Giải pháp tăng trưởng kinh tế gắn với bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam

Giải pháp tăng trưởng kinh tế gắn với bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam

MTĐT –  Thứ tư, 14/12/2022 16:40 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Bài viết phân tích các vấn đề về bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH trong tăng trưởng kinh tế, đồng thời đề xuất giải pháp gắn tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường và ứng phó với BĐKH trong thời gian tới.

TÓM TẮT:

Trong những năm qua, cùng với đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng, Việt Nam đã từng bước thực hiện tăng trưởng gắn với bảo vệ môi trường (BVMT) và ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH). Tuy nhiên, trong thực tế, vấn đề BVMT và ứng phó với BĐKH trong tăng trưởng kinh tế vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập.

Do vậy, để tăng trưởng kinh tế của Việt Nam một cách bền vững, phải tìm ra giải pháp gắn tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường và ứng phó với BĐKH. Bài viết phân tích các vấn đề về bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH trong tăng trưởng kinh tế, đồng thời đề xuất giải pháp gắn tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường và ứng phó với BĐKH trong thời gian tới.

Từ khóa: tăng trưởng kinh tế, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

1. Đặt vấn đề

Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề của BĐKH, tác động của BĐKH thậm chí còn diễn biến nhanh hơn so với dự kiến. Thực tế cho thấy, tình hình thiên tai ở nước ta diễn biến ngày càng phức tạp, cực đoan, bất thường. Các vùng, miền trong cả nước đã phải hứng chịu hầu hết các loại hình thiên tai (trừ sóng thần), gây tổn thất nặng nề về người, tài sản.

Trung bình mỗi năm thiên tai cướp đi mạng sống của 466 người, thiệt hại trên 1,5 tỷ USD, ảnh hưởng lớn đến môi trường, đời sống, sản xuất của nhân dân và sự phát triển bền vững của đất nước [2]. Chính vì vậy, cần có những đánh giá hiện trạng, dự báo chính xác để có những giải pháp phù hợp cho ứng phó với BĐKH thích hợp, tránh những tác động tiêu cực, giảm thiệt hại do BĐKH gây ra.

BĐKH là vấn đề có tính toàn cầu, Việt Nam đã cam kết với thế giới cùng nỗ lực giảm thiểu khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính, tận dụng cơ hội này để chúng ta cùng phối hợp giảm thiểu những ảnh hưởng tiêu cực của BĐKH, biến thách thức thành cơ hội do BĐKH gây ra để phát triển kinh tế một cách bền vững.

2. Một số vấn đề về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu trong tăng trưởng kinh tế

Trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế và BĐKH, để tăng trưởng kinh tế theo hướng bền vững thì trong quá trình phát triển, tăng trưởng kinh tế phải gắn với BVMT và ứng phó với BĐKH. Điều này có nghĩa, tăng trưởng kinh tế phải gắn với sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, BVMT và ứng phó với BĐKH.

Bởi vì, tài nguyên thiên nhiên là đầu vào của quá trình sản xuất, trong đó đất đai, nguồn nước là 2 yếu tố quan trọng nhất và không thể thay thế, song lại khan hiếm. Các yếu tố này vừa là tài nguyên, vừa là môi trường để phát triển kinh tế. Mặt khác, theo Báo cáo của Liên Hợp quốc, nguyên nhân của hiện tượng BĐKH hơn 90% là do hoạt động của con người làm gia tăng phát thải khí nhà kính gây ra, trong đó có hoạt động sản xuất – kinh doanh.

Ngược lại, BĐKH với những biểu hiện như nước biển dâng, thời tiết cực đoan, hạn hán khốc liệt,… đã ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế. Trong bối cảnh đó, phát triển kinh tế, một mặt phải gắn với sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, mặt khác, sử dụng các biện pháp thích ứng với BĐKH nhằm giảm nhẹ thiệt hại do BĐKH gây ra. Có thể nhận diện biến đối khí hậu ảnh hưởng tới các ngành kinh tế như sau:

BĐKH đến ngànhNông nghiệp. Ảnh hưởng của BĐKH đến hoạt động sản xuất thấy rõ nhất là đối với ngành Nông nghiệp. Ở Việt Nam, với đặc trưng của khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa Đông Nam Á, trong sản xuất nông nghiệp, lúa là loại cây trồng chủ lực, ảnh hưởng của BĐKH đến sản xuất lúa hàng năm chiếm tỷ trọng lớn nhất, theo tính toán của Tổng cục Thống kê, trung bình cho giai đoạn 2011 – 2019 khoảng 66,1%.

Đối với các loại cây trồng khác như hoa màu, các loại cây ăn quả, cây công nghiệp dài ngày cũng đang bị ảnh hưởng, năng suất cây trồng giảm khoảng 50% do tác động của BĐKH. Ảnh hưởng của BĐKH còn tác động đến chăn nuôi, lâm nghiệp, đa dạng sinh học, cháy rừng, các hệ sinh thái đất ngập nước, nuôi trồng thủy sản. Như vậy, đối với sản xuất nông nghiệp, cần phải có một cách nhìn nhận mới và toàn diện hơn đặt trong bối cảnh hoàn động sản xuất nông nghiệp chịu ảnh hưởng của BĐKH.

– Ảnh hưởng đến ngành Giao thông Vận tải. BĐKH còn ảnh hưởng tới hoạt động giao thông vận tải. Theo nghiên cứu của kịch bản BĐKH, nếu mực nước biển dâng cao 1m, sẽ có khoảng 9% hệ thống đường quốc lộ, 12% hệ thống đường tỉnh lộ, 4% hệ thống đường sắt bị ảnh hưởng, trong đó tập trung nhiều nhất ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, chiếm 28% đường quốc lộ và 27% đường tỉnh lộ của cả nước, tiếp đến là các tỉnh ven biển miền Trung và Đồng bằng sông Hồng [2].

– BĐKH ảnh hưởng đến phát triển đô thị, các khu công nghiệp và nhà ở, mức độ ảnh hưởng tùy thuộc vào từng vùng, từng địa phương và từng vị trí theo địa hình phân bố. Thực tế cho thấy, khu vực ven biển chịu tác động chính của bão, vùng miền núi chịu tác động của lũ quét, lốc xoáy, sạt lở, vùng trung du và đồng bằng chủ yếu là ngập lụt, lốc xoáy, mưa đá.

– BĐKH ảnh hưởng đến du lịch, thương mại và nhiều hoạt động kinh tế khác, dưới các hình thức trực tiếp hay gián tiếp.

– BĐKH cũng tác động đến ngành Công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến những sản phẩm nông nghiệp. Trong trường hợp nhiệt độ tăng sẽ làm tăng tiêu thụ năng lượng, kéo theo nhiều hoạt động khác tăng theo, như: tăng công suất nhà máy phát điện, tăng sử dụng các thiết bị làm mát, ảnh hướng tới an ninh năng lượng quốc gia. Những nghiên cứu theo kịch bản nước biển dâng cho thấy, nếu mực nước biển dâng cao 1m sẽ làm cho hầu hết các khu công nghiệp ven biển bị ngập, mức thấp nhất trên 10% diện tích, mức cao nhất khoảng 67% diện tích.

Bên cạnh những ảnh hưởng tiêu cực, BĐKH cũng có những ảnh hưởng tích cực, chẳng hạn trong sản xuất nông nghiệp đối với lượng mưa, bên cạnh những tác động tiêu cực, cũng sẽ có những vùng có tác động tích cực. Trong sản xuất nông nghiệp, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và mùa vụ do BĐKH cần được phân tích kỹ lưỡng để thấy những mặt tích cực và tiêu cực, lấy hiệu quả kinh tế làm tiêu chí cơ bản để đánh giá.

Trước những đe dọa, thách thức của BĐKH, Việt Nam đã có nhiều biện pháp nhằm tăng trưởng kinh tế gắn với BĐKH, cụ thể:

– Việt Nam tham gia Công ước khung của Liên Hợp quốc về BĐKH (UNFCCC) từ năm 1994. Việt Nam đã tích cực chủ động triển khai nhiều hoạt động ứng phó với BĐKH cũng như thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của một Bên tham gia UNFCCC, Nghị định thư Kyoto và Thỏa thuận Paris về BĐKH, nhằm góp phần tích cực trong việc bảo vệ hệ thống khí hậu Trái đất, cũng như thực hiện nghĩa vụ của một Bên nước đang phát triển tham gia UNFCCC.

– Việt Nam cũng là một trong 20 quốc gia đầu tiên hoàn thành rà soát, cập nhật Báo cáo đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), đồng thời đã điều chỉnh tăng đáng kể mức đóng góp về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với tình hình phát triển kinh tế – xã hội tới năm 2030.

Bằng nguồn lực trong nước, đến năm 2030, Việt Nam sẽ giảm 9% tổng lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường, tương đương 83,9 triệu tấn CO2 và lên tới 27%, tương đương 250,8 triệu tấn CO2 (bằng tổng phát thải quốc gia của Việt Nam năm 2014) khi có hỗ trợ quốc tế thông qua các hợp tác song phương, đa phương và đầu tư của doanh nghiệp. So với bản NDC nộp năm 2015, NDC cập nhật của Việt Nam đã thêm nỗ lực giảm nhẹ phát thải khí nhà kính thêm 2%, phù hợp với mức tăng chung của 75 quốc gia đã nộp NDC cập nhật đến tháng 12/2020 là 2,8%.

– Việt Nam đã ban hành Kế hoạch quốc gia thích ứng với BĐKH giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với mục tiêu chung nhằm giảm thiểu tính dễ bị tổn thương và rủi ro trước những tác động của BĐKH thông qua việc tăng cường khả năng chống chịu, năng lực thích ứng của cộng đồng, các thành phần kinh tế và hệ sinh thái; thúc đẩy việc lồng ghép thích ứng với BĐKH vào hệ thống chiến lược, quy hoạch. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đang xây dựng dự thảo Đề cương chi tiết Chiến lược quốc gia về BĐKH giai đoạn đến năm 2050.

Như vậy, Việt Nam đã thực hiện nhiều kế hoạch, chương trình hành động để thích ứng với BĐKH và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Việt Nam đang thực hiện một loạt hoạt động để thích ứng, coi thích ứng là “vấn đề sống còn”, như: vấn đề Đồng bằng sông Cửu Long, ven biển, phòng, chống thiên tai.

Đó là các hoạt động ứng xử trước mắt với thiên nhiên, còn ứng xử lâu dài với thiên nhiên như nước biển dâng cũng đã có những chương trình hoạt động được triển khai. Bên cạnh đó, giảm phát thải khí nhà kính cũng đã trở thành yêu cầu bắt buộc thực hiện đối với mọi tổ chức, cá nhân sống và làm việc trên lãnh thổ Việt Nam và đã được quy định trong Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi năm 2020.

Điều này cho thấy, Việt Nam là một trong những nước đang phát triển đầu tiên trên thế giới đưa nghĩa vụ thực hiện giảm phát thải khí nhà kính đã cam kết vào hệ thống pháp luật để toàn dân thực hiện. Việt Nam coi giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và ứng phó với BĐKH là trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị.

Việt Nam có thể chế chính trị mạnh, nên sự huy động các bộ, ngành, địa phương tham gia vào nỗ lực chung rất thuận lợi và nhất quán. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về BĐKH, về môi trường, phòng, chống thiên tai từ trước đến nay được thực hiện khá tốt.

Tuy nhiên, Việt Nam cũng còn không ít khó khăn trong nỗ lực thích ứng với BĐKH và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, nhằm tăng trưởng kinh tế bền vững. Với hơn 3.200 km bờ biển, nhiều thành phố có địa hình trũng thấp và các vùng đồng bằng ven sông, Việt Nam là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất trên thế giới trước BĐKH.

Các tác động của BĐKH – chủ yếu là nhiệt độ và mực nước biển dâng cao hơn và biến động lớn hơn – đã và đang làm gián đoạn hoạt động kinh tế và suy yếu tăng trưởng. Các tính toán ban đầu cho thấy, Việt Nam mất khoảng 10 tỷ USD vào năm 2020, tương đương 3,2% GDP do tác động của BĐKH [6].

Do vậy, nếu không có các biện pháp thích ứng và giảm thiểu phù hợp, ước tính BĐKH sẽ khiến Việt Nam mất khoảng 12% đến 14,5% GDP mỗi năm vào năm 2050 và có thể khiến tới 1 triệu người lâm vào tình trạng nghèo vào năm 2030. Để giúp Việt Nam xây dựng chiến lược ứng phó với BĐKH trong tương lai, cần có các giải pháp và phương án cho cả khu vực nhà nước và tư nhân để nâng cao khả năng thích ứng với khí hậu.

Hiện Việt Nam đặt ra mục tiêu đầy tham vọng là đạt mức thu nhập cao vào năm 2045. Theo Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2021 – 2030, kết quả chuyển đổi kinh tế của đất nước sẽ phụ thuộc nhiều vào hiệu quả quản lý nguồn vốn tự nhiên – trữ lượng lớn các nguồn tài nguyên nông nghiệp, rừng và khoáng sản, đã từng giúp thúc đẩy quá trình phát triển tại Việt Nam.

3. Giải pháp gắn tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu trong thời gian tới

Để tăng trưởng kinh tế gắn với bảo vệ môi trường và ứng phó với BĐKH, góp phần đưa kinh tế Việt Nam từng bước phát triển theo hướng bền vững, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

Thứ nhất, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về ứng phó với BĐKH. Thực tế cho thấy, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về ứng phó với BĐKH của Việt Nam hiện chưa đồng bộ, cần được rà soát, điều chỉnh, bổ sung phù hợp với bối cảnh hiện nay. Cần có hướng dẫn tích hợp nội dung BĐKH vào các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của quốc gia và ngành. Cần tăng cường phối hợp giữa các Bộ, ngành và địa phương để giải quyết các vấn đề liên ngành, liên vùng ứng phó với BĐKH.

Thứ hai, tăng cường đầu tư nguồn lực. Nguồn lực quốc gia đầu tư cho thích ứng với BĐKH còn hạn chế. Hiện nay, Nhà nước mới chỉ đáp ứng được khoảng 30% so với nhu cầu thích ứng, trong khi nhu cầu tài chính để xây dựng, nâng cấp các công trình phòng, chống thiên tai, thích ứng với BĐKH rất lớn.

Chi phí cho thích ứng với BĐKH ước tính sẽ vượt quá 3-5% GDP vào năm 2030. Nếu trong giai đoạn 2021 – 2030, Việt Nam thực hiện phương án chi 1,5% GDP cho thích ứng với BĐKH thì bình quân mỗi năm cần huy động vốn ngoài ngân sách vào khoảng 3,5 tỷ USD, hay khoảng 35 tỷ USD cho giai đoạn 2021 – 2030.

Cần có các cơ chế khuyến khích các thành phần kinh tế, trong đó có khu vực doanh nghiệp và tư nhân đầu tư vào các hoạt động thích ứng với BĐKH. Cần có cải cách chính sách bổ trợ trong lĩnh vực tài khóa và tài chính có thể kích thích đầu tư từ cả khu vực công và khu vực tư nhân cho công tác bảo vệ môi trường và ứng phó với BĐKH.

Tập trung đầu tư cho công nghệ, nhất là công nghệ hiện đại phục vụ giám sát BĐKH, quan trắc và dự báo khí tượng thủy văn, cảnh báo sớm thiên tai và hiểm họa; công nghệ phục vụ các giải pháp công trình và phi công trình thích ứng với BĐKH. Tăng cường năng lực lựa chọn và quyết định ưu tiên nguồn lực để thực hiện các hoạt động thích ứng với BĐKH. Đầu tư cơ sở vật chất, hệ thống công trình phòng chống thiên tai, thích ứng với BĐKH.

Ba là, nâng cao năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ, công chức về BĐKH. Năng lực đội ngũ chuyên gia, cán bộ kỹ thuật chuyên sâu ở một số lĩnh vực, đặc biệt ở cấp địa phương về BĐKH và đánh giá hiệu quả các hoạt động thích ứng còn hạn chế.

Cần tiếp tục nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ thích ứng với BĐKH. Nâng cao nhận thức của cán bộ, các chủ thể sản xuất – kinh doanh về bảo vệ môi trường và ứng phó BĐKH.

Trong điều kiện BĐKH, hội nhập kinh tế quốc tế với việc thực hiện các cam kết trong lĩnh vực kinh tế, cần nâng cao nhận thức giúp đội ngũ cán bộ, các chủ thể hiểu rõ tầm quan trọng của gắn tăng trưởng kinh tế với BVMT và ứng phó BĐKH; thấy được trách nhiệm, cách thức để BVMT và ứng phó BĐKH trong sản xuất – kinh doanh.

Vì vậy, cần tuyên truyền các kiến thức về BVMT, BĐKH, hội nhập kinh tế trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nội dung thông tin tuyên truyền cần dễ hiểu, dễ nhớ, cụ thể, thiết thực, sát với thực trạng của từng địa phương và các ngành kinh tế.

Bốn là, nâng cao năng lực ứng phó của các địa phương, ngành kinh tế trước yêu cầu BVMT và ứng phó với BĐKH, cụ thể như:

(1) Lồng ghép BVMT, BĐKH vào chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế của từng địa phương, từng ngành kinh tế,

(2) Nâng cao chất lượng dự báo về BĐKH và tác động của BĐKH đối với phát triển kinh tế của từng địa phương, của ngành,

(3) Quy hoạch phát triển các sản phẩm chủ lực của từng địa phương phải gắn với BVMT, dựa vào kịch bản dự báo BĐKH, vùng sinh thái, gắn với quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội và các cơ sở chế biến,

(4) Tiếp tục tái cơ cấu các ngành kinh tế của từng địa phương phù hợp với xu hướng BĐKH, nhu cầu tiêu dùng của thị trường,

(5) Nâng cao năng lực ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, kinh doanh ở các địa phương,

(6) Hoàn thiện quy hoạch và chính sách khai thác, sử dụng đất đai, nguồn nước của từng địa phương gắn với bảo vệ môi trường và ứng phó BĐKH.

Năm là, thực hiện tăng trưởng kinh tế gắn với BVMT, ứng phó với BĐKH cần phải có trọng tâm, trọng điểm. Do nguồn lực của đất nước còn hạn chế, nên các biện pháp thích ứng cần có trọng tâm, trọng điểm, như: tập trung vào những lĩnh vực và địa điểm dễ bị tổn thương nhất của đất nước, đặc biệt là nông nghiệp, giao thông, thương mại và công nghiệp, các vùng ven biển và Đồng bằng sông Cửu Long.

THS. LÊ THỊ PHƯỢNG
Hội Chữ thập đỏ Việt Nam

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Quốc hội (2013), Luật Phòng, chống thiên tai.
  2. Tổng cục Phòng chống thiên tai (2020), Các báo cáo đánh giá về thiên tai và biến đổi khí hậu.
  3. Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường (2020), Báo cáo số 1654/BC-UBKHCNMT, ngày 28/2/2020 về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống thiên tai giai đoạn từ tháng 5/2014 đến nay.
  4. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (2015). Quản lý thiên tai dựa vào cộng đồng, Tài liệu nghiên cứu.
  5. Nhóm công tác về Biến đổi khí hậu của các tổ chức Phi chính phủ (2015). Sáng kiến thích ứng với Biến đổi khí hậu dựa vào cộng đồng ở Việt Nam.
  6. Ngân hàng Thế giới (2022), Báo cáo quốc gia về Khí hậu và Phát triển cho Việt Nam (CCDR).

Solutions for Vietnam’s sustainable economic growth

Master. Le Thi Phuong

Vietnam Red Cross Society

Abstract:

Besides accelerating the economic growth, Vietnam has gradually promoted the sustainable economic growth with environmental protection and taken responses to climate change. In order to help Vietnam’s economy develop sustainably, it is necessary for Vietnam to find an economic development solution that is associated with environmental protection and climate change adaptation. This paper analyzes the issue of environmental protection and the response to climate change in the economic development, and proposes solutions to support Vietnam’s sustainable economic growth in the coming time.

Keywords: economic growth, environmental protection, response to climate change.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích