Giá vé máy bay dự báo tăng cao do khủng hoảng chuỗi cung ứng toàn cầu

Báo cáo xu hướng toàn cầu (Global Trend Report) do FCM Consulting công bố dự báo giá vé máy bay toàn cầu sẽ tăng từ 3-7% trong năm 2024 và tiếp tục tăng trong những năm tiếp theo.

Theo ông Subhas Menon, Giám đốc điều hành Hiệp hội các hãng hàng không châu Á-Thái Bình Dương (AAPA), nguyên nhân chính dẫn tới xu hướng này đến từ việc nhà sản xuất động cơ triệu hồi động cơ máy bay để kiểm tra, sửa chữa. Ngoài ra, khủng hoảng về chuỗi cung ứng toàn cầu, tình trạng thiếu nhân lực kỹ thuật hàng không sau COVID-19 gây ra vấn đề thiếu vật tư phụ tùng và công tác định kỳ, bảo dưỡng động cơ tàu bay bị kéo dài. Bên cạnh đó, các hãng đang đứng trước thách thức chi phí đầu vào tăng cao. Giá nhiên liệu, vốn chiếm tỷ trọng khoảng 30% tổng chi phí hãng bay, ở mức cao trên 100 USD. Giá thuê máy bay, giá dịch vụ sửa chữa bảo dưỡng cũng đều tăng mạnh.

Giám đốc điều hành AAPA nhấn mạnh, những vấn đề này là gánh nặng đối với chi phí quản lý, vận hành khai thác của hãng hàng không nói riêng cũng như doanh nghiệp trong ngành hàng không nói chung. Điều này là cơ sở cho các dự báo về xu hướng tăng giá vé trong thời gian tới.

Tại Việt Nam, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng cho hay: “Dự báo phải đến hết năm 2026, thậm chí sang đầu năm 2027, động cơ bị lỗi của các hãng hàng không Việt Nam mới hoàn thành việc khắc phục và trở lại hoạt động bình thường. Các yếu tố trên sẽ tác động trực tiếp đến lực lượng vận tải, quy mô đội máy bay và tải cung ứng trên các đường bay nội địa, quốc tế trong năm 2024 và 2025”.

Theo ghi nhận trên thị trường, việc thiếu máy bay đang khiến vé máy bay trong dịp cao điểm Hè khan hiếm và đắt đỏ hơn.

Ảnh minh họa.

Ông Đặng Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Vietnam Airlines cho biết, theo kế hoạch trong tháng 5 tới hãng sẽ tiếp nhận máy bay thân rộng thứ 30. Mặc dù trước đó, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, hãng đã đàm phán với Tập đoàn Boeing lùi thời gian nhận máy bay song trước tình huống phát sinh, các bên đã đàm phán lại và đẩy nhanh tiến độ giao máy bay, kịp thời đưa vào phục vụ dịp cao điểm Hè.

Phó Tổng Giám đốc Vietnam Airlines cho biết thêm, Vietnam Airlines cũng cố gắng đàm phán, thương thảo với các hãng cho thuê để có đội tàu bay 4 chiếc “thuê ướt” (thuê ngắn hạn đội bay hoàn chỉnh) khai thác trong dịp cao điểm Hè. “Trước đây, thông thường Vietnam Airlines để từ 2-3 máy bay dự phòng tình huống phát sinh, tuy nhiên, trước tình hình khan hiếm, hãng đã táo bạo áp dụng giải pháp không để máy bay dự bị (hoặc chỉ bố trí thời gian 1/2 chiếc) nhằm tăng số lượng máy bay khai thác và sản lượng hành khách,” Phó Tổng Giám đốc Vietnam Airlines thông tin.

Để giải bài toán tải cung ứng, các hãng hàng không nội địa đang tăng cường khai thác các chuyến bay đêm, sáng sớm để bổ sung thêm ghế mở bán, đảm bảo đủ số ghế phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Tổng số chuyến bay sáng sớm, tối muộn trong tháng cao điểm Hè 2024 dự kiến tăng so với cùng kỳ 2023 gần 40%.

Vietnam Airlines thông báo, khai thác tăng cường hơn 2.000 chuyến bay vào các khung giờ muộn sau 21 giờ hàng ngày trên các đường bay giữa Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Nha Trang, Quy Nhơn… để thêm lựa chọn cho hành khách. Hay Vietravel Airlines dự kiến tăng thêm 60 chuyến trong giai đoạn lễ 30/04 và Hè 2024 vào khung giờ bay đêm để hành khách có thêm sự lựa chọn di chuyển. Vietjet Air cũng bổ sung nguồn lực để tăng cường các chuyến bay, giảm thời gian quay đầu tại các sân bay và mang tới cho khách hàng.

Bên cạnh đó, các hãng hàng không đang nỗ lực kéo giá thông qua những chương trình ưu đãi, khuyến mại dành cho hành khách.

Khánh Mai (t/h)

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích