Giải bài toán rác thải ở Bắc Ninh
Giải bài toán rác thải ở Bắc Ninh
Theo kế hoạch từ 2024, Bắc Ninh cơ bản sẽ xử lý triệt để rác thải sinh hoạt phát sinh hàng ngày bằng các nhà máy đốt rác phát điện công nghệ hiện đại của thế giới.
Tại Hội nghị COP26, Việt Nam đã có những cam kết mạnh mẽ, trong đó bao gồm đưa mức phát thải ròng về 0 đến năm 2050. Ngoài ra, các cam kết về phát triển bền vững cũng đã được đưa vào các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA).
Để thực hiện những cam kết đầy tham vọng đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản, chính sách, trong đó có Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030; Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn; Nghị định số 08/2022/NĐ-CP năm 2022 hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường,…
Từ các quyết sách của Trung ương, các địa phương đã có nhiều bước chuyển mình để hướng tới sự phát triển bền vững, trong đó kinh tế xanh đóng vai trò chủ đạo.
Tại Bắc Ninh – thủ phủ của làng nghề tiểu thủ công nghiệp, với mô hình phát triển kinh tế làng nghề không bền vững gây ra nhiều tác động tiêu cực, suy giảm đa dạng sinh học, ô nhiễm môi trường và vấn đề xã hội phức tạp khác. Để giải quyết bài toán này, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh trở thành một lựa chọn tất yếu.
Với định hướng chuyển đổi phát triển kinh tế xanh, đổi mới mô hình tăng trưởng, giảm cường độ phát thải khí nhà kính thông qua khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng, tài nguyên dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ, ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số, tỉnh Bắc Ninh đang tích cực hành động chiến lược tăng trưởng xanh tỉnh Bắc Ninh đến năm 2030, định hướng đến năm 2050.
Theo đó, Bắc Ninh định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực cụ thể. Tỉnh nâng cao hiệu suất và hiệu quả sử dụng năng lượng, giảm mức tiêu hao năng lượng trong hoạt động sản xuất, vận tải, thương mại và dịch vụ; khai thác và sử dụng tiết kiệm và tăng cường sử dụng năng lượng sạch tại các khu, cụm công nghiệp; khu đô thị, dân cư, trường học, công sở,…
Bắc Ninh phấn đấu đến năm 2030, giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GRDP tỉnh Bắc Ninh xuống từ 38 – 43% so với năm 2018. Chỉ tiêu đến năm 2050, giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GRDP tỉnh Bắc Ninh xuống từ 47 – 69% so với năm 2018.
Hiện thực hóa các định hướng trên, Bắc Ninh đã xây dựng và ban hành Đề án tổng thể bảo vệ môi trường, giai đoạn 2019-2025, trong đó xử lý toàn diện, tổng thể các vấn đề về môi trường. Riêng vấn đề rác thải, tỉnh xác định giải pháp căn cơ, bài bản nhất để xử lý là việc đầu tư các nhà máy đốt rác công nghệ cao phát năng lượng trên địa bàn tỉnh bằng nguồn vốn xã hội hóa.
Trong khuôn khổ chương trình làm việc giữa Bộ Môi trường Nhật Bản và Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam, mới đây, Nhà máy xử lý chất thải rắn công nghệ cao phát năng lượng đã được khánh thành tại xã Ngũ Thái, Thị xã Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.
Dự án Đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý chất thải rắn công nghệ cao phát năng lượng là Dự án hợp tác đầu tư giữa Công ty Cổ phần Môi trường Thuận Thành với tập đoàn JFE Engineering Corporation. Dự án được khởi công xây dựng tháng 1/2022 và hoàn thành tất cả các hạng mục vào tháng 10.2023, công suất xử lý rác 600 tấn/ngày đêm, công suất phát điện 13,5MW, tổng mức đầu tư 74 triệu USD. Nhà máy được UBND tỉnh Bắc Ninh cấp phép môi trường và tiếp nhận, xử lý chất thải rắn từ ngày 1.1.2024, vận hành thử nghiệm từ ngày 8.1.2024 và dự kiến vận hành thương mại vào Quý II.2024.
Đây là một trong những dự án tiêu biểu nằm trong chuỗi các hoạt động xúc tiến đầu tư giữa Chính phủ hai nước Việt Nam – Nhật Bản. Nhà máy được đầu tư công nghệ xử lý của Nhật Bản, là công nghệ hiện đại nhất hiện nay. Khi đi vào hoạt động giúp giảm lượng rác thải chôn lấp tại tỉnh Bắc Ninh nói riêng và ở Việt Nam nói chung, từ đó giảm thiểu các tác động đến môi trường đồng thời giải quyết được vấn đề thiếu hụt điện năng nhờ đốt rác thải và tận dụng thu hồi nhiệt năng sinh ra trong quá trình đốt để tạo năng lượng điện. Ước tính, Nhà máy bổ sung vào lưới điện quốc gia khoảng 100 triệu KWh/mỗi năm.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị