Giải pháp đảm bảo nguồn nhân lực tại thành phố Hồ Chí Minh
Đầu tư phát triển nhân lực
Theo Thạc sỹ Trần Văn Bích, Trưởng phòng Nghiên cứu Phát triển kinh tế (HIDS) nhận định, xu hướng chuyển dịch cơ sở sản xuất công nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) ra các tỉnh lân cận sẽ tiếp tục gia tăng. Qua đó cho thấy chủ trương phát triển nguồn nhân lực của thành phố hạn chế lao động phổ thông, tăng cường lực lượng lao động có tay nghề, trình độ chất lượng cao vào các ngành sản xuất giá trị cao, công nghệ và dịch vụ.
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đang là mục tiêu của TP.HCM. |
Theo đó, doanh nghiệp TP.HCM mở chi nhánh sản xuất ở các tỉnh lân cận đã thu hút gần 82.000 lao động làm việc vào năm 2020, tăng bình quân 4,39%/năm trong giai đoạn 2012-2020. Những địa phương có số lượng lớn lao động làm việc tại các chi nhánh sản xuất công nghiệp của doanh nghiệp TP.HCM gồm các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An.
Thạc sỹ Trần Văn Bích cho biết, bài toán đặt ra là đảm bảo nguồn nhân lực phục vụ ngành nghề mới và các giải pháp kéo theo về cung ứng môi trường lao động, dịch vụ xã hội cơ bản nhằm giúp người lao động an tâm làm việc, góp phần ổn định sản xuất kinh doanh. Để làm được điều đó, cần phải tập trung vận dụng cơ chế, chính sách về đào tạo nguồn nhân lực được quy định tại Nghị quyết 98/2023/QH15; Quyết định số 2673/QĐ-UBND của UBND TP.HCM.
“Nhà đầu tư chiến lược phải có cam kết bằng văn bản về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, đáp ứng các điều kiện bảo đảm quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường theo quy định; hỗ trợ kinh phí để đào tạo nghề đối với lao động bị ảnh hưởng tại khu vực dự án; ưu tiên tiếp nhận lao động địa phương vào làm việc tại dự án; thực hiện cam kết về việc ứng dụng, chuyển giao công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao (nếu có)”, Thạc sỹ Trần Văn Bích cho biết.
Để thực hiện được yếu tố trên, Thạc sỹ Trần Văn Bích cho rằng, TP.HCM phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc đào tạo nguồn nhân lực theo quy định khi các dự án đi vào hoạt động. Đặc biệt, đào tạo nguồn nhân lực để các doanh nghiệp có vốn đầu tư trong nước có khả năng cung ứng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho các nhà đầu tư các dự án trong lĩnh vực công nghiệp mạch tích hợp bán dẫn, công nghệ thiết kế, chế tạo linh kiện, vi mạch điện tử tích hợp, điện tử linh hoạt, chip, pin công nghệ mới, vật liệu mới, công nghiệp năng lượng sạch.
Theo Thạc sỹ Lê Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Tư vấn Ứng dụng Kinh tế (HIDS) cho biết, dựa trên kết quả nghiên cứu năm 2021 của HIDS và khảo sát trong năm 2023 tại 549 doanh nghiệp, 29 cơ sở, đơn vị đào tạo kỹ năng, đào tạo nghề và 1.089 người lao động cho thấy, có gần 1/4 số lao động có mong muốn được doanh nghiệp đào tạo mà không được đáp ứng. Các nội dung đào tạo chưa đáp ứng nhu cầu xã hội đặc biệt là những nhu cầu chuyên môn về chuyên môn kỹ thuật, nhu cầu về các kỹ năng để người lao động thích nghi với những thay đổi từ cách mạng công nghiệp 4.0.
Thạc sỹ Lê Thanh Hải đề xuất, các chính sách của TP.HCM nên chú trọng theo đuổi chính sách tăng trưởng theo chiều sâu. Tăng cường đầu tư nâng cao kỹ năng người lao động hơn là theo đuổi chính sách tạo nhiều việc làm mới. Trong đó, khuyến khích đào tạo kỹ năng thực tế, đồng thời có các tiêu chí và điều kiện kiểm tra kỹ năng thực tế từ ghế nhà trường.
Ngoài ra, có thể xây dựng và đề xuất các công cụ đào tạo trực tuyến với độ phủ đối tượng phục vụ rộng, chi phí thấp, cập nhật thường xuyên, áp dụng cho những đối tượng chưa được trang bị năng lực tự học. Kỹ năng từ đơn giản đến chuyên sâu, lập nhóm học tập nhanh, yêu cầu học đơn giản, kết quả kiểm tra nhanh. Liên đoàn lao động hoặc Hiệp hội trường nghề chịu trách nhiệm.
Nâng cao chất lượng cuộc sống người lao động
Từ thực tiễn lao động, việc làm hiện nay, Thạc sỹ Nguyễn Thị Lê Uyên chia sẻ về giải pháp đảm bảo việc làm, nâng cao chất lượng cuộc sống cho công nhân ở TP.HCM, nhất là vấn đề đảm bảo việc làm, quan hệ lao động hài hòa tại các doanh nghiệp.
Các giải pháp phải vừa tập trung giải quyết vấn đề lương ở công nhân, vừa đáp ứng, hỗ trợ các nhu cầu sống cơ bản còn lại của công nhân trên nguyên tắc huy động toàn bộ sức mạnh hệ thống chính trị-xã hội, nguồn lực của toàn thể xã hội và cần có sự chung tay từ phía doanh nghiệp.
Thạc sỹ Nguyễn Thị Lê Uyên cũng đề xuất nhóm giải pháp tăng trưởng kinh tế và phát triển thị trường lao động việc làm; hoàn thiện khung pháp lý về lao động, về tăng lương tối thiểu theo luật lên mức lương đủ sống; thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp về thị trường lao động, đào tạo, giáo dục nghề nghiệp và việc làm; thực hiện có hiệu quả biện pháp hỗ trợ, bảo vệ đoàn viên, cán bộ công đoàn, tổ chức công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp…
Bên cạnh đó, chú trọng đảm bảo các chế độ an sinh xã hội tối thiểu cho công nhân; xem xét xây dựng các gói an sinh xã hội dành riêng cho nhóm công nhân nghèo ở TP.HCM; đầu tư cho tương lai của công nhân thông qua giáo dục-đào tạo, đào tạo bổ sung và đầu tư nguồn nhân lực công nhân chất lượng cao trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư…
Trong khi đó, Thạc sỹ Lương Ngọc Thảo cho rằng, cần phải hoàn thiện những quy định, chính sách về giải quyết nhà ở cho người lao động làm việc tại các khu chế xuất – khu công nghiệp. Trên cơ sở chính sách này, chính quyền TP.HCM hoàn thiện hệ thống chính sách nhà ở cho phù hợp với xu hướng phát triển của Thành phố như quy hoạch đất phát triển nhà ở cho người lao động làm việc các khu chế xuất – khu công nghiệp, chính sách hỗ trợ về lãi suất vay vốn đầu tư phát triển nhà ở, cải cách thủ tục hành chính tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp và cá nhân kinh doanh nhà ở thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia cung ứng nhà ở cho người lao động tại các khu chế xuất – khu công nghiệp.
Đồng thời cần sớm nghiên cứu đưa ra các quy chuẩn về nhà ở cho người lao động các khu chế xuất – khu công nghiệp thuê và phải tăng cường công tác tổ chức kiểm tra giám sát việc thực hiện nhằm biến chủ trương chính sách thành hiện thực.
Ngoài ra, Thạc sỹ Lương Ngọc Thảo cũng cho rằng, TP.HCM cần nghiên cứu đẩy mạnh xây dựng các nhà lưu trú công nhân ngoại tỉnh tại các khu chế xuất – khu công nghiệp. TP.HCM cần có chính sách khuyến khích và tạo điều kiện để phát triển loại hình này, nhằm đáp ứng nhu cầu nơi ở cho công nhân cũng như tạo sự cạnh tranh nâng cao chất lượng, giá thuê phòng.
Bên cạnh đó, hiện nay nhiều khu chế xuất – khu công nghiệp tại TP.HCM đã xây dựng và đưa vào hoạt động Trung tâm sinh hoạt công nhân. Đồng thời, tăng cường sự hợp tác, đoàn kết cùng có lợi giữa chủ doanh nghiệp, doanh nhân với công nhân dưới sự lãnh đạo của Đảng. Các cấp ủy đảng, nhất là các tổ chức đảng trong doanh nghiệp, khu công nghiệp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các tổ chức đoàn thể cùng cấp trong việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh ở doanh nghiệp. Giải pháp đối với dịch vụ chăm sóc con cái, học hành của con cái người lao động nhập cư.
Nguồn: Báo lao động thủ đô