Giải pháp kinh tế tuần hoàn trong quản lý rác thải nhựa
Giải pháp kinh tế tuần hoàn trong quản lý rác thải nhựa
Phát triển giải pháp kinh tế tuần hoàn trong quản lý rác thải nhựa không chỉ giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường mà còn góp phần bảo tồn tài nguyên tự nhiên được khai thác, sử dụng phục vụ quá trình tái chế, tái sử dụng chất thải này.
Thống kê của Hiệp hội Nhựa Việt Nam cho thấy, lượng chất thải nhựa và túi nilon ở Việt Nam hiện nay chiếm khoảng 8% – 12% chất thải rắn sinh hoạt, nhưng chỉ có khoảng 11% – 12% số lượng chất thải nhựa, túi nilon được xử lý, tái chế, số còn lại chủ yếu là chôn lấp, đốt và thải ra ngoài môi trường.
Còn theo báo cáo hiện trạng chất thải nhựa năm 2022, tổng khối lượng chất thải nhựa phát sinh là 2,9 triệu tấn (gồm 1,6 triệu tấn ở đô thị và 1,3 triệu tấn ở nông thôn). Tổng lượng rác thải nhựa được thu gom là 2,4 triệu tấn (1,55 triệu tấn ở đô thị và 0,85 triệu tấn ở nông thôn). Tuy nhiên, chỉ có 0,9 triệu tấn rác thải nhựa được phân loại cho tái chế và 0,77 triệu tấn rác được tái chế. Tổng thất thoát chất thải nhựa vào môi trường là 0,42 triệu tấn, thất thoát ra môi trường nước khoảng 0,07 triệu tấn.
Ngành công nghiệp tái chế ra đời được xem là giải pháp hữu hiệu để giảm thiểu tình trạng rác thải ra ngoài môi trường. Đây còn là một bước đột phá mở ra triển vọng mới cho ngành công nghiệp sạch, khi mà ở thời điểm hiện tại các biện pháp để thay thế các sản phẩm từ nhựa dùng một lần chưa thật sự khả quan và nhu cầu của người tiêu dùng ngày càng tăng cao.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, ô nhiễm nhựa đã trở thành một trong những vấn đề môi trường rất nghiêm trọng trên phạm vi toàn cầu cũng như ở Việt Nam, đặt ra yêu cầu cấp bách cần tìm kiếm các giải pháp toàn diện và tổng thể để giải quyết thách thức nghiêm trọng này hướng tới mục tiêu vì một tương lai bền vững cho nhân loại. Kinh tế tuần hoàn được coi là một trong những giải pháp để giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa bằng cách giữ lại những giá trị của nhựa trong nền kinh tế, giảm rò rỉ nhựa ra môi trường.
Kinh tế tuần hoàn thúc đẩy các mô hình tái sử dụng một cách sáng tạo: thiết kế sản phẩm theo hướng giữ lại giá trị cao nhất trong quá trình tái chế nhựa; xử lý hiệu quả hàm lượng hóa chất trong nhựa nhằm thúc đẩy tái sử dụng, tái chế an toàn nhựa; phát triển các giải pháp quản lý chất thải an toàn, bền vững.
Để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn nhựa cần có sự đồng thuận và tham gia của tất cả các bên liên quan bao gồm nhà cung cấp vật liệu nhựa, nhà sản xuất bao bì, các doanh nghiệp xử lý và tái chế chất thải nhựa và cộng đồng dân cư. Đồng thời, cần có cách tiếp cận tổng thể và toàn diện từ toàn cầu đến quốc gia, bao gồm cơ chế hợp tác chung giữa các quốc gia đến cơ chế, chính sách ưu đãi phù hợp về giải quyết ô nhiễm nhựa. Ngoài ra, cần phát triển hạ tầng kỹ thuật, công nghệ và thiết kế sản phẩm phù hợp phục vụ cho hệ sinh thái thu gom, tái chế sản phẩm nhựa nhằm tạo cơ sở cho các doanh nghiệp, khối tư nhân sẵn sàng đầu tư với tầm nhìn dài hạn.
Với số liệu thống kê nêu ra một số khó khăn, thách thức liên quan đến các quy định về chính sách (quy định về EPR, thuế đối với các sản phẩm nhựa còn thấp, chưa thực hiện đồng bộ,…), chưa có nguồn lực chuyên trách về quản lý chất thải nhựa ở các địa phương. Từ đó, đề ra các giải pháp như hoàn thiện cơ chế, chính sách để thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn và trung hòa nhựa; nâng cao nhận thức và trách nhiệm cộng đồng; phát triển, chuyển giao các giải pháp khoa học công nghệ để nâng cao khả năng tái chế, tái sử dụng và giảm phát thải chất thải nhựa; tăng cường trao đổi, hợp tác với các quốc gia trên thế giới, các tổ chức quốc tế và các tổ chức phi chính phủ.
Trong đó, một số giải pháp cần ưu tiên thực hiện gồm: Giảm sử dụng túi ni-lông và sản phẩm nhựa dùng một lần; thu gom, phân loại và tái chế chất thải nhựa; tuyên truyền, chuyển đổi nhận thức sử dụng các sản phẩm nhựa; xây dựng quy định kỹ thuật về đánh giá khối lượng chất thải nhựa phát sinh; điều tra thành phần chất thải nhựa trong chất thải rắn sinh hoạt tại các địa phương.
Ở Việt Nam, theo lộ trình các doanh nghiệp lớn sẽ phải thực hiện trách nhiệm của nhà sản xuất (EPR), được thiết kế dựa trên nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền. Nhà sản xuất có trách nhiệm quản lý các sản phẩm sau khi chúng trở thành rác thải, bao gồm việc thu gom, xử lý (vận chuyển, phân loại, tháo dỡ, làm sạch…), tái sử dụng, thu hồi (bao gồm tái chế và thu hồi năng lượng), tiêu hủy rác thải, thay vì chỉ có vai trò sản xuất đơn thuần.
Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách để giải quyết ô nhiễm nhựa, đồng thời phát động phong trào phòng, chống rác thải nhựa ở các cơ quan, đoàn thể, cộng đồng dân cư. Một trong những nỗ lực đó chính là việc thành lập Chương trình đối tác hành động Quốc gia về Nhựa (NPAP).
Với mục tiêu tập hợp, kết nối và quy tụ các chủ thể thuộc Nhà nước, tư nhân và xã hội cùng gắn kết theo một cách tiếp cận chung nhằm giải quyết vấn đề chất thải nhựa ô nhiễm nhựa và chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn bền vững đối với ngành nhựa. Chương trình đối tác hành động Quốc gia về nhựa kể từ khi chính thức ra mắt đến nay đã và đang nỗ lực trong các hoạt động hợp tác hướng đến các mục tiêu chung.
Là thị trường đông dân gần cán mốc 100 triệu dân, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa nhanh của một đất nước đang trên đường phát triển đã tạo ra hệ quả là quá nhiều rác thải nhựa dùng một lần. Tỷ lệ tái chế khoảng 10% đã gây ra áp lực rất lớn cho môi trường. Ông Hoàng Quốc Vượng – Chủ tịch Chi hội nhựa tái sinh, Hiệp hội nhựa Việt Nam cho rằng tái chế nhựa đang là công việc có nhiều tiềm năng để phát triển.
“Nếu có chính sách thông minh cho ngành, thị trường ổn định sẽ tạo ra sự bền vững cho thị trường này chứ không bấp bênh như hiện nay” – ông Vượng nói.
Ở nước ta, một trong những thách thức lớn nhất là thiếu hạ tầng và công nghệ. Việc thu gom, phân loại và xử lý nhựa đang gặp nhiều khó khăn do thiếu các trung tâm tái chế và thiếu công nghệ hiện đại. Điều này dẫn đến nhiều nhựa vẫn được đưa vào các bãi rác và đất trống, gây ô nhiễm môi trường và mất cơ hội tái chế. Để giải quyết vấn đề này, ông Vượng cho rằng cần đầu tư vào hạ tầng và công nghệ, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào ngành tái chế nhựa.
Việc tái chế nhựa ở nước ta phần lớn phụ thuộc vào nhưng người thu mua đồng nát, phế liệu. Đây là nguồn đầu vào bấp bênh, rẻ và chất lượng rác cũng thấp. Đó là lý do chất lượng hạt nhựa khó cạnh tranh và ngành tái chế 40 năm của nước ta vẫn như một đứa trẻ – ông Vượng nói.
Theo thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân, có ba giải pháp can thiệp chính cần được Việt Nam thực hiện để đạt mục tiêu quốc gia giảm thiểu rác thải nhựa đại dương 50% vào năm 2025 và 75% vào năm 2030, bao gồm tập trung giảm thiểu và thay thế nhựa, mở rộng năng lực tái chế mang lại hiệu quả kinh tế và mở rộng khu vực thu gom, xử lý an toàn chất thải rắn sinh hoạt cũng như ngừng xả rác bừa bãi.
Giải quyết ô nhiễm nhựa sẽ là một quá trình lâu dài, cần huy động sự tham gia hiệu quả hơn nữa của toàn xã hội, cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế nhằm quản lý, xử lý chất thải nhựa, biến thách thức nhựa thành cơ hội trên cơ sở phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức ứng dụng công nghệ cao, qua đó đóng góp vào nỗ lực chung toàn cầu.
Việt Nam đặt ra các mục tiêu khí hậu đầy tham vọng. Tại Hội nghị Thượng đỉnh về khí hậu COP26 ở Glasgow tháng 11 năm 2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã cam kết Việt Nam đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Cam kết này cũng đã được tái khẳng định trong cập nhật “Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC)” của Việt Nam tại COP27 2022. Với cam kết này, Việt Nam đang ở vị thế sẵn sàng để thực hiện các bước tiến quan trọng trong quá trình chuyển đổi xanh.
Ngoài ra, với chiến lược tăng trưởng xanh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam cũng đặt mục tiêu hướng tới một nền kinh tế xanh và bền vững thông qua thúc đẩy công nghệ xanh, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính. Chiến lược này cũng chú trọng tới quản lý chất thải và giảm thiểu ô nhiễm nhựa. Áp dụng những công nghệ hiện đại và giải pháp sáng tạo, Việt Nam còn có thể trở thành quốc gia dẫn đầu khu vực về phát triển bền vững.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị