Giải pháp môi trường phát triển bền vững ngành tôm
Tham dự tại hội thảo có: lãnh đạo Cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu và các sở, ngành địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), doanh nghiệp, nhà khoa học và đông đảo người dân nuôi tôm tỉnh Bạc Liêu. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị tại đầu cầu Hà Nội.
Hội thảo được tổ chức nhằm định hướng quy hoạch thủy lợi cho vùng nuôi tôm ĐBSCL, bán đảo Cà Mau nói chung và tỉnh Bạc Liêu. Tại đây, các cơ quan hữu quan, chuyên gia, doanh nghiệp, người nuôi tôm đã thảo luận và đưa ra hiến kế cải thiện môi trường nuôi tôm, đặc biệt là môi trường cho mô hình nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ, thâm canh và bán thâm canh, giúp tỉnh Bạc Liêu nói riêng và ĐBSCL nói chung phát triển bền vững.
Thông tin tại hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều đánh giá, với diện tích hơn 140 nghìn ha, Bạc Liêu là một trong số 3 địa phương có diện tích và sản lượng nuôi tôm đứng đầu cả nước. Sản lượng hàng năm của Bạc Liêu đóng góp từ 20 – 21% tổng sản lượng tôm nuôi của cả nước. Hiện nay, nghề nuôi tôm của tỉnh Bạc Liêu nói riêng và cả nước nói chung ngày một phát triển tăng cả về số lượng và chất lượng, từ đó tạo nên một thách thức lớn về môi trường.
Với những điều kiện khách quan mang lại, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết, môi trường trong nuôi trồng thủy sản được đánh giá là đang xuống cấp nghiêm trọng, ô nhiễm trên diện rộng và trở thành mối đe dọa tiềm ẩn, do đó, hội thảo lần này sẽ góp phần để ngành tôm tại nhiều địa phương phát triển bền vững hơn trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Văn Hữu – Phó phòng Nuôi trồng thủy sản (Cục Thủy sản) cho biết, theo Quyết định 79 của Thủ tướng Chính phủ, mục tiêu đến năm 2025 tổng diện tích nuôi tôm nước lợ đạt 750.000 ha; tổng sản lượng tôm nuôi đạt 1.153.000 tấn; tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm tôm đạt 10 tỷ USD. Thực tế năm 2022, diện tích nuôi tôm nước lợ đạt 737.000 ha (tôm thẻ chân trắng: 115.000 ha; tôm sú 622.000 ha); sản lượng: 745.000 tấn (tôm thẻ chân trắng: 474.000 tấn; tôm sú: 271.000 tấn); nhưng kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 4,3 tỷ USD. Bùn thải, thức ăn, thuốc, hóa chất thừa, nước thải… từ hoạt động nuôi trồng thủy sản; hạ tầng thủy lợi phục vụ cho nuôi trồng thủy sản còn thiếu, chủ yếu vẫn dùng chung với hệ thống thủy lợi phục vụ nông nghiệp… đây là hạn chế và thách thức lớn đối với ngành tôm hiện nay, ảnh hưởng đến giá trị ngành tôm.
Với những chia sẻ của các đại biểu tỉnh Bạc Liêu, nhiều đại biểu đã bày tỏ sự lo lắng trước tình trạng một số hộ nuôi tôm công nghiệp không xử lý nước thải trước khi xả ra môi trường, gây ô nhiễm nguồn nước làm ảnh hưởng đến các hộ nuôi quảng canh; mô hình lúa – tôm đang dần thu hẹp do hệ thống hạ tầng phục vụ nuôi tôm còn hạn chế dẫn đến đất bị nhiễm mặn không thể trồng được lúa… các hộ nuôi tôm công nghệ cao còn rời rạc ở nhiều nơi đã khiến cho ngành chức năng gặp khó trong công tác quản lý.
Phát biểu chỉ đạo tại đầu cầu Hà Nội, Bộ Trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan bày tỏ và chia sẻ những khó khăn cùng người dân và doanh nghiệp do tình hình xuất khẩu tôm gặp nhiều biến động trong những tháng đầu năm 2023. Đồng thời nhấn mạnh:
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cũng đề nghị, các địa phương cần nghiên cứu thành lập Hiệp hội ngành hàng tôm ở ĐBSCL với sự tham gia của 4 nhà (nhà nông, Nhà nước, nhà khoa học và doanh nghiệp) để có thể hỗ trợ, chia sẻ khó khăn, cùng nhau phát triển.
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu