Giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với đại dịch
1. Đặt vấn đề
Đợt dịch Covid-19 thứ 4 bùng phát tại Việt Nam khiến cả xã hội và nền kinh tế đều chịu ảnh hưởng. Trong 6 tháng đầu năm 2021, tốc độ tăng trưởng GDP của nước ta chỉ đạt 5,64%, thấp hơn mục tiêu đề ra. Mặc dù đã được cải thiện đáng kể so với cùng kỳ năm 2020 (1,82%), nhưng vẫn chưa hồi phục được tốc độ tăng như cùng kỳ các năm 2018 và 2019 (7,05% và 6,77%). Thu hút vốn đầu tư phát triển của khu vực ngoài nhà nước và khu vực FDI đạt thấp. Đầu tư của khu vực ngoài nhà nước năm 2020 chỉ tăng 3,1%, 6 tháng đầu năm 2021 chỉ tăng 7,4% so với cùng kỳ. Tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam năm 2020 giảm 25% so với năm 2019, trong 6 tháng đầu năm 2021 giảm 2,6%. Tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm tăng. Trong quý II/2021, tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ thiếu việc làm của lao động lần lượt là 2,4% và 2,6%, đều tăng so với quý I/2021 (2,19% và 2,2%). Đối tượng chịu ảnh hưởng không nhỏ chính là các doanh nghiệp. Theo Báo cáo tình hình kinh tế – xã hội 9 tháng đầu năm của Tổng cục Thống kê, trong tháng 9/2021, cả nước có 3.899 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 62,4 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký là 49,9 nghìn lao động, giảm 32,3% về số doanh nghiệp, giảm 8,1% về vốn đăng ký và tăng 15% về số lao động so với tháng 8/2021; so với cùng kỳ năm 2020, giảm 62,2% về số doanh nghiệp, giảm 69,3% về số vốn đăng ký và giảm 39,9% về số lao động. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong tháng đạt 16 tỷ đồng, tăng 35,7% so với tháng trước và giảm 18,8% so với cùng kỳ năm 2020. Trong tháng 8, cả nước còn có 3.317 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 14,2% so với tháng trước và giảm 27,4% so với cùng kỳ năm 2020.
Tính chung 9 tháng năm 2021, cả nước có 85,5 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 1.195,8 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 648,8 nghìn lao động, giảm 13,6% về số doanh nghiệp, giảm 16,3% về vốn đăng ký và giảm 16,6% về số lao động so với cùng kỳ năm trước. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong 9 tháng đạt 14 tỷ đồng, giảm 3,1% so với cùng kỳ năm trước. Nếu tính cả 1.677,2 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 32 nghìn doanh nghiệp thay đổi tăng vốn, thì tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 9 tháng năm nay là 2.873 nghìn tỷ đồng, giảm 20,2% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, còn có 32,3 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 6,6% so với 9 tháng năm 2020, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 9 tháng lên 117,8 nghìn doanh nghiệp, giảm 11,8% so với cùng kỳ năm trước.
Cũng trong tháng 9, có 2.240 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, giảm 28,2% so với tháng trước và giảm 31,5% so với cùng kỳ năm 2020; có 2.509 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 0,1% và giảm 38,8%; có 606 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 25,4% và giảm 65,1%.
Tính chung 9 tháng, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 45,1 nghìn doanh nghiệp, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm trước; 32,4 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 17,4%; 12,8 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 5,9%. Bình quân một tháng, có 10 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Những con số trên đã cho thấy tình hình sức khỏe của doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch và những áp lực rất lớn cho những doanh nghiệp còn tồn tại sau đại dịch.
2. Ảnh hưởng của dịch COVID-19 đến hoạt động sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp
Thứ nhất, chuỗi cung ứng và chuỗi sản xuất bị đứt gãy khiến doanh nghiệp không cung ứng được cho khách hàng nước ngoài. Khách hàng sẽ chuyển qua mua ở thị trường khác khiến doanh nghiệp bị mất đi các đối tác lớn. Theo Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh, có 96% doanh nghiệp gặp ít nhất một trong các vấn đề liên quan đến chuỗi giá trị như khó tiếp cận khách hàng, mất cân đối dòng tiền hay đứt gãy chuỗi cung ứng. Một số ngành dịch vụ bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình hoạt động kinh doanh do Covid-19 như du lịch, lưu trú, hàng không, vận tải,… Một số doanh nghiệp không phát sinh doanh thu trong khi đó vẫn phải chi trả các khoản chi phí cố định (chi phí thuê địa điểm, trả lương để giữ chân người lao động, khấu hao máy móc, thiết bị,…). Nhóm các cơ sở sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ thuộc loại hình doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ kinh doanh với năng lực tài chính yếu, tổ chức sản xuất còn nhiều hạn chế là đối tượng chịu tác động lớn trong tất cả các khâu từ tiêu thụ sản phẩm, doanh thu, lao động, chi phí, nguyên liệu sản xuất đầu vào. Ở lĩnh vực vận tải, logistic, nhu cầu vận chuyển hành khách và hàng hóa sụt giảm lần lượt là 30% và 10% so với trước khi có dịch, trong khi đó, các thủ tục để vận chuyển hành khách và hàng hóa tăng lên dẫn đến các chi phí phát sinh cũng tăng lên. Hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh cũng chỉ đạt 47% so với cùng kỳ năm trước.
Thứ hai, doanh nghiệp phải đối diện khó khăn nội tại đó là không có tiền để duy trì hoạt động sản xuất. Thống kê có tới 46% doanh nghiệp chỉ còn tiền để sản xuất trong 1 tới 3 tháng tới. Trong khi đó, các gói hỗ trợ tài khóa, gói chính sách tiền tệ, tín dụng, gói hỗ trợ an sinh thì nhiều doanh nghiệp chưa tiếp cận được. Cụ thể, tại nhiều tỉnh, thành phố, doanh nghiệp phản ánh chưa nhận được hỗ trợ khi đề nghị chậm nộp thuế do nguồn tiền bị gián đoạn. Đối với các gói hỗ trợ, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa nhận được hỗ trợ từ Nghị quyết 68 NQ/CP của năm ngoái. Các chính sách hỗ trợ về giảm lãi suất chỉ ở mức 0,5% – 1% là quá ít đối với doanh nghiệp. Điều này khiến cho một loạt doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động. Đối với các doanh nghiệp còn hoạt động, chi phí tăng, doanh nghiệp khó khăn hơn, nhưng xét trên tổng thể bình diện của khối doanh nghiệp, có một số doanh nghiệp chấp nhận chi phí tăng cao để tiếp tục hoạt động và lợi nhuận cũng tăng thêm. Cũng có các trường hợp doanh nghiệp phải hoạt động do e ngại bồi thường đơn hàng,…
Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn gặp khó khăn về nguồn cung, chi phí sản xuất tăng cao, chủ yếu do giá một số nguyên vật liệu đầu vào tăng cao. Phát sinh nhiều chi phí cho công tác phòng chống dịch bệnh: Chi phí xét nghiệm COVID-19, phun khử khuẩn khi thực hiện giao hàng hóa tại các tỉnh, thành khác và công tác triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người lao động tại các doanh nghiệp. Ngoài ra, việc bị động và chậm trễ trong nhận thông báo về các trường hợp dương tính khiến doanh nghiệp bị phong tỏa đột ngột gây ảnh hưởng đến quá trình sản xuất, các đơn hàng cần giải quyết, công việc của công nhân viên… gây tổn thất cho rất lớn cho doanh nghiệp.
Thứ tư, nguồn lao động của doanh nghiệp gặp khủng hoảng. Trong thời gian dịch bùng phát, công nhân làm việc bị giảm năng suất do tinh thần không ổn định, căng thẳng, áp lực, đảm nhận công việc ở vị trí khác (do thiếu hụt lao động),… Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cứ khoảng 10 doanh nghiệp thì có xấp xỉ 9 doanh nghiệp cho người lao động thôi việc do hoạt động sản xuất – kinh doanh kém hiệu quả. Như vậy, trung bình có 90% doanh nghiệp đã giảm quy mô lao động. Tình trạng này tương đối giống nhau ở tất cả các nhóm quy mô doanh nghiệp, trong đó khoảng 92% doanh nghiệp quy mô lớn báo cáo tình trạng cho thôi việc người lao động. Giá trị này ở các nhóm quy mô vừa, nhỏ và siêu nhỏ lần lượt là 81%, 94% và 90%.
Tình trạng người lao động mất việc làm diễn ra phổ biến nhất ở các ngành dịch vụ. Trên 97% doanh nghiệp ở các ngành giáo dục và đào tạo, hoạt động hành chính và dịch vụ, và dịch vụ lưu trú và ăn uống trả lời khảo sát đã phải giảm số lao động trong thời gian dịch bệnh. Đặc biệt, tình trạng người lao động mất việc làm do ảnh hưởng từ dịch bệnh phổ biến nhất ở các tỉnh Đông Nam bộ, Đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh duyên hải miền Trung với lần lượt 95%, 93% và 92% doanh nghiệp đang hoạt động ở các vùng này báo cáo việc cho người lao động thôi việc. Tỷ lệ tương ứng ở các khu vực khác thấp hơn 90%, nơi ít nhất là Đồng bằng sông Hồng, nhưng cũng có tới 78% doanh nghiệp phải giảm số lao động. Như vậy, đại dịch Covid-19 đã gây ra nhiều thách thức, khó khăn cho các doanh nghiệp trong phạm vi cả nước.
3. Giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn
Một là, Chính phủ cần thực hiện một loạt giải pháp nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp vượt qua thời kì khó khăn và các doanh nghiệp có ý định khởi nghiệp. Đó là: Hỗ trợ kinh phí cho doanh nghiệp thành lập mới; hướng dẫn trả lương ngừng việc, giải quyết chế độ cho người lao động trong thời gian ngừng việc; tiếp nhận hồ sơ, giải quyết tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất đối với các doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch bệnh; chỉ đạo các ngân hàng thương mại thực hiện tốt chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp. Đồng thời thực hiện các gói hỗ trợ cho vay sản xuất – kinh doanh, như: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí,… đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã chú trọng tăng trưởng tín dụng, đưa ra nhiều chương trình tín dụng ưu đãi, áp dụng các chính sách lãi suất linh hoạt, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tiếp cận vốn cho sản xuất – kinh doanh.
Bên cạnh đó, Nhà nước và các Bộ, ban, ngành có giải pháp duy trì, phục hồi sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh đại dịch, đang thúc đẩy phát triển mạnh các ngành có ưu thế, có cơ hội phát triển, như: sản xuất nông nghiệp; sản xuất các sản phẩm phục vụ phòng, chống dịch (thiết bị bảo vệ sức khỏe, khẩu trang; hóa chất vệ sinh, khử trùng; thiết bị y tế: máy thở, dụng cụ xét nghiệm; dược phẩm); thúc đẩy phát triển mạnh các lĩnh vực dịch vụ: Thông tin, truyền thông; thương mại điện tử; thanh toán online; giáo dục trực tuyến;… Chủ động triển khai các giải pháp bảo đảm cung cấp điện an toàn, liên tục phục vụ sản xuất – kinh doanh cho doanh nghiệp trên địa bàn.
Hai là, các chính sách được ban hành cần có sự kết hợp giữa chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và các chính sách hỗ trợ ngành hoặc an sinh xã hội khác, trong đó bao gồm nhóm giải pháp ngắn hạn, cơ chế, chính sách trong một số ngành, lĩnh vực cụ thể, nhóm giải pháp căn cơ, dài hạn để tháo gỡ khó khăn cho tăng trưởng kinh tế, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp; cơ bản phù hợp diễn biến và tác động của dịch bệnh, tương đồng với cách tiếp cận mới của nhiều quốc gia trên thế giới.
Nhằm tháo gỡ khó khăn về vốn cho doanh nghiệp, Chính phủ tiếp tục thực hiện gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất trong năm 2021 cho các đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19; tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay trong năm 2021; tiếp tục thực hiện giảm thuế suất thuế nhập khẩu đối với nhiều nhóm mặt hàng nhằm tháo gỡ khó khăn và tăng cường khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp; tiếp tục giảm mức thu 30 loại phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất – kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19,… Bên cạnh các giải pháp hỗ trợ về thu ngân sách nhà nước, các giải pháp hỗ trợ chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước cũng đã được triển khai thực hiện vừa qua theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19, với tổng kinh phí ước tính hơn 26 nghìn tỷ đồng.
Dự kiến thực hiện các giải pháp này trong năm 2021 sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân với giá trị tiền thuế, tiền thuê đất, phí, lệ phí là khoảng 118 nghìn tỷ đồng, trong đó số tiền thuế, tiền thuê đất được gia hạn dự kiến khoảng 115 nghìn tỷ đồng; số tiền thuế, phí, lệ phí được miễn, giảm khoảng 3 nghìn tỷ đồng.
Ba là, đối với các doanh nghiệp trong nước, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp, cần lưu ý, chú trọng đào tạo đội ngũ nhân viên, nắm bắt các giải pháp công nghệ để có thể biến những ý tưởng kinh doanh trở thành hiện thực trong giai đoạn này. Để khơi thông chuỗi cung ứng toàn cầu, các doanh nghiệp cần đầu tư, tập trung khai thác các lợi thế từ chuyển đổi số. Điều này góp phần tạo ra các đột phá trong sản xuất – kinh doanh. Thông qua đó, nhiều doanh nghiệp có thể vượt khó vươn lên, khẳng định thương hiệu của mình, ký kết được các hợp đồng lớn để bán hàng hóa cho đối tác trong nước và nước ngoài, từng bước tham gia vào chuỗi cung ứng sản phẩm toàn cầu.
THS. PHẠM THỊ THU HÀ (Khoa Tài chính Ngân hang – Trường Đại học Kinh tế – Kỹ thuật công nghiệp)
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân của Thủ tướng Chính phủ (Ban 4). (2020). Báo cáo kết quả khảo sát tác động của Covid-19 tới hoạt động sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp.
- Đại học Kinh tế quốc dân – Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (2020). Kiến nghị, đánh giá các chính sách ứng phó với Covid-19 và các khuyến nghị. Báo cáo, Dự án của NEU – JICA, Hà Nội.
- Oxfam (GB and Australia). (2010). The Global Economic Crisis and Developing Countries. Kenya: Oxfarm.
- Tổng cục Thống kê (2021), Báo cáo kết quả kinh tế – xã hội 9 tháng đầu năm 2021.
- (2020). Báo cáo Thủ tướng Chính phủ và khuyến nghị chính sách. Truy cập tại http://vasep.com.vn/Tin-Tuc/1217_59890/Tham-luan-cua-VASEP-tai-Hoi-nghi-Thu-tuong-Chinh-phu-voi-DN-ngay-952020.htm.
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu