Giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động công nhận trong đánh giá sự phù hợp tại Việt Nam
Vai trò của hoạt động công nhận tại Việt Nam
Hiện nay, hoạt động công nhận, đánh giá sự phù hợp là một trong những ngành nghề kinh doanh có điều kiện được quy định tại phụ lục 4 của Luật Đầu tư. Để triển khai hoạt động này Chính phủ đã ban hành Nghị định 107/2016/NĐ-CP ngày 01/07/2016 quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đánh giá sự phù hợp và Nghị định 154/2018/NĐ-CP ngày 09/01/2018 về sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Khoa học và Công nghệ và một số quy định về kiểm tra chuyên ngành. Trong đó quy định các tổ chức công nhận phải thực hiện đăng ký lĩnh vực hoạt động công nhận và coi hoạt động này là một loại hình phục vụ quản lý nhà nước.
Sự phát triển của thương mại quốc tế, sự gia tăng trao đổi hàng hóa, dịch vụ giữa các quốc gia, vùng lãnh thổ đã làm cho hoạt động công nhận đối với các phòng thí nghiệm, tổ chức chứng nhận, tổ chức giám định trên phạm vi toàn cầu ngày một phát triển, phục vụ cho việc thừa nhận lẫn nhau kết quả thí nghiệm, chứng nhận và giám định. Hoạt động công nhận đã trở thành công cụ có giá trị thống nhất trong việc khẳng định năng lực và sự tin cậy của các tổ chức đánh giá sự phù hợp. Vai trò của hoạt động công nhận được đề cập trong các Hiệp định: Hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT), Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP); trong những thỏa thuận của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cũng như trong các hiệp định song phương hoặc đa phương cấp quốc gia.
Hoạt động công nhận ở nước ta được triển khai từ năm 1995, có bề dày nhất định và chứng minh sự hội nhập ngày càng sâu với quốc tế. Công nhận đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc đảm bảo và nâng cao chất lượng các hoạt động thử nghiệm, hiệu chuẩn, chứng nhận và giám định, góp phần tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ cho hoạt động thương mại trên thị trường quốc gia cũng như quốc tế. Hoạt động công nhận cũng góp phần quan trọng trong việc hỗ trợ công tác quản lý của nhà nước đối với hoạt động đánh giá sự phù hợp, cũng như bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng, thì việc doanh nghiệp phải tuân thủ luật chơi chung khi làm việc với đối tác nước ngoài là yêu cầu tất yếu. Đến tháng 8/2023, cả nước đã có 3.012 tổ chức đánh giá sự phù hợp, hợp chuẩn được công nhận, trong đó có 2.164 phòng thử nghiệm được công nhận ISO/IEC 17025, 210 phòng hiệu chuẩn được công nhận ISO/IEC 17025, 398 phòng xét nghiệm y tế được công nhận ISO 15189, 82 tổ chức chứng nhận hệ thống quản lý được công nhận ISO/IEC 17021, 65 tổ chức chứng nhận sản phẩm được công nhận ISO/IEC 17065, 95 tổ chức giám định được công nhận ISO/IEC 17020.
Từ những kết quả đạt được, có thể thấy hoạt động công nhận đóng vai trò quan trọng tại Việt Nam, cụ thể:
Thứ nhất, hoạt động công nhận là một trong những cấu phần quan trọng của hạ tầng chất lượng quốc gia. Hiện nay hạ tầng chất lượng quốc gia có 5 cấu phần quan trọng bao gồm tiêu chuẩn hóa, đo lường, công nhận đánh giá sự phù hợp, giám sát kiểm tra và thanh tra. Tại mỗi quốc gia, hạ tầng chất lượng quốc gia đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, cải thiện chất lượng cuộc sống.
Thứ hai, đảm bảo và nâng cao chất lượng các hoạt động thử nghiệm, hiệu chuẩn, chứng nhận và giám định. Đối với các tổ chức đánh sự phù hợp khi được tổ chức bên thứ 3 công nhận, thừa nhận quốc tế khi đánh giá sẽ giúp cơ quan quản lý nhà nước an tâm và sử dụng kết quả công nhận phục vụ quản lý nhà nước, đồng thời kết quả đánh giá giúp đảm bảo các tổ chức và cá nhân tham gia đều có cơ hội cạnh tranh dựa trên chất lượng và hiệu suất.
Thứ ba, hỗ trợ công tác quản lý của nhà nước đối với hoạt động đánh giá sự phù hợp và bảo vệ người tiêu dùng. Hoạt động công nhận cung cấp cơ sở cho công tác quản lý và giám sát của nhà nước, các cơ quan chức năng sử dụng các tiêu chuẩn và quy trình công nhận để đánh giá và kiểm soát các hoạt động đánh giá sự phù hợp và bảo vệ người tiêu dùng.
Hoạt động công nhận là một trong những cấu phần quan trọng của hạ tầng chất lượng quốc gia.
Thứ tư, hoạt động công nhận là nền tảng cho việc thúc đẩy sự thừa nhận lẫn nhau về kết quả đánh giá sự phù hợp giữa các nước trong khu vực và quốc tế. Hiện nay, Việt Nam đã tham gia 16 hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là 3 hiệp định lớn là CPTPP, Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu – Việt Nam (EVFTA), RCEP. Các hiệp định trên đều có một chương về tiêu chuẩn, đo lường, đánh giá sự phù hợp. Thông qua các hiệp định này, tất cả cam kết của Việt Nam trong hoạt động tiêu chuẩn, đo lường, đánh giá sự phù hợp cần triển khai thực hiện hướng tới mục tiêu một chứng chỉ, một lần đánh giá và được thừa nhận mọi nơi.
Đề xuất giải pháp
Trong thời gian tới, để nâng cao hoạt động công nhận trong đánh giá sự phù hợp, Việt Nam cần tập trung thực hiện các giải pháp chính sau:
Một là, sửa đổi bổ sung Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật (TC&QCKT) và Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa (CLSPHH). Hoạt động công nhận và đánh giá sự phù hợp được điều chỉnh bởi 2 luật này. Trước đây, trong quá trình xây dựng Luật TC&QCKT, Việt Nam mới chỉ dừng lại ở hoạt động công nhận và chứng nhận, sau đó Luật CLSPHH đã bổ sung hoạt động đánh giá sự phù hợp. Tuy nhiên sau 15 năm triển khai, 2 hoạt động này vẫn còn nhiều bất cập, điển hình như hoạt động đánh giá sự phù hợp theo quốc tế đã được mở rộng sang các tổ chức đánh giá năng lực con người, kiểm tra xác nhận giá trị sử dụng thay vì bó hẹp trong hoạt động thử nghiệm, chứng nhận giám định như trước đây.
Vì vậy, đối với hoạt động công nhận tại Việt Nam, Văn phòng Công nhận Chất lượng (BoA) cần mở rộng hơn các lĩnh vực và chương trình công nhận để phù hợp với quốc tế. Bên cạnh đó, trong Luật TC&QCKT và CLSPHH, Việt Nam cần quy định rõ hơn nội hàm liên quan đến việc sử dụng kết quả công nhận phục vụ quản lý nhà nước trong hoạt động chỉ định các tổ chức đánh giá sự phù hợp. Ngoài ra, Việt Nam cần chú trọng nội dung thừa nhận kết quả công nhận trong quá trình hội nhập. Đây là nội dung đã có sẵn trong 3 hiệp định mà Việt Nam đã ký kết là CPTPP, EVFTA, RCEP.
Hai là, phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia theo hướng đồng bộ, thống nhất, hội nhập quốc tế. Phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia phải gắn với các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO) cũng khuyến khích các quốc gia đầu tư vào phát triển, triển khai công nghệ trí tuệ nhân tạo và Blockchain trong hạ tầng quốc gia để tối ưu hóa quản lý và vận hành hạ tầng, khuyến khích các doanh nghiệp, cá nhân phát triển các giải pháp mới và ứng dụng trong lĩnh vực này nhằm đáp ứng 17 mục tiêu phát triển bền vững.
Ba là, thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực đánh giá sự phù hợp và đo lường. Để triển khai hoạt động này, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã trình Chính phủ Đề án chuyển đổi số trong ngành tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng. Hiện nay, Vụ Đánh giá hợp chuẩn và hợp quy và Vụ Đo lường thuộc Tổng cục đang xây dựng dữ liệu số và bản đồ số để kết nối với các bộ, ngành, địa phương trong hoạt động đánh giá sự phù hợp.
Trong thời gian tới, toàn bộ hoạt động đăng ký chỉ định của Tổng cục sẽ được đưa lên bản đồ số góp phần đánh giá năng lực của các tổ chức, từ đó sắp xếp thứ tự ưu tiên của các tổ chức như tổ chức được công nhận chưa? Trong thời gian hoạt động tổ chức có bị vi phạm không?… tất cả các tiêu chí đó sẽ được đánh dấu sao để đánh giá năng lực của các tổ chức.
Nguyễn Thị Mai Hương – Vụ trưởng Vụ Đánh giá Hợp chuẩn và Hợp quy