Giải bài toán nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn
Theo PGS. Phạm Trần Vũ, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, hiện cả nước có khoảng hơn 40 công ty có hoạt động liên quan tới chip, với khoảng 5.600 kỹ sư. Tuy nhiên, các kỹ sư Việt Nam chỉ giỏi một công đoạn thiết kế, thiếu những kỹ sư trưởng có khả năng thiết kế hoàn chỉnh một con chip.
PSG. Vũ cho biết, trong công đoạn thiết kế vi mạch có nhiều khâu. Trong đó, có khâu thiết kế nguyên lý, đó là cái khó, đòi hỏi kỹ sư được đào tạo ở các chương trình đào tạo trình độ cao (sau ĐH), thì khâu này rất ít kỹ sư Việt Nam làm được. Các kỹ sư Việt Nam chủ yếu làm việc ở khâu thiết kế vật lý, tức là làm theo yêu cầu của các kỹ sư thiết kế nguyên lý. “Khâu này đòi hỏi nhân lực nhiều, nhưng tạo ra giá trị gia tăng ít”, PGS Vũ nói.
Cùng chia sẻ về nhứng khó khăn trong phát triển chip bán dẫn, ông Nguyễn Cương Hoàng, Trưởng ban Công nghệ bán dẫn Tập đoàn Viettel cũng cho biết, bên cạnh vấn đề công nghệ thì nhân lực là một mối quan tâm hàng đầu thường trực của lãnh đạo Viettel.
Viettel thúc đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) từ 2010, đến nay xây dựng được đội ngũ hơn 3.000 kỹ sư. Riêng kỹ sư vi mạch, Viettel hiện có khoảng 50 kỹ sư chất lượng cao. Với kỹ sư vi mạch, hàng năm Viettel đều tuyển dụng với mục tiêu mỗi năm tuyển 20 – 30 người, nhưng thực tế mỗi năm chỉ tuyển được hơn 10 người.
Ảnh minh hoạ.
Theo vị này, việc tuyển dụng nhân lực hiện nay rất vất vả. Bởi xung quanh 50 kỹ sư chất lượng cao nói trên sẽ có ít nhất 50 người phục vụ. Thiết kế, sản xuất ra chip chỉ là một phần, có chip rồi thì phải thử nghiệm để đưa sản phẩm ra sử dụng trong thực tế.
“Trong 50 kỹ sư chất lượng cao thì có 10 người là từ nước ngoài về (nhiều người từng làm ở các công ty lớn). Các bạn ấy làm ở công đoạn đòi hỏi trình độ rất cao. Còn với những kỹ sư được tuyển dụng trong nước làm ở công việc yêu cầu thấp hơn. Một số bạn đã bắt đầu ở mức độ làm chủ module. Để các kỹ sư được đào tạo ở Việt Nam làm được điều này đòi hỏi quá trình dài. Hy vọng sắp tới chúng ta đào tạo được những người có thể tham gia sâu hơn, đầy đủ công đoạn thiết kế của chip số, chip cao tần”, ông Hoàng nói thêm.
Theo ông Hoàng, với tham vọng đạt được vị trí top 20 công ty thiết kế chip hàng đầu châu Á vào năm 2035, Viettel có nhu cầu nguồn nhân lực hơn 500 kỹ sư vào năm 2030, hơn 1.000 kỹ sư vào năm 2035. Trong đó, có hơn 20% nhân sự có trình độ từ thạc sĩ trở lên.
Về cơ cấu chuyên môn, khoảng 10% kỹ sư tham gia thiết kế kiến trúc hệ thống chip, 30% kỹ sư tham gia công đoạn thiết kế nguyên lý (front-end design), 40% kỹ sư tham gia công đoạn kiểm định thiết kế (verification) và 20% kỹ sư tham gia công đoạn thiết kế vật lý (back-end design). Đây là mục tiêu rất thách thức.
Liên quan tới đào tạo nhân lực cho công nghiệp chip bán dẫn, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Hồng Thái cho hay, Bộ KH&CN không được phép cấp kinh phí đào tạo, đơn cử như việc cấp học bổng cũng không được. Nhưng Bộ KH&CN sẽ nghiên cứu giải pháp cho vấn đề này, chẳng hạn có thể hỗ trợ thông qua các đề tài nghiên cứu.
“Bộ KH&CN sẽ định hướng đề tài quốc gia, đề tài cấp bộ về vi mạch bán dẫn. Đây là một hướng để các trường đại học tạo điều kiện cho các thạc sĩ, nghiên cứu sinh có được sự hỗ trợ về nghiên cứu, tham gia vào nghiên cứu”, ông Thái khẳng định.
Một hướng tháo gỡ khác, để góp phần thúc đẩy đào tạo nhân lực chất lượng cao là dành kinh phí cử cán bộ đi nước ngoài để học hỏi. Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia (NAFOSTED) hiện có chính sách ưu tiên cử cán bộ trẻ đi làm posdoc ở nước ngoài.
“Vừa qua, lãnh đạo Bộ KH&CN đã yêu cầu ban điều hành quỹ mỗi năm xác định 5 lĩnh vực ưu tiên, từ nay bên cạnh các lĩnh vực như y học, gen…, sẽ ưu tiên vi mạch bán dẫn”, ông Thái nói và bày tỏ mong muốn hình thành các nhóm nghiên cứu ở các ngành mũi nhọn.
Bảo Lâm