Giải mã cơn sốt nhà đất ven đô Hà Nội những ngày cuối năm
Theo VOV, môi giới nhà đất tại những khu vực này đều đưa thông tin, đất lại lên như thời điểm đầu năm bởi thông tin về quy hoạch phân khu sông Hồng.
Thông tin được các môi giới nhà đất và nhà đầu tư truyền tai nhau là Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng sẽ được phê duyệt vào đầu tháng 2/2022, giá đất tại các khu vực ven sông sẽ tiếp tục lên.
Giá nhà đất trên tuyến phố Thạch Cầu (quận Long Biên, Hà Nội) nơi dự kiến nằm trong Đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng cũng đang lên. Ghi nhận của VOV cho thấy, giá đất tại đây đang có dấu hiệu tăng nhanh từ 30 – 50%, chênh khoảng 15 – 30 triệu/m2 so với hồi đầu năm. Nhiều nhà đầu tư, người dân ồ ạt về đây mua bán.
Thị trường bất động sản tăng nhiệt khi xuất hiện các thông tin về quy hoạch là điều đã từng xảy ra thời gian qua. Ảnh minh hoạ.
Tại huyện Mê Linh (Hà Nội) nơi có khoảng 50 dự án bỏ hoang, tập trung tại các xã ven đại lộ Võ Văn Kiệt như Tiền Phong, Tráng Việt, Thanh Lâm, Đại Thịnh, thị trấn Quang Minh. Sau khi được phê duyệt quy hoạch chung, các chủ đầu tư như Tổng Công ty HUD, Minh Giang, Cienco 5 đã đồng loạt triển khai làm hạ tầng, xây dựng nhiều dự án chung cư khiến thị trường bất động sản Mê Linh tăng trở lại sau những ngày tháng ảm đạm.
Nhiều nhà đầu tư đã quay trở lại các dự án Mê Linh. Đây cũng là khu vực ngoại thành có giá mềm hơn những khu vực như Gia Lâm, Hoài Đức, Thanh Trì… Khi giá đất nền đô thị một số nơi là 70 – 80 triệu đồng/m2 nhưng tại Mê Linh giá đất nền, biệt thự chỉ giao dịch quanh ngưỡng 22 – 28 triệu đồng/m2.
Cẩn trọng “sóng” quy hoạch, hạ tầng
Câu chuyện khi có thông tin dự án, đề án quy hoạch hạ tầng mới mặc dù chưa được triển khai hay mới chỉ là tin đồn gây “sốt đất” trở nên phổ biến trên thị trường BĐS… Không chỉ ở riêng Hà Nội, mà là tình trạng chung của tất cả tỉnh thành trên cả nước, đã từng để lại nhiều hệ lụy tiêu cực cho nhà đầu tư nhưng thực tế rất nhiều người vẫn bị mất tỉnh táo khi tham gia cuộc đua này.
“Thời điểm đầu năm, khi đất nền nhiều huyện vùng ven Hà Nội tăng nhanh, tôi đã mua một trang trại tại huyện Thạch Thất với giá chuyển nhượng 1,9 tỷ đồng, khi nghe thông tin khu vực được huyện quy hoạch chuyển đổi thành đất dịch vụ. Nhưng thời điểm này mọi việc đều dừng lại, tôi muốn bán để thu hồi lại vốn làm việc khác nhưng bị “mắc kẹt” vì không có người mua” – anh Phạm Văn Hà, trú tại Linh Đàm (quận Hoàng Mai) chia sẻ.
Theo số liệu báo cáo nghiên cứu thị trường mới đây của batdongsan.com.vn, số lượng người tìm kiếm BĐS khu vực ven Hà Nội tăng hơn nhiều so với quý III/2021, giai đoạn cao điểm của đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, khi thành phố phải thực hiện biện pháp giãn cách toàn xã hội, nhưng mức độ người quan tâm, tìm kiếm cũng mới chỉ đạt khoảng 70% so với thời điểm quý II/2021. Ngoài ra, theo đánh giá Hà Nội là địa bàn chịu ảnh hưởng nhẹ nhất trong số địa phương có dịch ở đợt bùng phát lần này. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch và “phổ cập” vaccine, bước sang tháng 10 việc tái mở cửa nền kinh tế đã giúp thị trường BĐS “nóng ấm” trở lại.
Tuy nhiên, các chuyên gia đều cho rằng, đến hết năm 2021, thị trường BĐS Hà Nội vẫn sẽ bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 có thể hồi phục sức khỏe trở lại trạng thái bình thường khoảng 50%. Vì vậy, nhà đầu tư cần cân nhắc khi đón “sóng” quy hoạch, hạ tầng… tránh những rủi ro về pháp lý và sập bẫy thông tin của môi giới, đầu cơ đất. Phía chính quyền địa phương cũng cần phải thông tin chính thức, công khai về quy hoạch để người dân nắm rõ và tăng cường xử lý cá nhân lợi dụng thông tin về quy hoạch chưa rõ ràng để đầu cơ, thổi giá BĐS.
Nguồn: hoanhap.vn