Giá xăng liệu có thể giảm mạnh trong thời gian sắp tới?
Tính đến nay, giá xăng dầu đã trải qua 17 lần điều chỉnh giá; trong đó có 13 lần tăng và 4 lần giảm; lần giảm giá mạnh nhất là hơn 1.000 đồng/lít và lần tăng mạnh nhất gần 3.000 đồng/lít.
Giá xăng điều chỉnh từ 15 giờ ngày 1/7. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+) |
Sau chuỗi liên tiếp tăng khiến giá lập đỉnh, kỳ điều hành ngày 1/7 vừa qua, giá xăng dầu đã quay đầu giảm nhẹ.
Dự kiến trong kỳ điều hành tới đây, giá xăng có thể tiếp tục giảm mạnh. Mặc dù vậy, tính từ đầu năm, giá xăng đã tăng tới gần 30%.
Tăng gần 10.000 đồng/lít từ đầu năm
Ở kỳ điều hành giá gần đây, giá xăng RON 95 đã giảm 110 đồng/lít, về mức 32.763 đồng/lít; xăng E5 RON 92 giảm 411 đồng/lít, về mức 30.891 đồng/lít; giá dầu DO 0,05s-II giảm 404 đồng/lít, về mức 29.615 đồng/lít; dầu hỏa giảm 432 đồng/lít, về mức 28.353 đồng/lít.
Đây là lần giảm giá đầu tiên sau chuỗi 7 lần tăng giá mạnh của xăng dầu. Như vậy, tính đến nay, giá xăng dầu đã trải qua 17 lần điều chỉnh giá; trong đó có 13 lần tăng và 4 lần giảm; lần giảm giá mạnh nhất là hơn 1.000 đồng/lít và lần tăng mạnh nhất gần 3.000 đồng/lít. Đáng chú ý, với 7 lần tăng giá liên tiếp kể từ tháng 4/2022 đã khiến giá xăng vọt tăng.
Tính từ đầu năm đến nay, giá xăng đã tăng tổng cộng gần 10.000 đồng/lít và khoảng 12.000 đồng/lít với giá dầu.
Theo nhận định của các chuyên gia, mức tăng giá này tương đương 25-30% so với thời điểm đầu năm, gây nhiều khó khăn cho các hoạt động vận tải của doanh nghiệp.
Mỗi lít xăng đến tay người tiêu dùng hiện nay phải gánh hơn 40% thuế và được cấu thành từ giá CIF nhập khẩu xăng dầu thành phẩm, thuế tiêu thụ đặc biệt (10% với xăng RON95, xăng sinh học E5 RON92 là 8%), thuế nhập khẩu 10%, thuế giá trị gia tăng 10%, thuế bảo vệ môi trường từ 1.900-2.000 đồng (sau khi được giảm 50% từ 1/4 năm nay). Ngoài ra, còn các khoản lợi nhuận định mức, chi phí định mức, chi phí vận chuyển… chiếm từ 5-8%.
Ông Bùi Danh Liên, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, cho rằng bên cạnh thuế bảo vệ môi trường, Chính phủ và các bộ cần mạnh dạn đề xuất giảm các loại thuế như thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng.
“Đây là vấn đề nóng, thực sự cần thiết. Nên chăng có giải pháp sớm để quyết định chính sách này, giúp giảm bớt ảnh hưởng của giá xăng tới người dân, doanh nghiệp,” ông Liên nói.
Bộ Công Thương cũng cho biết hiện tổng cộng các loại thuế phí chiếm trên 60% giá xăng dầu, dẫn đến giá xăng dầu trong nước ở mức cao… Để giảm giá xăng, nhiều nước trên thế giới cũng đã có các chính sách về thuế để thực hiện.
Quan điểm là không chỉ có thuế bảo vệ môi trường mà còn các loại thuế khác cũng có thể xem xét như thuế nhập khẩu. Cái gì giảm được nên giảm, song cần tính toán chi tiết, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.
Bộ Công Thương tiếp tục kiến nghị Bộ Tài chính phối hợp với các bộ, ngành tiếp tục rà soát, đề xuất giảm thêm một số loại thuế trong cơ cấu giá xăng dầu như thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng để giảm giá mặt hàng xăng dầu trong nước.
Các phương án giảm thuế phí xăng dầu nếu được thực hiện sẽ giúp hỗ trợ cho đời sống của nhân dân, doanh nghiệp, góp phần bình ổn thị trường, kiểm soát lạm phát và đảm bảo mục tiêu thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội sau đại dịch của Chính phủ.
Để hỗ trợ giảm tác động từ giá xăng dầu, ngoài thuế bảo vệ môi trường, Bộ Tài chính đã đề xuất phương án giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng; giảm thuế giá trị gia tăng đối với xăng dầu; giảm thuế nhập khẩu ưu đãi đối với xăng từ 20% xuống mức phù hợp.
(Ảnh minh hoạ: PV/Vietnam+) |
Bộ Tài chính cho biết trước bối cảnh giá dầu thế giới và giá xăng dầu thành phẩm thế giới liên tục tăng dẫn đến giá xăng dầu trong nước tăng cao thời gian qua, để góp phần ổn định giá xăng dầu, kiềm chế lạm phát và thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế mà Đảng và Nhà nước đã đề ra trong năm 2022, Bộ Tài chính đã và đang trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh chính sách thuế đối với xăng dầu trong năm 2022.
Giá xăng có thể giảm mạnh
Ngay trong sáng nay 6/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn. Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhóm xăng, dầu, mỡ nhờn xuống mức sàn trong khung thuế đến hết ngày 31/12/2022 như sau xăng (trừ etanol) giảm từ 2.000 đồng/lít xuống mức sàn 1.000 đồng/lít; nhiên liệu bay giảm từ 1.500 đồng/lít xuống mức sàn 1.000 đồng/lít; dầu diesel giảm từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 500 đồng/lít; dầu mazut, dầu nhờn giảm từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 300 đồng/lít. Dầu hỏa giữ mức 300 đồng/lít vì đây là mức sàn trong khung mức thuế.
Thời hạn áp dụng của Nghị quyết là từ ngày 11/7 tới. Như vậy, ít nhất, trong kỳ điều hành ngày 11/7 tới đây, giá xăng sẽ được giảm 1.000 đồng/lít, giá dầu giảm 500 đồng/lít nhờ Nghị quyết này.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng cho hay giá xăng nhập khẩu từ Singapore đã giảm mạnh chỉ còn hơn 145 USD/thùng. Với 4 lần giảm liên tiếp, đây sẽ là cơ sở để giá xăng có phiên giảm thứ 2.
Theo chia sẻ của một doanh nghiệp đầu mối xăng dầu tại Hà Nội, giá xăng nhập khẩu đang hạ nhiệt, cùng với chính sách giảm thuế sẽ giúp giá xăng trong nước giảm vào kỳ tới.
Giá xăng nhập khẩu giảm còn do giá dầu thô thế giới đang giảm. Nhận định của các chuyên gia cho biết những lo ngại suy thoái kinh tế toàn cầu đã đẩy giá dầu hạ nhiệt bất chấp nguồn cung vẫn đang rất khan hiếm.
Cũng theo ông Bùi Danh Liên, người dân và doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vận tải rất mừng khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp và thông qua Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường. Bởi động thái này cùng với diễn biến giá xăng dầu trên thế giới sẽ giúp giảm giá xăng dầu trong nước vào thời gian tới.
Việc giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn kịp thời trong bối cảnh giá xăng dầu trong nước đang ở mức cao là giải pháp điều hành giảm chi phí thuế hiệu quả trong cơ cấu giá bán lẻ xăng dầu, từ đó có tác động tức thì trong việc giảm giá bán lẻ xăng dầu cho kỳ điều chỉnh tới, ông Liên cho hay./.
Nguồn: Báo xây dựng