Giải pháp lâu dài cho phòng, chống ngập úng đô thị

Giải pháp lâu dài cho phòng, chống ngập úng đô thị

Hiện các địa phương tại ĐBSCL đang tăng cường các biện pháp chống ngập vùng nội ô, phát triển đô thị bền vững kết hợp chỉnh trang đô thị.

tm-img-alt
Đường Trần Hưng Đạo, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ) ngập sâu trong đợt triều cường đầu tháng 10/2022.(Ảnh: Thanh Liêm/TTXVN)

Tình hình ngập trên địa bàn khu vực đô thị nhiều tỉnh, thành ĐBSCL diễn ra ngày càng nghiêm trọng, gây ảnh hưởng, trở ngại đến hoạt động kinh tế – xã hội, đặc biệt là giao thông, kinh doanh buôn bán, vệ sinh môi trường và bộ mặt cảnh quan đô thị.

Hiện các địa phương đang tăng cường các biện pháp chống ngập vùng nội ô, phát triển đô thị bền vững kết hợp chỉnh trang đô thị.

Ngập lụt đe dọa khu vực đô thị

Theo Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, mùa mưa hằng năm (từ tháng 8 – 11 Âm lịch) tùy theo thời điểm, nhiều khu vực ở Cần Thơ chịu cảnh ngập lụt đầu và giữa tháng với độ sâu phổ biến từ 0,3 – 1m. Tình trạng này không những ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh mua bán, giao thông, mà còn đe dọa tính mạng, sức khỏe con người và ô nhiễm môi trường đô thị.

Thực tế, trong hơn hai thập kỷ qua, TP Cần Thơ có tới 14 năm thủy triều cao trên 2m; trong đó, liên tục 9 năm gần đây cao 2m trở lên, riêng năm 2022 là 2,27m. Đồng thời, xu hướng ngập do triều cường ngày càng tăng do tình hình mưa và sụt lún tăng lên.

Còn tại Cà Mau, theo dự báo của Đài khí tượng thủy văn tỉnh Cà Mau, mùa mưa năm 2024 có lượng mưa cao hơn trung bình các năm trước. Là một trong những điểm “nóng” về tình trạng ngập úng, triều cường, khi mùa mưa bắt đầu vào đợt cao điểm, một số tuyến đường trên địa bàn TP Cà Mau thường xuyên xảy ra tình trạng ngập úng cục bộ. Tại những điểm thấp, trũng, mực nước lên cao, dẫn đến ngập sâu, gây cản trở đi lại và lưu thông của người dân.

Trưởng Phòng Quản lý đô thị TP Cà Mau Nguyễn Trường Giang cho biết: Do hệ thống thoát nước của thành phố Cà Mau đã được đầu tư xây dựng từ lâu, nay bắt đầu xuống cấp, dẫn đến một số điểm bị tắt nước cục bộ. Tình trạng này xảy ra tại hầu hết các tuyến đường trên địa bàn TP Cà Mau, nhất là các tuyến đường Phan Ngọc Hiển, Ngô Quyền, Nguyễn Trãi, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Đình Chiểu, Bùi Thị Trường,…

Tại TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang, hệ thống thoát nước của thành phố chủ yếu là chảy ngập và bán ngập. Vào thời điểm triều cường hoặc mùa lũ của vùng tứ giác Long Xuyên, các miệng xả đều nằm sâu dưới mực nước dẫn tới việc thoát nước rất chậm. Địa bàn TP Rạch Giá thường xảy ra ba dạng ngập úng chính, đó là ngập úng cục bộ do mưa lớn, ngập úng do mực nước triều cao và ngập úng do mưa lớn kết hợp triều cao.

Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành cho hay những năm gần đây, khi xảy ra mưa lớn và kéo dài, lượng mưa trung bình từ 50-80mm và từ 30 phút trở lên, xảy ra ngập cục bộ tại một số khu vực thuộc hai TP Rạch Giá và Phú Quốc.

tm-img-alt

Theo các chuyên gia, nguyên nhân khách quan gây ngập cục bộ là do hệ thống hạ tầng thoát nước chưa đồng bộ, cũ, xuống cấp; thời tiết, thiên tai, BĐKH. Nguyên nhân chủ quan chủ yếu là do quản lý nhà nước ở địa phương còn hạn chế, nhất là trong công tác quản lý đô thị, vệ sinh môi trường, nạo vét, khơi thông cống rãnh trước mùa mưa; quản lý quy hoạch và đầu tư hạ tầng thiếu đồng bộ, chưa theo kịp sự phát triển. Ý thức của một bộ phận người dân chưa cao, bỏ rác không đúng nơi quy định làm bít miệng thu nước, hố ga; lấn chiếm thu hẹp bờ kênh, rạch thoát nước, gây cản trở dòng chảy,…

Nhiều giải pháp chống ngập

Theo Phó Viện trưởng Viện Khoa học thủy lợi miền Nam Nguyễn Nghĩa Hùng, để giảm ngập trên diện rộng cho TP Cần Thơ, kết hợp bổ sung nước cho vùng Kiên Giang và Hậu Giang mùa khô, cần thiết đầu tư thêm các cống âu thuyền trên các tuyến kênh trục nối với sông Hậu. Bởi xây dựng được các cống kiểm soát triều dọc sông Hậu và sông Cần Thơ sẽ giúp giảm ngập vùng nội ô TP Cần Thơ do triều và lũ, đồng thời phát huy tác dụng dự trữ nước ngọt. Để giải quyết hết ngập kể cả do mưa, cần hoàn thiện tuyến đê bao dọc theo sông Cần Thơ, hệ thống cống thoát nước, trạm bơm tiêu mưa… trên địa bàn TP Cần Thơ.

TP Cần Thơ cũng đề xuất dự án “Chống ngập, chống sạt lở, tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, kết hợp chỉnh trang đô thị.” Theo đó, dự án sơ bộ có tổng mức đầu tư hơn 4.500 tỷ đồng, được thực hiện trên địa bàn hai quận Ninh Kiều và Bình Thủy. Thời gian triển khai dự án trong giai đoạn 2024 – 2030, nguồn vốn được đề xuất từ ngân sách Trung ương.

Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ Nguyễn Văn Sử cho biết, dự án là chống ngập vùng nội ô thành phố gần 2.800ha, gồm các hạng mục chính: xây dựng bờ kè với tổng chiều dài gần 9km dọc các sông, kênh; xây dựng một cống kết hợp âu thuyền và trạm bơm, 11 cống kiểm soát, 8 cống hộp ngăn triều; nâng cấp các tuyến đường dọc bờ kè…

Tại TP Cà Mau, Cà Mau ưu tiên đầu tư vốn nâng cao các tuyến đường, cải tạo, vệ sinh hệ thống mương cống thoát nước theo các tuyến đường thường xuyên bị ngập do triều cường, tránh ảnh hưởng đi lại và sinh hoạt của người dân.

Theo Trưởng Phòng Quản lý đô thị TP Cà Mau Nguyễn Trường Giang, kinh phí nâng cấp các tuyến đường, hệ thống mương cống thoát nước hàng năm là rất lớn. Đây cũng là khó khăn trong việc phòng, chống ngập úng của thành phố Cà Mau. Vì vậy, để có giải pháp lâu dài trong thời gian tới, thành phố tiếp tục ưu tiên, bố trí nguồn lực, tranh thủ các nguồn hỗ trợ khác để đầu tư đồng bộ các tuyến đường, xử lý dứt điểm các điểm ngập còn lại.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thanh Nhàn yêu cầu UBND thành phố Rạch Giá tăng cường công tác quản lý hệ thống thoát nước và cho kiểm tra ngay các hệ thống điện, hố ga và nạo vét các tuyến cống, trong đó ưu tiên các tuyến cống chính thoát nước.

Đồng thời, giao Sở GTVT phối hợp với UBND TP Rạch Giá nghiên cứu cải tạo hệ thống thoát nước tuyến đường Nguyễn Trung Trực và đường 3/2, gắn với cải tạo mở rộng, nâng cấp mặt lộ để tăng lưu lượng giao thông phục vụ cho việc đi lại trong thời gian tới; tuyến đường Tôn Đức Thắng sẽ triển khai thực hiện trong giai đoạn 2026 – 2030.

Bên cạnh đó, hiện một số khu vực hạ lưu cống Cái Lớn – Cái Bé bị trũng, thấp, thường xuyên bị ngập khi triều cường dâng cao, ảnh hưởng đến sinh hoạt và sản xuất của người dân.

Nhận định mức độ ngập có thể gia tăng hơn trong trường hợp vận hành đóng cống, kết hợp triều cường, UBND tỉnh Kiên Giang đã bố trí kinh phí khoảng 70 tỷ đồng để nâng cấp tuyến đê ven sông ở hạ lưu cống Cái Lớn, Cái Bé nhằm sớm giảm thiểu tình trạng ngập úng cục bộ trong khu vực này…

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích