Giải pháp phát triển nhà ở xã hội

Nhiều rào cản cần tháo gỡ

Tổng hợp báo cáo từ các địa phương cho thấy, trên cả nước hiện đã quy hoạch 1.316 khu đất với quy mô 8.611ha làm nhà ở xã hội, tăng thêm 5.252ha so với báo cáo năm 2020. Không ít doanh nghiệp muốn tham gia phát triển nhà ở xã hội. Tuy nhiên, họ đang gặp phải nhiều trở ngại về thủ tục pháp lý. Nếu những vướng mắc pháp lý sớm được khắc phục thì mục tiêu của đề án một triệu căn nhà ở xã hội cũng sẽ sớm hiện thực hóa.

Một dự án nhà ở xã hội. Ảnh Trọng Triết

Các vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, gồm: tiếp cận đất đai (quy hoạch bố trí quỹ đất, công khai dự án); nguồn vốn và khả năng tiếp cận tín dụng; thủ tục hành chính (trong đầu tư xây dựng, lựa chọn nhà đầu tư, phê duyệt giá bán nhà)…

Cùng với đó, thời gian triển khai thành công một dự án khá lâu, từ 3-5 năm, dẫn tới không hấp dẫn nhà đầu tư có tiềm lực tài chính, có khả năng triển khai. Thủ tục lựa chọn nhà đầu tư, giải phóng mặt bằng cơ bản giống dự án đầu tư thông thường.

Ngoài ra, còn một số khó khăn khác liên quan điều kiện, đối tượng được mua nhà ở xã hội…

Thống kê từ Bộ Xây dựng, từ năm 2021 đến nay, cả nước có 499 dự án nhà ở xã hội được triển khai, quy mô hơn 411.000 căn hộ, 28 tỉnh đã công bố danh mục 68 dự án đủ điều kiện vay vốn theo Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng với nhu cầu vay vốn hơn 30.000 tỷ đồng.

Hiện tai, đã có 6 dự án nhà ở xã hội tại 5 địa phương được giải ngân với số vốn khoảng 415 tỷ đồng.

Gỡ khó, đẩy mạnh

Trước những khó khăn, rào cản thủ tục pháp lý về nhà ở xã hội, Thủ tướng Chính phủ đã giao các bộ: Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước sớm xây dựng tham mưu trình Chính phủ ban hành các nghị định, văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn liên quan đến việc triển khai các dự án nhà ở xã hội, như: Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Trong đó, tập trung tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trên tinh thần cắt giảm tối đa thủ tục hành chính, tăng cường phân cấp, phân quyền để giảm tối đa thời gian, chi phí thực hiện dự án nhà ở xã hội.

Theo báo cáo từ Ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ giải ngân của chương trình 120.000 tỷ đồng còn thấp là do phần lớn các dự án được công bố mới đang ở giai đoạn hoàn thiện thủ tục, bắt đầu triển khai. Mặt khác, chương trình này được triển khai trong 10 năm (đến năm 2030) nhằm thực hiện đề án xây dựng ít nhất một triệu căn nhà ở xã  hội. Vì vậy, để đẩy mạnh chương trình 120.000 tỷ đồng, cần có sự vào cuộc đồng bộ của hệ thống chính trị, các bộ, ngành, địa phương, quyết liệt đẩy nhanh tiến độ triển khai đề án. Từ đó tạo ra khối lượng hoàn thành công trình, để có thể giải ngân cho vay.  

Hiện, việc triển khai chương trình còn có một số khó khăn, vướng mắc. Nguồn cung nhà ở xã hội còn hạn chế do Ủy ban nhân dân một số tỉnh, thành phố chưa công bố danh mục dự án đủ điều kiện vay vốn chương trình; một số dự án thuộc danh mục được công bố nhưng chủ đầu tư không có nhu cầu vay vốn do đã hoàn thành hoặc đã vay vốn từ các nguồn khác; một số dự án còn gặp vướng mắc về giải phóng mặt bằng, về thủ tục tính tiền sử dụng đất, về chuyển mục đích sử dụng đất… nên chưa đủ điều kiện vay.

Về phía người mua nhà, do nhiều dự án đang thi công phần móng hoặc đang trong giai đoạn lựa chọn nhà đầu tư, chưa khởi công, đang giải phóng mặt bằng… nên chưa đủ điều kiện mở bán sản phẩm. Người mua nhà có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng được điều kiện mua nhà ở xã hội; người mua nhà tại một số dự án đã vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội theo quy định tại Nghị định 100 /2015/NĐ-CP; người dân bị ảnh hưởng do tình hình kinh tế, sản xuất kinh doanh khó khăn, do đó, hiện nay ưu tiên cho việc duy trì nhu cầu cuộc sống, chưa xem xét việc mua nhà trong thời điểm này./.

Nguồn: hoanhap.vn

Bạn cũng có thể thích