Giải bài toán phát triển kinh tế cho Nông nghiệp xanh Việt Nam

Đối thoại tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến, nối với điểm cầu của 63 tỉnh, thành cả nước. Tại đầu cầu trung tâm có sự tham gia của bà Carolyn Turk – Trưởng đại diện WB, các chuyên gia và nhà quản lý trong và ngoài nước.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Lê Minh Hoan chủ trì buổi Đối thoại

Phát biểu về định hướng Chiến lược phát triển nông nghiệp – nông thôn bền vững đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050,  Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan khẳng định: “Tầm nhìn mới trong nông nghiệp” là sáng kiến bao trùm của Diễn đàn Kinh tế thế giới, nhằm mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững. Việt Nam đang hiện thực hóa sáng kiến này ở một chuỗi ngành hàng gồm: cà phê, gạo, chè, rau quả, thủy sản, hồ tiêu, chăn nuôi, hóa chất nông nghiệp. Chiến lược hướng đến mục tiêu cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới; đồng thời xoay quanh 3 trụ cột: “nông nghiệp sinh thái”, “nông thôn hiện đại”, “nông dân thông minh”. Ngành nông nghiệp cũng xác định yêu cầu chuyển đổi từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế, hướng tới những giá trị xanh được tạo nên từ “chuyển đổi xanh, tiêu dùng xanh, kinh tế xanh”.  

Tại Đối thoại, các chuyên gia hàng đầu đã trình bày tham luận xoay quanh chia sẻ kinh nghiệm trong thực hiện nông nghiệp xanh thành công tại một số quốc gia trên thế giới và đề cập những vấn đề: Chuyển đổi nông nghiệp Việt Nam xanh, phát thải thấp: hiện trạng và triển vọng. Nông nghiệp Việt Nam – những thách thức và cơ hội. Kinh nghiệm của toàn cầu về chuyển đổi nông nghiệp xanh, phát thải thấp. Thách thức đối với chuyển đổi nông nghiệp Việt Nam sang phát thải thấp trong bối cảnh quốc tế. Thỏa thuận xanh của EU đối với khả năng cạnh tranh xuất khẩu nông sản của Việt Nam. Vai trò của khu vực tư nhân trong việc thúc đẩy nông nghiệp xanh – bài học chính cho Việt Nam.

Áp dụng công nghệ tiên tiến nuôi cá tra để giảm phát thải tại trường Đại học Cần Thơ

Theo nhiều chuyên gia, nông nghiệp (NN) Việt Nam đã đảm nhiệm vai trò quan trọng trong vấn đề an ninh lương thực quốc gia, đóng góp chính trong việc giảm nghèo, đứng vào top 15 cường quốc xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới, vươn tới thị trường hơn 190 quốc gia và vùng lãnh thổ. Bằng nhiều cố gắng, Việt Nam đã đạt một số tiến bộ trong việc đặt ra những mục tiêu và khát vọng về nền NN xanh và chứng minh tính khả thi của các phương pháp tiếp cận có giá trị. Trong 10 năm qua, Việt Nam được đánh giá là đã thể hiện cam kết đáng kể trong việc thúc đẩy con đường tăng trưởng bền vững hơn, tăng cường nỗ lực cả về thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH).

Tuy nhiên vẫn còn khoảng cách lớn giữa khát vọng và áp dụng trong thực tế, trong đó có việc sử dụng vật tư đầu vào quá mức, quản lý chất thải kém và suy thoái các hệ sinh thái tự nhiên. Sản xuất lúa gạo và chăn nuôi là nguyên nhân gây ra 30% lượng phát thải KNK của Việt Nam,… Hiện nay người tiêu dùng yêu cầu nông sản đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, dinh dưỡng và phân phối tiện lợi. Sản xuất nông nghiệp, xuất khẩu nông sản phải xanh, nhân đạo và ổn định. Thị trường mới đòi hỏi sản phẩm nông nghiệp phải được sản xuất có trách nhiệm với người tiêu dùng, với sự bền vững của môi trường toàn cầu,… Các chuyên gia khuyến nghị: Để nâng cao thu nhập cho nông dân, cải thiện an ninh lương thực và thúc đẩy NN bền vững, Việt Nam rất cần có những cam kết hỗ trợ chính sách và đầu tư vào nông nghiệp.

Điểm cầu tại UBND TP Cần Thơ 

Đại dịch Covid-19 khiến kinh tế đất nước rơi vào giai đoạn khó khăn nhất trong nhiều năm. Trong bối cảnh đó  ngành NN tiếp tục là “trụ đỡ” của nền kinh tế trong việc bảo đảm an ninh lương thực, bảo đảm sinh kế, việc làm cho người dân nông thôn, góp phần  ổn định kinh tế vĩ mô, đóng góp tích cực cho tăng trưởng và xuất khẩu. Tuy nhiên cũng như các ngành, lĩnh vực khác, ngành nông nghiệp đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức từ các vấn đề nội tại lẫn các yếu tố khách quan: BĐKH, biến động thị trường và biến chuyển xụ thế tiêu dùng của thế giới.

Do vậy yêu cầu chuyển đổi nông nghiệp, nông thôn bền vững đã mang tính tất yếu để đáp ứng yêu cầu mới của phát triển đất nước và phù hợp xu thế chung của thời đại. Buổi Đối thoại là diễn đàn cung cấp tri thức và đã định hướng tầm nhìn cho sự phát triển nông nghiệp, nông thôn Việt Nam theo hướng phát triển xanh, phát thải thấp và bền vững.

Bà Carolyn Turk – Trưởng đại diện  WB, cam kết: “Tôi cho rằng đổi mới sáng tạo và công nghệ sẽ là động lực thúc đẩy phát triển nền kinh tế Việt Nam, trong đó có kinh tế nông nghiệp. Chúng tôi sẵn sàng cung cấp các nguồn lực đầu tư cho các dự án có thể mang lại sự chuyển đổi ở qui mô lớn, không dừng lại ở mức độ thí điểm. WB sẽ cùng Bộ NN-PTNT nghiên cứu các công cụ mà WB có thể sử dụng để tài trợ cho những thay đổi ở cấp độ tổng thể.

Nguồn: hoanhap.vn

Bạn cũng có thể thích