Giấc mộng có tên “bỏ phố…”
Giấc mộng có tên “bỏ phố…”
Một nhóm bạn trẻ chán công việc văn phòng, một ngày xách ba lô đi về Đà Lạt. Họ dốc hết tiền túi hùn hạp để thuê đất làm một farm trong khu rừng cách trung tâm gần 30 cây số.
Viễn cảnh một homestay với những chuyến dã ngoại – không phải lo chạy bạc mặt với các deadline – đã được vẽ ra.
Thế nhưng chỉ sau một năm, họ rời căn nhà gỗ homestay, bỏ mấy đám rẫy đầy sâu bệnh và trả lại giấc mộng đẹp cho núi rừng hoang vu để tháo chạy về Sài Gòn tìm việc kiếm lương… trả nợ.
“Trả giá cho đam mê quá lớn”, một người trong nhóm buông tiếng thở dài, nói với người viết. Bạn kể, những ngày đầu háo hức được sống với thiên nhiên, trồng mấy bụi hoa, chăm mấy cái góc ngồi đọc sách nghe chim hót hay những đêm đốt lửa hát hò bên nhau đã qua rất nhanh. Cả bọn đều có rất ít tiền tích lũy, lại không nhiều kinh nghiệm kinh doanh để lường trước các phát sinh trong quá trình vận hành, đầu tư dịch vụ nghỉ dưỡng kết hợp nông nghiệp.
Thời gian đầu, tất cả chi phí thu vào là nhờ bạn bè quen biết, những đồng nghiệp từ Sài Gòn lên thăm “ủng hộ” vào mấy dịp cuối tuần, nhưng cả nhóm dần dần hiểu ra chỉ trông chờ vào khách hàng là bạn bè thì không thể duy trì nguồn thu bù vào chi phí hoạt động được. Viễn cảnh nuôi gà, trồng rau để tự cấp tự túc cũng thật ngây thơ khi mớ kiến thức sách vở về nuôi trồng organic mà cả nhóm chia sẻ và lấy ra thực hành thì bị thực tế dội cho những gáo nước lạnh. Chuyển mùa thì bầy gà dịch, rau trồng không ngập úng cũng đầy sâu bệnh…
Cả bọn phải đối diện với thực tế ngặt nghèo, không hề như những bức ảnh sống ảo mà một số thành viên nhóm đăng lên mạng xã hội nhằm câu like và kêu gào “giải cứu”. Trong nhóm bắt đầu xích mích, bất đồng quan điểm và nảy sinh những mâu thuẫn khó hóa giải trong việc vận hành cho đến khi họ phải ngồi với nhau và chấp nhận thực tế thất bại: phải dừng lại để cắt lỗ càng sớm càng tốt.
Đó chỉ là một trong số những câu chuyện bỏ phố về rừng, trào lưu đang được tô vẽ rất nhiều trên các trang mạng xã hội, cả trên báo chí chính thống. Không thể phủ nhận rằng, đã có những người thành công, đem lại giá trị thực sự và một số mô hình tạo nên nguồn cảm hứng lớn. Nhưng thực tế không đơn giản là vậy.
Trào lưu bỏ phố về rừng, bỏ phố về quê, bỏ phố về biển… (có chung cái gốc “bỏ phố”) có lẽ đã rộn ràng từ nhiều năm trước đại dịch Covid-19, trong một bối cảnh xã hội công nghiệp, xã hội công nghệ tạo ra những áp lực lên tâm lý, lối sống của người làm công ăn lương trẻ (nói nôm na là giới nhân viên công sở) trong các thành phố lớn. Ý tưởng về một môi trường sống, làm việc an nhàn, gần gũi với thiên nhiên, tạo dựng những cộng đồng hiền hòa và ít cạnh tranh trong đời sống được nhiều người nuôi dưỡng.
Những tâm hồn ưa thích thoát ly chỉ chờ những cú sang chấn khi công việc khó khăn, khi không tìm thấy mục đích kiếm sống hay khi gặp những khủng hoảng trong cuộc sống là có thể nhanh chóng đi đến một quyết định quay lưng với thành phố. Một nguyên nhân khác, trong bối cảnh kinh tế khó khăn do dư chấn từ đại dịch, công việc và thu nhập của thanh niên làm công sở, văn phòng ở các thành phố lớn bị ảnh hưởng càng nặng nề thì xu hướng quay lưng với phố để tìm kiếm giấc mộng “lui về” với thiên nhiên càng lớn lao.
Điểm đến của những giấc mộng đẹp đó là những vùng biển, những miền cao nguyên xa xôi hẻo lánh. Ai cũng muốn nhanh chóng thoát ly để trốn khỏi những tổn thương tâm lý, tự mình làm chủ công việc, làm chủ cuộc sống, xây dựng lối sống an nhàn và thân thiện với môi trường như các hình ảnh truyền cảm hứng “dấn thân”, “dám sống”, “dám theo đuổi đam mê”, “bỏ thành phố với mức lương khủng, chọn nông trại giữa rừng sâu”… Và chỉ cần có vậy, nhiều dự án “tiềm năng” được vạch ra, vội vàng thực hiện.
Các hình ảnh đẹp về cuộc sống bỏ phố về rừng được thêu dệt trên mạng đa số là từ những người không lệ thuộc kinh tế vào “mô hình” này, không phải lo thu bù chi từng ngày, không bị áp lực doanh số do có nguồn vốn tích trữ.
Quan sát trào lưu người trẻ Sài Gòn về các vùng sâu Đà Lạt mở homestay, một người bạn làm du lịch lâu năm đã chia sẻ với tác giả bài viết, đại ý: Thoạt xem thì có vẻ hay, nhiều sáng kiến dám nghĩ dám làm, nhiều nguồn năng lượng trong các dự án đó. Tuy nhiên, mô-típ chung vẫn là các bạn để cho sự lãng mạn và nguồn cảm hứng từ một trào lưu dẫn dắt nên đa số phải nhận lấy thất bại đáng tiếc.
Lý tính một chút sẽ nhận thấy rằng, các hình ảnh đẹp về cuộc sống bỏ phố về rừng được thêu dệt trên mạng đa số là từ những người không lệ thuộc kinh tế vào “mô hình” này, không phải lo thu bù chi từng ngày, không bị áp lực doanh số do có nguồn vốn tích trữ. Một số khác muốn triển khai một lối sống nhàn khi đủ điều kiện “lui về”. Và đa phần, người ta tạo ra các hình ảnh đẹp của bỏ phố về rừng để truyền thông buôn bán bất động sản. Người thành công thuần túy bằng các mô hình bỏ phố về rừng, bỏ phố về làng, bỏ phố về biển với những giá trị và triết lý không dễ dàng chút nào và các câu chuyện hoàn toàn không chỉ có màu sắc thú vị của những nụ cười, sự thành công hay gặt hái hạnh phúc.
Nhưng dẫu vậy, có lẽ trào lưu người trẻ “bỏ phố” sẽ không dừng lại trong bối cảnh công việc ở đô thị chịu ảnh hưởng lớn bởi khủng hoảng kinh tế và cuộc sống ở các thành phố ngày càng chịu nhiều áp lực mới. Nuôi bầy gà, trồng nương rau sạch, mở homestay đón tiếp bạn bè ở xa về, chia sẻ và chữa lành… quá nhiều ý tưởng cho những cuộc “bỏ phố”, như trong một lời ca lãng mạn: “Tôi đang mơ giấc mộng dài/ Đừng lay tôi nhé cuộc đời chung quanh…”.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị