, minh bạch; khuyến khích, hỗ trợ các DN đầu tư vào công nghệ xanh, năng lượng tái tạo để giảm phát thải; thực hiện các biện pháp nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong các ngành công nghiệp và xây dựng; xây dựng chính sách hỗ trợ, khuyến khích DN thực hiện các biện pháp giảm phát thải, đồng thời nâng cao nhận thức cộng đồng về BVMT; khuyến khích DN chuyển dịch sang mô hình kinh tế tuần hoàn.
2. Kinh nghiệm của châu Âu trong xây dựng phương án, điều kiện và lộ trình phát triển Hệ thống giao dịch phát thải
Liên minh châu Âu (EU) là khu vực tiên phong và có nhiều kinh nghiệm trong việc phát triển ETS. EU ETS được triển khai từ năm 2005, là ETS lớn nhất thế giới và là công cụ quan trọng trong chiến lược giảm thiểu BĐKH của EU. Việt Nam có thể học hỏi nhiều kinh nghiệm từ EU trong việc xây dựng phương án, điều kiện, lộ trình phát triển ETS để đảm bảo tính hiệu quả và bền vững. EU ETS được xây dựng dựa trên một khung pháp lý rõ ràng, chi tiết, bao gồm các quy định về cấp hạn ngạch, giao dịch, giám sát và chế tài. EU đã nhận được sự cam kết mạnh mẽ từ các quốc gia thành viên và cơ quan quản lý EU. Việt Nam cần xây dựng các văn bản pháp lý tương tự để tạo nền tảng vững chắc cho ETS, trong đó, sự ủng hộ và cam kết từ các cấp lãnh đạo là yếu tố quan trọng, đồng thời, cần đảm bảo sự cam kết, hỗ trợ từ Chính phủ và các bên liên quan. Bên cạnh đó, EU ETS sử dụng phương thức cấp phát hạn ngạch thông qua cả miễn phí và đấu giá, Việt Nam nên áp dụng phương thức này để tạo động lực cho các DN giảm phát thải, tạo nguồn thu cho ngân sách. EU cũng thiết lập Hệ thống giao dịch trên cơ sở hình thành sàn giao dịch hạn ngạch phát thải minh bạch, công bằng; phát triển các cơ sở hạ tầng giao dịch hiện đại và hệ thống thông tin để đảm bảo tính minh bạch, hiệu quả. EU ETS yêu cầu các DN tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về giám sát, báo cáo, thẩm định lượng phát thải. Việt Nam cần xây dựng các tiêu chuẩn MRV cụ thể và áp dụng công nghệ hiện đại để đảm bảo tính chính xác, minh bạch; sử dụng công nghệ blockchain để quản lý, theo dõi giao dịch hạn ngạch, đảm bảo tính bảo mật, minh bạch của dữ liệu phát thải.
EU đã tổ chức nhiều chương trình đào tạo cho các DN và cơ quan quản lý; đẩy mạnh hợp tác với các quốc gia, tổ chức quốc tế có kinh nghiệm trong việc triển khai ETS để học hỏi, áp dụng các phương thức hiệu quả, tham gia các sáng kiến quốc tế về giao dịch phát thải và BĐKH để tăng cường sự hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm. Việt Nam cần triển khai các chương trình tương tự để nâng cao nhận thức, năng lực của các bên liên quan; cung cấp hỗ trợ kỹ thuật, tài chính cho các DN trong việc áp dụng các biện pháp giảm phát thải và tham gia ETS.
EU cam kết giảm phát thải KNK, dẫn đến việc thiết lập một cơ chế hiệu quả để đạt được mục tiêu giảm phát thải theo Nghị định thư Kyoto (1997); Chỉ thị số 2003/87/EC được thông qua năm 2003, là cơ sở pháp lý cho việc thiết lập ETS của EU. Lộ trình xây dựng và phát triển của ETS ở châu Âu trải qua 4 giai đoạn: Giai đoạn 1 – Khởi đầu và thiết lập (từ năm 2005 – 2007); giai đoạn 2 – Mở rộng và cải tiến (từ năm 2008 – 2012); giai đoạn 3 – Tăng cường hiệu quả (từ năm 2013 – 2020); giai đoạn 4 – Hoàn thiện (từ năm 2021 – 2030). Trong giai đoạn 1 (từ năm 2005 – 2007), Hệ thống được thử nghiệm để đánh giá hiệu quả và cải tiến, mục tiêu chủ yếu là thiết lập quy tắc và cơ sở hạ tầng cần thiết. ETS chỉ bao gồm các nhà máy điện và một số ngành công nghiệp nặng. Giai đoạn 2 (từ năm 2008 – 2012), ETS mở rộng để bao gồm nhiều ngành công nghiệp hơn và thêm vào các lĩnh vực như hàng không. Cải tiến cơ chế cấp phát hạn ngạch, chuyển từ việc cấp phát miễn phí sang đấu giá hạn ngạch. Cơ chế giám sát, báo cáo và thẩm định (MRV) cho phép tăng cường yêu cầu về giám sát, báo cáo, thẩm định lượng phát thải. Giai đoạn 3 (từ năm 2013 – 2020), Hệ thống cấp phát hạn ngạch trên cơ sở đấu giá là phương thức chính để cấp phát hạn ngạch, tạo ra nguồn thu cho các quốc gia thành viên và khuyến khích giảm phát thải. Cơ chế ổn định thị trường (MSR) được thiết lập năm 2015 để điều chỉnh số lượng hạn ngạch trên thị trường, ngăn ngừa sự dư thừa hạn ngạch và ổn định giá cả. ETS mở rộng để bao gồm các loại KNK khác ngoài các-bon. Cải thiện các yêu cầu MRV để đảm bảo tính chính xác và minh bạch. Giai đoạn 4 (từ năm 2021 – 2030), tăng cường tốc độ giảm số lượng hạn ngạch phát thải hàng năm để đạt được các mục tiêu khí hậu của EU, mở rộng phạm vi, bao gồm cả lĩnh vực mới như giao thông và tòa nhà, cũng như tăng cường sự tham gia của các quốc gia thành viên mới. Điều chỉnh MSR để phản ứng nhanh hơn với các biến động của thị trường. Cơ chế bảo hộ chống rò rỉ các–bon (CBAM) đưa ra cơ chế bảo vệ các–bon tại biên giới để tránh tình trạng “rò rỉ các–bon” do các DN chuyển sản xuất ra ngoài EU để tránh hạn ngạch. Thúc đẩy hợp tác và liên kết với các hệ thống ETS khác trên thế giới để tạo ra một thị trường phát thải toàn cầu.
EU ETS đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển và cải tiến để trở thành ETS lớn nhất và hiệu quả nhất thế giới. Việt Nam có thể học hỏi từ lộ trình, kinh nghiệm của EU để xây dựng, phát triển ETS của riêng mình, nhằm đạt được mục tiêu giảm phát thải KNK và phát triển kinh tế bền vững. Trong đó, bài học quan trọng là thiết lập một khung pháp lý rõ ràng, cải thiện cơ chế cấp phát hạn ngạch, tăng cường giám sát và thẩm định, thúc đẩy hợp tác quốc tế.
2. Đề xuất phương án, điều kiện và lộ trình phát triển Hệ thống giao dịch phát thải ở Việt Nam
Việt Nam đã cam kết giảm phát thải KNK theo Thỏa thuận Paris và đang nỗ lực xây dựng ETS để đạt được các mục tiêu về khí hậu, dựa trên kinh nghiệm thực tiễn ở châu Âu và được điều chỉnh phù hợp với bối cảnh kinh tế, xã hội, môi trường trong nước. Luật BVMT, Nghị định số 06/2023/ND-CP của Chính phủ nêu rõ chiến lược, khuôn khổ của quốc gia về giảm thiểu và giao dịch phát thải các–bon; đưa ra các chính sách giảm phát thải KNK; thiết lập thị trường các–bon ở Việt Nam trên cơ sở phát triển thị trường giao dịch các–bon quốc gia, thiết lập giới hạn phát thải và tạo khuôn khổ cho giao dịch các–bon.
Luật BVMT thiết lập khung pháp lý và quy định cho ETS, bao gồm việc lồng ghép yêu cầu phát triển thị trường các–bon vào các luật và quy định hiện hành. Luật BVMT thiết lập thể chế trên cơ sở yêu cầu thành lập hoặc chỉ định một cơ quan hoặc cơ quan Trung ương chịu trách nhiệm giám sát ETS, chẳng hạn như Bộ TN&MT (MONRE) hoặc một cơ quan ETS chuyên trách. Từ yêu cầu của Luật BVMT, việc thiết kế thị trường các–bon được thực hiện trên cơ sở xây dựng Hệ thống hạn ngạch và giao dịch thông qua xác định giới hạn tổng lượng khí thải và phân bổ các Giấy phép phát thải; giới hạn này sẽ được giảm dần theo thời gian để đáp ứng các mục tiêu giảm phát thải. Quyết định cách phân bổ Giấy phép phát thải (đấu giá hoặc phân bổ miễn phí); phát triển hệ thống giám sát, báo cáo và xác minh chính xác lượng phát thải của các đơn vị tham gia. Việc xác minh, tuân thủ được thực hiện trên cơ sở thiết lập các giao thức để xác minh dữ liệu phát thải và đảm bảo tuân thủ các quy định ETS.
Lộ trình phát triển ETS ở Việt Nam đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng, triển khai thí điểm cẩn thận và mở rộng phạm vi một cách có kiểm soát. Kinh nghiệm từ các quốc gia phát triển như châu Âu sẽ là nguồn tài liệu quý giá để Việt Nam xây dựng, triển khai ETS hiệu quả, đồng thời đạt được các mục tiêu giảm phát thải KNK và PTBV. Cụ thể: Giai đoạn 1, chuẩn bị và lập kế hoạch (từ năm 2024 – 2025): i) Nghiên cứu khả thi và đánh giá hiện trạng phát thải, bao gồm thực hiện các nghiên cứu khả thi để đánh giá tiềm năng, lợi ích, thách thức của việc triển khai ETS tại Việt Nam; đánh giá hiện trạng phát thải KNK trong các ngành công nghiệp chính để xác định cơ sở dữ liệu và các nguồn phát thải lớn; ii) Xây dựng khung pháp lý, bao gồm các văn bản pháp lý, quy định liên quan đến ETS, việc xác định đối tượng tham gia, cơ chế cấp phát hạn ngạch và hệ thống giám sát, báo cáo, thẩm định (MRV); iii) Tạo lập cơ sở hạ tầng, bao gồm phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu về phát thải KNK và các công cụ hỗ trợ cho việc giám sát, báo cáo, thẩm định; thiết lập Hệ thống giao dịch trên cơ sở thiết lập cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin cần thiết cho việc giao dịch hạn ngạch phát thải, bao gồm nền tảng giao dịch trực tuyến và hệ thống quản lý hạn ngạch.
Giai đoạn 2, thí điểm và triển khai ban đầu (từ năm 2026 – 2028): i) Chương trình thí điểm lựa chọn các ngành công nghiệp, khu vực có tiềm năng phát thải lớn để tham gia và triển khai chương trình thí điểm ETS, bao gồm việc cấp phát hạn ngạch, giao dịch và giám sát phát thải; ii) Đào tạo, nâng cao năng lực thông qua tổ chức các chương trình đào tạo, tuyên truyền về ETS cho các DN, cơ quan quản lý, cộng đồng và xây dựng năng lực cho các cơ quan quản lý nhà nước cũng như các tổ chức liên quan trong việc thực hiện và giám sát ETS; iii) Đánh giá và điều chỉnh, bao gồm đánh giá kết quả, hiệu quả của chương trình thí điểm để rút kinh nghiệm, điều chỉnh quy định, cơ chế. Dựa trên kết quả đánh giá, điều chỉnh các quy định, cơ chế cấp phát hạn ngạch, giao dịch và giám sát để đảm bảo tính hiệu quả, công bằng.
Giai đoạn 3, mở rộng và hoàn thiện (từ năm 2029 – 2035): i) Mở rộng phạm vi thông qua mở rộng đối tượng tham gia để bao gồm thêm nhiều ngành công nghiệp và khu vực khác, nhằm đạt được mục tiêu giảm phát thải toàn quốc, tích hợp các ngành liên quan như nông nghiệp, giao thông và xây dựng vào Hệ thống ETS; ii) Tăng cường cơ chế MRV thông qua cải thiện Hệ thống MRV trên cơ sở tăng cường yêu cầu về giám sát, báo cáo, thẩm định, đảm bảo tính chính xác, minh bạch của dữ liệu phát thải; áp dụng công nghệ hiện đại như blockchain, IOT, AI để cải thiện hiệu quả, độ tin cậy của Hệ thống MRV; iii) Thúc đẩy hợp tác quốc tế, liên kết với ETS quốc tế trên cơ sở tìm kiếm cơ hội liên kết, hợp tác với các hệ thống ETS quốc tế nhằm tạo ra thị trường phát thải toàn cầu và tăng cường tính linh hoạt cho các DN học hỏi kinh nghiệm quốc tế, áp dụng bài học kinh nghiệm từ các quốc gia đã triển khai ETS thành công.
Giai đoạn 4, hoàn thiện và đánh giá (từ năm 2036 – 2040): i) Đánh giá hiệu quả và điều chỉnh thông qua đánh giá tổng thể về hiệu quả của ETS trong việc giảm phát thải, đóng góp vào mục tiêu khí hậu của quốc gia và dựa trên kết quả đánh giá, điều chỉnh các chính sách, quy định để cải thiện hiệu quả cũng như tính bền vững của Hệ thống ETS; ii) Hoàn thiện cơ chế bảo vệ các–bon: Thiết lập, cải thiện các cơ chế bảo vệ các–bon để ngăn ngừa tình trạng “rò rỉ các–bon”, bảo vệ lợi ích của các ngành công nghiệp trong nước và phát triển cơ chế khuyến khích như hỗ trợ tài chính, công nghệ cho DN tham gia ETS và các dự án giảm phát thải.
Có thể thấy, ETS là một công cụ kinh tế quan trọng nhằm giảm phát thải KNK bằng cách thiết lập một thị trường cho các hạn ngạch phát thải. Việc hình thành ETS mang lại nhiều lợi ích đáng kể đối với cả giảm phát thải và tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là trong bối cảnh các quốc gia đang nỗ lực đạt được các mục tiêu khí hậu và PTBV. Thông qua việc định giá các-bon, ETS tạo ra động lực kinh tế cho các DN thực hiện giảm phát thải, có thêm tài chính để đầu tư vào công nghệ sạch và cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng nhằm giảm chi phí mua hạn ngạch phát thải. Bằng cách thiết lập một giới hạn tối đa (cap) cho lượng phát thải, ETS đảm bảo rằng tổng lượng phát thải không vượt quá một mức độ nhất định, điều này giúp kiểm soát và giảm dần lượng phát thải theo thời gian.
Bên cạnh đó, ETS giúp cải thiện công nghệ và đổi mới, khuyến khích DN đầu tư vào công nghệ sạch, hiệu quả hơn để giảm phát thải, thúc đẩy sự đổi mới và phát triển công nghệ môi trường. DN sẽ tìm cách chuyển đổi từ quy trình sản xuất, sử dụng năng lượng truyền thống sang các quy trình và nguồn năng lượng ít phát thải hơn, tạo ra một nền kinh tế xanh, bền vững. Bằng cách giảm phát thải KNK, ETS giúp giảm thiểu các tác động tiêu cực đối với môi trường như BĐKH, ô nhiễm không khí, hiện tượng thời tiết cực đoan; giảm phát thải từ các nguồn công nghiệp và năng lượng, giúp cải thiện chất lượng không khí, từ đó bảo vệ sức khỏe cộng đồng và hệ sinh thái.
Mặt khác, ETS tạo ra một thị trường cho các hạn ngạch phát thải, mang lại cơ hội kinh doanh mới cho những DN tham gia vào giao dịch hạn ngạch. Thị trường các–bon có thể trở thành một nguồn thu nhập quan trọng cho các quốc gia và DN. ETS thu hút các khoản đầu tư vào công nghệ, dự án xanh, từ đó tạo ra việc làm và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Bằng cách định giá các-bon, ETS khuyến khích DN tối ưu hóa sử dụng nguồn lực và năng lượng, từ đó cải thiện hiệu quả kinh tế, giảm chi phí sản xuất. ETS thúc đẩy sự đổi mới, cạnh tranh trong các ngành công nghiệp xanh, từ đó tạo ra các sản phẩm và dịch vụ mới, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Ngoài ra, ETS khuyến khích hợp tác, liên kết giữa các quốc gia trong việc giảm phát thải KNK, không chỉ giúp đạt được các mục tiêu khí hậu toàn cầu mà còn tăng cường mối quan hệ kinh tế và chính trị giữa các nước. Những DN tham gia ETS có cơ hội tiếp cận với thị trường quốc tế, thúc đẩy hợp tác với nhiều đối tác nước ngoài trong lĩnh vực công nghệ sạch và PTBV.
Hình thành ETS ở Việt Nam mang lại nhiều lợi ích quan trọng đối với việc giảm phát thải KNK và tăng trưởng kinh tế. ETS không chỉ giúp kiểm soát, giảm thiểu tác động môi trường mà còn tạo ra động lực kinh tế, thúc đẩy đổi mới công nghệ, tăng cường quan hệ quốc tế. Trong quá trình phát triển và hội nhập, Việt Nam có thể tận dụng ETS như một công cụ hiệu quả để đạt được các mục tiêu PTBV và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân.
Nguyễn Đình Thọ
Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường
Hà Phương Anh
Trường Đại học Hollins
Tài liệu tham khảo:
1. Apergis, N., & Ozturk, I. (2015). “Testing Environmental Kuznets Curve Hypothesis in Asian Countries”, Ecological Indicators, 52, 16 – 22.
2. Chow, G.C. (1960) Tests of Equality between Sets of Coefficients in Two Linear Regressions, Econometrica, 28, 591 – 605.
3. Kijima, M., Nishide, K., & Ohyama, A. (2010). “Economic Models for the Environmental Kuznets Curve: A Survey”, Journal of Economic Dynamics and Control, 34(7), 1187 – 1201.
4. Kuznets, Simon. 1955. Economic Growth and Income Inequality, American Economic Review 45 (March): 1 – 28.
5. Rafindadi, A. A., & Usman, O. (2019). “Globalization, Energy Use, and Environmental Degradation in South Africa: Varying Coefficient Vector Autoregressive (VAR) and Causality Analysis”, Environmental Science and Pollution Research, 26(3), 3251 – 3269.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị