Giải pháp nào để hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi và tăng trưởng?
(Xây dựng) – Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) cho biết trước những khó khăn, áp lực bủa vây, các doanh nghiệp đầu tư bất động sản và Hiệp hội Các nhà thầu xây dựng Việt Nam rất mong muốn doanh nghiệp Việt Nam có thể nhanh chóng phục hồi và tăng trưởng.
Doanh nghiệp tại Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn và áp lực bủa vây (ảnh minh họa). |
Doanh nghiệp Việt đang gặp nhiều áp lực
Trước những khó khăn, áp lực ngày càng đè nặng lên các doanh nghiệp Việt Nam kể từ cuối năm 2022 trở đi, tại Diễn đàn Phát triển kinh doanh: Tháo gỡ khó khăn, tạo không gian phát triển mới cho doanh nghiệp diễn ra tại Hà Nội vào ngày 19/7, Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) đã chia sẻ những ý kiến tham luận với mong muốn để hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi và tăng trưởng.
Từ cuối năm 2022, kinh tế Việt Nam đã có dấu hiệu khủng hoảng bắt đầu từ những khó khăn, áp lực ngày càng đè nặng lên các doanh nghiệp Việt Nam. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ trong 5 tháng đầu năm đã có hơn 88.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 22,6% so với cùng kỳ 2022. Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho biết, đến hết tháng 6/2023, hạn mức tín dụng sử dụng mới trên 4,7% bằng đúng % so với cùng kỳ năm trước. Trong khi hạn mức tín dụng cả năm là 14%.
Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, các số liệu nói trên đã cho thấy cả nền kinh tế đang rất khó khăn, dòng tiền không vào được các doanh nghiệp, để đạt được mức tín dụng 14% các ngân hàng sẽ phải xuất ra cho các doanh nghiệp khoảng 1,1 triệu tỷ đồng.
“Trong bối cảnh đó chúng ta phải ghi nhận sự đồng cảm và quyết liệt hỗ trợ của Chính phủ bằng hàng loạt các biện pháp cụ thể, thể hiện qua hàng loạt Nghị định, Nghị quyết, công điện của Thủ tướng Chính phủ để xử lý nhiều vấn đề từ giãn nợ trái phiếu, điều chỉnh lãi suất ngân hàng, định giá đất, giảm thuế, phí và tháo gỡ hàng loạt vấn đề khác cho môi trường kinh doanh…”, ông Hiệp khẳng định.
Toàn cảnh “Diễn đàn Phát triển kinh doanh: Tháo gỡ khó khăn, tạo không gian phát triển mới cho doanh nghiệp”. |
Giải pháp nào để gỡ khó cho các doanh nghiệp?
Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC), việc thúc đẩy, khuyến khích huy động được mọi nguồn lực xã hội vào đầu tư phát triển để tạo công ăn việc làm là một trong những giải pháp quan trọng nhằm tháo gỡ khó khăn, rào cản cho các doanh nghiệp.
Tại Việt Nam, bất động sản có một vai trò cực kỳ quan trọng trong đối với nền kinh tế với tác động dẫn dắt, thúc đây hàng loạt các chuyên ngành khác cùng phát triển, từ thi công xây lắp, sản xuất xi măng, thép, các loại vật liệu xây dựng, các trang thiết bị… Tuy nhiên, theo ông Hiệp, hiện nay bất động sản đang chững lại thậm chí còn gọi là đóng băng, vì vậy các chuyên ngành kinh tế liên quan cũng đều rất khó khăn.
“Hiệp hội Thép thông báo tiêu thụ thép 06 tháng đầu năm giảm 20%, xi măng cũng giảm 10% mặc dù là trong 2-3 năm trở lại đây Chính phủ đã đẩy mạnh hết sức quyết liệt đầu công đặc biệt là các dự án hạ tầng kỹ thuật nên còn kéo lại được sự cân bằng phần nào cho thị trường đồng thời cũng tạo công ăn việc làm cho ngành Xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng. Nhưng chúng ta cũng phải thấy được vấn đề là nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách đang sụt giảm đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản”, ông Hiệp chỉ ra những vấn đề quan ngại.
Ngoài ra, số lượng các dự án triển khai trong 2023 giảm hẳn cả về số lượng và quy mô. Theo số liệu thống kê vốn đầu tư Nhà nước tăng 12,6% trong 06 tháng 2023 nhưng vốn khu vực tư nhân chỉ tăng 2,4% và khu vực FDI chỉ tăng 3,8%. Nếu trừ chỉ số lạm phát 3,2% thì tổng vốn đầu tư toàn xã hội chỉ còn 4,7% chưa bằng 2 cùng kỳ năm trước 9,2%.
Theo đánh giá của các chuyên gia nguyên nhân dẫn đến tình trạng này chủ yếu là pháp lý vướng mắc không giải quyết được do sự thiếu đồng bộ của hệ thống văn bản pháp luật. Sự chồng chéo, xung đột của các luật hiện hành được các chuyên gia và cơ quan truyền thông thậm chí trong diễn đàn Quốc hội đều được phân tích mổ xẻ rất nhiều, nhưng giải pháp nào để khắc phục triệt để căn bệnh này thì dường như vẫn chưa có.
“Chúng tôi cho rằng cần có một cơ quan chuyên trách đủ chuyên sâu của Quốc hội rà soát các văn bản pháp lý trước khi trình Quốc hội để gạt bỏ những chồng chéo xung đột trong các luật, đặc biệt giữa Luật Đất đai và các luật khác đang chuẩn bị sửa mới lại trong dịp này. Ngoài ra, các Ban soạn thảo và các cơ quan chuyên trách của Quốc hội cũng cần lắng nghe một cách thật sự để tiếp thu các đề đạt, kiến nghị, thắc mắc của các Hiệp hội doanh nghiệp cũng như các doanh nghiệp trong quá trình xây dựng luật tránh việc chỉ nghe hình thức…”, ông Hiệp kỳ vọng.
Bên cạnh đó, ông Hiệp mong muốn cần có các chính sách, cơ chế để khuyến khích kích cầu hợp lý cho toàn bộ nền kinh tế. Trước tình trạng nền kinh tế khó khăn, doanh nghiệp khó khăn từ đó thu nhập của người dân cũng có khó khăn nên các chỉ tiêu đều sụt giảm, so sánh cầu tiêu dùng của 06 tháng đầu năm 2023 cũng đều giảm gần 2% so với cùng kỳ năm trước, thanh khoản của thị trường bất động sản cũng sụt giảm mạnh, tỉ lệ hấp thụ rất thấp mặc dù nguồn cung rất hạn chế.
Ông Hiệp đưa ra dẫn chứng, nhiều công ty phải thu hẹp quy mô sản xuất, giãn bớt người, nhiều cửa hàng đóng cửa, đây là một tình trạng xưa nay hiếm gặp là nhiều cửa hàng mặt phố ở các quận trung tâm của các thành phố lớn phải đóng cửa, nhiều toà văn phòng có diện tích bỏ trống.
Doanh nghiệp Việt Nam đang cần được phục hồi và gỡ khó (ảnh minh họa). |
Để khắc phục tình trạng này, Chính phủ đã rất quyết liệt điều hành kiên quyết chỉ đạo hạ lãi suất, các giải pháp khoan sức dân như giảm thuế VAT 2%, giảm phí kiểm định phương tiện cơ giới, tăng lương hưu cho cán bộ nhân viên… đã thể hiện sự cố gắng của Quốc hội, Chính phủ nhưng ông Hiệp cho rằng cần có thêm những biện pháp cụ thể hơn về miễn giảm thuế phí để tăng cầu tiêu dùng mạnh hơn nữa đồng thời lấy lại niềm tin của xã hội và giới đầu tư.
Hiện nay, thị trường bất động sản đang khiến người mua và người bán đều có những băn khoăn ngại ngần như: Lãi suất cho người mua nhà quá cao; Tâm lý của các chủ đầu tư cũng đang phân vân ngần ngại trong tâm trạng chờ đợi các khung pháp lý mới… Theo ông Hiệp, tổng thể trong giai đoạn hiện nay cần việc nới lỏng chính sách tài khóa, kích cầu tiêu dùng đồng thời cố gắng giảm các khoản phí, thuế cho các doanh nghiệp và người dân để tạo tâm lý cho thị trường.
Ngoài ra, theo ông Hiệp, để “gỡ khó” cho các doanh nghiệp, cần tập trung kiểm tra rà soát để tháo bỏ mọi rào cản trong môi trường kinh doanh như cần sớm rà soát lại các quy định chúng ta đang áp dụng ở mọi ngành kinh tế, kiên quyết cắt bỏ các thủ tục hành chính và phải quy định cấp thẩm quyền nào mới được đưa ra các quy định để yêu cầu doanh nghiệp thực hiện.
Nguồn: Báo xây dựng