Giá vật liệu xây dựng dự báo biến động theo chiều hướng tăng
Từ đầu năm 2023 tới nay, giá vật liệu xây dựng trong nước liên tục tăng lên, như giá thép có tới 5 lần tăng liên tiếp, giá xăng dầu, cát… cũng không ngừng tăng lên và giá xi măng cũng “rục rịch” tăng.
Tính đến thời điểm này, riêng với mặt hàng xi măng, sau 3 đợt tăng giá trong năm 2022 với tổng mức tăng từ 220.000 đến 270.000 đồng/tấn thì đến nay mặt hàng này vẫn giữ nguyên giá bán so với lần tăng giá gần nhất của năm 2022.
Tuy nhiên, giá xi măng trong nước tăng hay giảm phụ thuộc rất lớn vào giá nguyên vật liệu đầu vào. Việc sản xuất xi măng còn phải nhập khẩu 2/3 lượng than để dùng sản xuất. Do đó, giá thành xi măng tại Việt Nam còn phụ thuộc rất lớn vào giá than trên thị trường quốc tế. Nên việc cân đối, điều chỉnh giá bán để bù đắp chi phí sản xuất của doanh nghiệp cũng nằm trong lộ trình được tính toán kỹ.
Ngay như trong nước, giá xi măng cũng có sự chênh lệch ở các vùng miền. Đơn cử như giá xi măng tại khu vực phía Nam đang đạt ở mức tương đối cao, khoảng 1,7 triệu đồng/tấn. Trong khi đó, giá bán xi măng tại miền Bắc dao động khoảng 1,3 đến 1,6 triệu đồng một tấn tùy thương hiệu và loại xi măng.
Theo số liệu của Bộ Xây dựng, năm 2022 giá nhựa đường tăng 23,52% so với năm 2021. Trong khi đó, giá của các loại vật liệu khai thác như: đất, đá, cát cũng có nhiều biến động do tình trạng khan hiếm nguồn cung và ảnh hưởng của giá xăng dầu tăng làm ảnh hưởng đến chi phí khai thác và vận chuyển các loại vật liệu này tăng cao.
Một số chuyên gia cho rằng dự kiến có nhiều công trình xây dựng khởi công trong năm nay dẫn đến nhu cầu sử dụng sắt, thép, xi măng tiêu thụ mạnh. Cùng với xi măng, một số nguyên vật liệu xây dựng khác như nhựa đường, đất, cát, đá sẽ có biến động theo chiều hướng tăng trong năm 2023 do nguồn cung khan hiếm.
Trước diễn biến giá vật liệu xây dựng năm 2023 vẫn tiềm ẩn những nguy cơ biến động theo chiều hướng tăng, các chủ đầu tư, nhà thầu hay người dân có nhu cầu xây dựng ở cũng sẽ bị tác động. Từ năm 2022, nhiều nhà thầu xây dựng đã rơi vào tình trạng thua lỗ, không dám nhận dự án, ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ thi công công trình.
Chủ một cửa hàng vật liệu xây dựng trên phố Vĩnh Tuy (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết giá thép sắp tới sẽ còn biến động vì hầu như tuần nào cũng có hãng báo giá tăng. Mặc dù vậy, sức mua vật liệu xây dựng vẫn khá chậm. Hầu như khách hàng từ những công trình lớn đều không có mà chỉ có khách lẻ sửa chữa nhà mua rải rác.
Tại khu vực miền Trung, phản ánh của một số cơ sở kinh doanh vật liệu xây dựng tại tỉnh Quảng Nam cho thấy, giá sắt, thép, gạch, cát, xi măng trên địa bàn đều tăng so với năm 2022. Hiện giá sắt xây dựng là 17,5 triệu đồng/tấn (tăng 500.000 đồng), xi măng 110.000 đồng/bao (tăng 20.000 đồng).
Tùy theo từng loại sắt, xi măng mà giá tiền chênh lệch khác nhau. Tuy nhiên, tăng mạnh nhất là giá cát xây dựng với giá hiện tại là hơn 400.000 đồng/m3 trong khi thời điểm trước Tết Nguyên đán chỉ dao động từ 230.000 – 250.000 đồng/m3.
Tương tư, nhiều điểm bán cát xây dựng tại Đà Nẵng gặp phải tình trạng không có cát để bán hoặc kho phải tạm đóng cửa. Cát xây dựng khan hiểm, giá bán trên thị trường hiện tăng từ 50.000 – 70.000/m3. Do đó, các công trình đang đứng trước nguy cơ phải tạm thời dừng thi công, hoặc phải tìm biện pháp khác giải bài toán này.
Nhiều điểm chuyên cung cấp cát xây dựng tại thành phố này thông báo hết hàng hoặc kho đóng cửa. Không có hàng bán, giá cát xây dựng tăng chóng mặt lên từ 450.000 – 480.000 đồng/m3; trong khi thời gian trước đó chỉ từ 340.000 – 370.000 đồng/m3.
Vật liệu xây dựng tăng giá, không chỉ người dân lo lắng, mà các doanh nghiệp, chủ đầu tư các công trình xây dựng cũng gặp không ít khó khăn, do chi phí giá thành tăng cao, làm giảm lợi nhuận, thậm chí thua lỗ.
Theo ông Nguyễn Triệu Hải Đăng – Giám đốc Công ty Thiết kế Thi công Xây dựng IHome Quảng Nam, năm 2023 giá vật tư leo thang mỗi ngày, đặc biệt giá cát xây dựng tăng đột biến do thiếu nguồn cung. Đầu năm 2023, đơn vị đã triển khai 3 công trình xây dựng nhưng vẫn chưa thi công mà chỉ báo giá cho khách hàng.
Thế nhưng, với giá vật liệu tăng cao như hiện nay thì báo giá trước và sau Tết sẽ bị đội lên 5 – 10%. Nếu áp giá cũ để xây dựng thì khi hoàn thiện công trình sẽ thua lỗ nặng.
Thời gian qua, việc công bố đơn giá vật liệu xây dựng của cơ quan nhà nước được phản ánh là chưa sát với thực tế, trong khi giá nguyên vật liệu trên thị trường lại tăng cao gấp nhiều lần, khiến nhiều nhà thầu thi công rơi vào tình trạng thi công cầm chừng, thậm chí dừng thi công chờ giá vật liệu giảm xuống, ảnh hưởng tiến độ công trình.
Năm 2022, nhiều lần các nhà thầu kiến nghị cơ quan chức năng cho áp dụng “điều kiện bất khả kháng” để điều chỉnh giá hợp đồng trọn gói; xem xét lại quy trình thông báo giá để cập nhật kịp thời giá vật tư; khảo sát, công bố đơn giá vật liệu xây dựng theo vùng, khu vực, sát với thị trường hơn…
Tại nhiều địa phương, liên Sở Tài chính và Xây dựng đang thực hiện công bố đơn giá vật liệu xây dựng hàng tháng nhằm bám sát diễn biến thị trường và cập nhật đầy đủ chủng loại vật liệu chính tại công trình dự án.
Bộ Xây dựng cũng đề nghị các địa phương theo dõi, bám sát diễn biến của thị trường xây dựng để kịp thời cập nhật, điều chỉnh công bố giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng cho phù hợp mặt bằng giá thị trường, tránh các hiện tượng “đầu cơ, thổi giá”.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê ngày 28/2, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2/2023 tăng 0,45% so với tháng trước; trong đó, nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng đứng thứ 2, sau nhóm giao thông với mức tăng 1,81%.
Trong số đó, giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 0,99% do giá thép tăng cao chủ yếu do giá nhập các loại nguyên liệu đầu vào sản xuất thép như: quặng sắt, than mỡ, thép phế liệu, cuộn cán nóng… tăng. Giá thuê nhà tăng 0,28% so với tháng trước do nhu cầu thuê nhà để ở tăng cao sau dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023./.