Giải pháp khắc phục tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ”
Học nghề, dễ có việc
Có mặt tại buổi tọa đàm, em Vũ Thu Hường – sinh viên K15, lớp Cơ điện tử, khoa Cơ khí, Trường Cao đẳng công nghệ cao Hà Nội cho biết, với số điểm 39,5 trong kỳ thi vào trung học phổ thông (THPT) vừa qua, em có rất nhiều cơ hội vào học tại các trường THPT công lập tại huyện Thạch Thất, Hà Nội.
Tuy nhiên, Hường đã chọn học nghề 9+ tại Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội. Chia sẻ lý do chọn học nghề, Vũ Thu Hường bày tỏ, hiện nay, xu hướng tuyển dụng của doanh nghiệp đã thay đổi, theo đó, thay vì ưu tiên bằng cấp thì yếu tố kỹ năng mềm, năng suất đặt lên hàng đầu khi tuyển dụng.
Chính vì vậy, em chọn học nghề để trong thời gian ngắn nhất có thể học được nhiều kỹ năng nhất. Hường cũng cho rằng, đây là con đường ngắn nhất để tiếp cận thị trường lao động.
Giờ thực hành của sinh viên Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội. |
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Phan Quyết Long – Giám đốc Công ty TNHH Xây lắp chế tạo và cung cấp thiết bị công nghiệp Thành Long cho biết, tiêu chí lựa chọn lao động của công ty dựa trên các khả năng đáp ứng cơ bản của sinh viên mới ra trường, nhất là kỹ năng mềm trong nhà máy.
Ngoài ra, để đảm bảo chất lượng sản phẩm, công ty sử dụng 100% lao động đã qua đào tạo. Hiện công ty đang có một số dự án phát triển mới cho năm 2025, nên trong thời gian tới, dự tính cần số lượng lao động chất lượng cao trên 500 người.
Theo ông Long, để thu hút lực lượng lao động chất lượng cao, công ty không nhất thiết lấy xuất phát điểm là các kỹ sư, mà vẫn có thể sử dụng nguồn lao động trung cấp kỹ thuật, miễn đáp ứng được yêu cầu. Để chủ động nguồn lao động này, ông Long cho hay, đơn vị đã phối hợp với một số cơ sở đào tạo nghề đồng hành với sinh viên từ những ngày đầu, đến khi tốt nghiệp.
Theo đó, doanh nghiệp sẽ cùng nhà trường đào tạo thực hành 2 năm trong nhà máy, tham gia vào tất cả các chuỗi hoạt động. Ngoài ra, sinh viên được thực tập, nâng cao trình độ bởi các chuyên gia tại công ty và được hưởng lương trong quá trình thực tập. Sau tốt nghiệp, sinh viên có thể được nhận vào làm việc ngay.
Về phía cơ sở đào tạo nghề, Tiến sĩ Phạm Xuân Khánh – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội cho biết, hiện nay chất lượng đào tạo của các trường cao đẳng, trung cấp thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp đã được nâng cao. Nhiều trường đã được kiểm định trong nước và quốc tế, được doanh nghiệp đánh giá tốt.
Do đó, một tỷ lệ lớn sinh viên các trường cao đẳng, trung cấp sau khi tốt nghiệp, đã có việc làm ngay theo đúng ngành nghề đào tạo. “Thu nhập của sinh viên sau tốt nghiệp từ trường nghề “không thấp”, đặc biệt là những em có tay nghề trong những ngành “khát” nhân lực, như công nghệ thông tin, tự động hóa, cơ điện tử…”, Tiến sĩ Phạm Xuân Khánh cho hay.
Nâng chất lượng đào tạo để thu hút học nghề
Mặc dù xu hướng học và làm nghề đang có những chuyển biến tích cực, tuy nhiên, ghi nhận từ thực tiễn cho thấy, tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ” vẫn là thách thức của thị trường lao động. Tiến sĩ Phạm Xuân Khánh chia sẻ thông tin, thống kê của Tổng cục Thống kê cho thấy, năm 2023 số doanh nghiệp phá sản nhiều hơn số thành lập. Điều này khiến số lao động thất nghiệp tăng cao. Cao nhất là số thất nghiệp có trình độ cao đẳng, đại học, số này chiếm tỷ lệ cao hơn so với lao động học nghề, lao động phổ thông.
Hiện nay, nhiều em thi tốt nghiệp trung học phổ thông cần đạt 14 -15 điểm là đã đậu đại học. Mỗi năm có 600.000 – 700.000 học sinh vào đại học. “Câu hỏi đặt ra là liệu nền kinh tế của nhà nước có thể tạo ra được từng ấy việc làm cho từng ấy cử nhân không. Đây chính là nguyên do khiến cho nhiều cử nhân tốt nghiệp đại học nhưng giấu bằng đi làm công nhân”, ông Khánh nói.
Ở góc độ quản lý, ông Lê Minh Thảo – Trưởng phòng Giáo dục nghề nghiệp (Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội) cho biết, hiện nay chất lượng giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố đã được nâng cấp, nhiều năm liền Thủ đô luôn dẫn đầu cả nước về chỉ số đào tạo lao động. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt được, công tác đào tạo nghề trên địa bàn Thủ đô cũng đối mặt với nhiều khó khăn. “Hà Nội có ít trường được đầu tư đồng bộ, hiện đại, trong khi đó xu hướng đào tạo nhân lực cần tiệm cận với phương pháp, máy móc hiện đại tầm quốc tế”, ông Thảo nói.
Để thu hút học sinh học nghề, góp phần khắc phục tình trạng “thừa thầy thiếu thợ”, ông Lê Minh Thảo cho rằng, cần có nhiều giải pháp đồng bộ. Trong đó, các trường phải phấn đấu trở thành sự “lựa chọn tin cậy” của thí sinh và phụ huynh thông qua việc tập trung nâng cao chất lượng đào tạo, theo hướng bám sát nhu cầu của thị trường lao động trong và ngoài nước. Đặc biệt, cần thực hiện tốt phương châm “gắn nhà trường với doanh nghiệp”, nâng cao tính thực tiễn trong quá trình đào tạo; tăng cường kết nối với các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động để gia tăng cơ hội việc làm cho người học sau khi tốt nghiệp…
Từ thực tiễn đơn vị đào tạo, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội Phạm Xuân Khánh cho biết, bằng việc xây dựng mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với hơn 400 doanh nghiệp trong và ngoài nước, nhà trường đã giải quyết hiệu quả mục tiêu kép, đó là nâng cao chất lượng đào tạo và đảm bảo việc làm sau tốt nghiệp cho sinh viên.
“Nguồn lực từ việc hợp tác với doanh nghiệp không chỉ giúp sinh viên có thêm địa điểm thực hành, thực tập và giải quyết việc làm sau tốt nghiệp, mà còn hỗ trợ nhà trường trong đào tạo bồi dưỡng giáo viên; phát triển chương trình, giáo trình, cơ sở vật chất; hợp tác về nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ; liên kết đào tạo, công nhận văn bằng, chứng chỉ… đóng góp hiệu quả vào chất lượng đào tạo. Đây là yếu tố quan trọng để thu hút học sinh học nghề”, Tiến sĩ Phạm Xuân Khánh nhấn mạnh.
Phạm Diệp
Nguồn: Báo lao động thủ đô