Giải bài toán thiếu nhân lực cho ngành Dệt may và Da giày

Hệ lụy lớn do khan hiếm lao động

Mới đây, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) và Hiệp hội Da – Giày – Túi xách Việt Nam (Lefaso) đã phối hợp tổ chức buổi đối thoại trực tuyến “Chung sức vì sự phục hồi bền vững ngành Dệt may – Da giày Việt Nam” nhằm đánh giá tác động của dịch Covid-19 thời gian qua đến doanh nghiệp và người lao động ngành dệt may và da giày tại Việt Nam đồng thời, tìm ra các giải pháp hỗ trợ ngành dệt may và da giày phục hồi sản xuất bền vững trong thời gian tới.

Tại buổi đối thoại, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, ngành dệt may và da giày là hai ngành sử dụng nhiều lao động nhất trong ngành kinh tế hiện nay tại Việt Nam với hơn 3,5 triệu lao động công nghiệp. Trong đó, dệt may có khoảng 2 triệu lao động toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và da giày có khoảng 1,4 triệu lao động (chiếm 18%).

Giải bài toán thiếu nhân lực cho ngành Dệt may và Da giày
Chăm lo, đãi ngộ để người lao động gắn bó với doanh nghiệp là giải pháp căn cơ mà mỗi doanh nghiệp cần làm.

Ngoài ra, còn có gần 1,5 triệu người kinh doanh thương mại dịch vụ liên qua đến hai ngành này. Đây cũng là hai ngành có kim ngạch xuất khẩu rất lớn. Năm 2019 đã đạt gần 60 tỷ USD, chiếm trên 22% kim ngạch xuất khẩu cả nước, trong đó dệt may đạt gần 39 tỷ USD và da giày đạt gần 20 tỷ USD. Cả hai ngành đang đứng trước cơ hội to lớn, khi các hiệp định Thương mại tự do (FTA ) thế hệ mới được ký kết với thị trường xuất khẩu rộng lớn và thuế suất giảm dần về 0%.

Tuy nhiên, ông Trương Văn Cẩm cho rằng, từ đầu năm 2020, khi dịch Covid-19 bùng phát từ Trung Quốc sau đó lan ra toàn thế giới, chuỗi cung ứng của dệt may và da giày bị gián đoạn nguồn cung nguyên phụ liệu và sụt giảm nhu cầu tiêu thụ sản phẩm tại các thị trường chính. Năm 2020, là năm đầu tiên hai ngành có mức tăng trưởng âm khoảng 10% sau vài chục năm tăng liên tục, ở mức cao.

Những tháng đầu năm 2021 kết quả sản xuất kinh doanh của hai ngành này có khởi sắc. Tuy nhiên, từ cuối tháng 4/2021, dịch Covid-19 bùng phát với chủng mới Delta diễn biến phức tạp và kéo dài, cả nước đã có 28 tỉnh, thành phố phải thực hiện giãn cách, phong tỏa theo Chỉ thị 15, 16 đã làm cho nhiều doanh nghiệp dệt may và da giày phải đóng cửa, thu hẹp sản xuất, người lao động mất việc làm.

Riêng ngành Dệt may lực lượng lao động tại khu vực này khoảng trên 1,2 triệu người chiếm gần 65% lao động toàn ngành. Nhiều doanh nghiệp thực hiện phương án sản xuất “3 tại chỗ”; “một cung đường – hai điểm đến”, “4 xanh”… nhưng với chi phí xét nghiệm, chi phí sản xuất rất lớn và nguy cơ lây nhiễm vẫn rất cao, nên chỉ là giải pháp tình thế, không thể kéo dài. Bên cạnh đó, việc phòng, chống dịch Covd-19, nơi đóng – nơi mở, nơi chặt – nơi lỏng… gây ách tắc khâu vận chuyển nguyên phụ liệu và hàng hóa xuất khẩu.

Giúp người lao động an tâm gắn bó

Trao đổi về giải pháp phục hồi nguồn nhân lực, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Dệt May Việt Nam cho rằng, với những lao động đã được tạo điều kiện cho họ về quê thì giờ Chính phủ và các tỉnh, thành như thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai và doanh nghiệp cùng đồng hành tạo điều kiện đón người lao động trở lại thành phố và các tỉnh thành làm việc, như sắp xếp khu nhà trọ, tạo điều kiện để họ có phương tiện di chuyển,…

Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng, tâm lý lo sợ lây nhiễm bệnh Covid-19 cùng với đời sống khó khăn, do không đi làm, không có thu nhập, đã khiến hàng triệu người lao động rời thành phố Hồ Chí Minh và Bình Dương, Đồng Nai, Long An… về quê và không ít trong số đó là công nhân dệt may, da giày. Chuỗi cung ứng dệt may, da giày lại một lần nữa có nguy cơ đứt gãy, nguyên nhân không phải do yếu tố tác động bên ngoài mà do khan hiếm lao động.

Đây là bài toán khó cho các doanh nghiệp dệt may và da giày khi bước vào giai đoạn phục hồi sản xuất theo chủ trương mới của Chính phủ là “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”

Việc hỗ trợ phương tiện cho người lao động, một trong những yếu tố quan trọng, bên cạnh các giải pháp tài chính để mời gọi lao động trở lại thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh thành để làm việc. “Dịch bệnh phức tạp kéo dài khiến người lao động 3-4 tháng sống trong nhà trọ, không có việc làm, không có tiền nên ảnh hưởng đến tâm lý họ rất lớn. Tuy nhiên, nguồn tài chính của doanh nghiệp giờ cạn kiệt nên cần sự hỗ trợ về lãi vay để khôi phục sản xuất, miễn giảm phí bảo vệ môi trường… Cái gì miễn, giảm hoặc hoãn được thì làm. Và cần thiết nữa, mong các nhãn hàng luôn đồng hành cùng doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn này”, bà Mai đề xuất.

Bà Phan Thị Thanh Xuân – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da giày – Túi xách Việt Nam thì cho rằng, dệt may và da giày phải tìm cách nâng tỷ lệ chủ động nguồn cung để tránh phụ thuộc và hưởng lợi từ các hiệp định FTA. Bên cạnh đó, với các ngành sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày, người lao động chính là vốn quý của doanh nghiệp. Vì thế, việc giữ chân người lao động, giúp cho họ gắn bó với doanh nghiệp là giải pháp căn cơ mà mỗi doanh nghiệp phải làm; trong đó có các vấn đề cấp bách như tiêm vắc xin, chế độ hỗ trợ người lao động…

Ông Trương Văn Cẩm Phó, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng thống nhất đưa ra giải pháp là động viên tinh thần và hỗ trợ vật chất để giữ chân người lao động, khi họ gắn bó với doanh nghiệp. “Trong điều kiện lao động ngày càng khan hiếm, việc tiết kiệm lao động, đầu tư đổi mới công nghệ dựa vào Cách mạng công nghiệp 4.0, vào chuyển đổi số là con đường tất yếu cả trước mắt và lâu dài. Đồng thời, việc xây dựng lòng tin và đảm bảo hài hòa lợi ích, chia sẻ trong lúc khó khăn giữa các đối tác: Người sử dụng lao động và người lao động, Công đoàn, Nhà nước và nhãn hàng chính là chìa khóa để chúng ta chung tay vượt qua đại dịch”, ông Cẩm nhấn mạnh.

Tham dự dưới góc độ nhà quản lý, ông Nguyễn Văn Bình, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH)) thông tin, Chính phủ đã ban hành chính sách hỗ trợ từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho doanh nghiệp và người lao động và chính sách hỗ trợ an sinh cho người lao động theo Nghị quyết 68, Quyết định 23. Bên cạnh đó, Bộ đang trình Chính phủ để Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép nới lỏng hơn, linh hoạt hơn về việc huy động người lao động làm thêm giờ.

Cụ thể, không áp dụng trần làm thêm giờ không quá 48 giờ/tháng và trần làm thêm giờ theo năm (trước đây áp dụng 300 giờ trong một số lĩnh vực ngành nghề thì giờ áp dụng cho mọi ngành nghề)… Hiện Bộ Tư pháp đang thẩm định và sẽ trình Chính phủ sớm. Ngoài ra Bộ LĐ-TB&XH cũng đang xây dựng Đề án tổng thể phục hồi thị trường lao động sau đại dịch Covid-19, trong đó, đánh giá tình hình và đưa ra giải pháp nhằm đảm bảo nguồn cung, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động.

Trên thực tế, để giữ chân người lao động, hiện nay, không ít doanh nghiệp đã hỗ trợ lương thực, thực phẩm, kinh phí chi tiêu hàng tháng trong đợt giãn cách, đào tạo nâng cao tay nghề cho người lao động…; đồng thời rà soát, làm thủ tục kịp thời cho những lao động là đối tượng được hưởng các gói hỗ trợ của Nhà nước, giúp bảo đảm an sinh.

Cùng với tuyển dụng nguồn nhân công thiếu hụt, nhiều doanh nghiệp cũng tính đến giải pháp nghiên cứu kỹ thuật giúp tăng năng suất, giảm áp lực nhân công; tăng tốc độ dây chuyền sản xuất từ 5% – 35% sản lượng các ngành hàng chủ lực, đáp ứng nhanh việc cung cấp sản phẩm cho thị trường, đặc biệt trong những tháng cao điểm cuối năm. Hy vọng và tin tưởng rằng, ngành dệt may và da giày sẽ giớm giải được bài toán thiếu hụt nhân lực để phục hồi sản xuất, tiếp tục đà tăng trưởng trong “trạng thái bình thường mới”./.

Tú Anh

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích