Giá vàng tăng “thẳng đứng”: Nên bán hay mua?

Nhiều tiệm vàng hết sạch vàng miếng SJC

Giá vàng miếng SJC trong các ngày 8, 9 và 10/5 liên tục được các doanh nghiệp điều chỉnh tăng phá vỡ mọi kỷ lục trước đó. Điển hình, chỉ trong khoảng thời gian từ 9h30 – 10h30 sáng ngày 10/5, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn điều chỉnh 3 lần giá, trong đó giá bán ra tăng từ 90,5 triệu đồng/lượng lên 90,8 triệu đồng/lượng, tiếp theo là 91,2 triệu đồng/lượng. Chính thức vượt ngưỡng 91 triệu đồng/lượng.

Tương tự, Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu cũng tăng giá bán vàng SJC từ 90,45 triệu đồng/lượng lên 90,75 triệu đồng/lượng. Tại Tập đoàn Doji, doanh nghiệp này cũng đã tăng giá bán vàng SJC lên mức 89,3 triệu đồng/lượng, giá bán ra trước đó là 88,3 triệu đồng/lượng, tăng 1 triệu đồng/lượng.

Điều ngạc nhiên là giá vàng SJC tăng “điên cuồng” bất chấp can thiệp đấu thầu vàng của Ngân hàng Nhà nước và đi ngược chiều với giá vàng thế giới.

Giá vàng SJC tăng “phi mã”, nên mua hay bán?
Theo ghi nhận, trong những ngày gần đây lượng khách tới mua – bán tại các cửa hàng vàng tăng đột biến.

Giá vàng miếng SJC lập đỉnh mới khiến tâm lý đám đông đổ xô đi mua vàng với kỳ vọng giá tiếp tục phá đỉnh. Từ đầu giờ sáng ngày 10/5, tại “phố vàng” Trần Nhân Tông (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) nhiều cửa hàng tái diễn cảnh xếp hàng từ ngoài vào trong.

Bà Nguyễn Thị Thanh (ở quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết, bà phải xếp hàng gần 1 tiếng đồng hồ mới vào được cửa hàng. “Hôm qua tôi mua 5 lượng vàng miếng SJC với giá gần 88 triệu đồng/lượng, nay tôi thấy giá tăng nên quyết định mua thêm 5 lượng vàng miếng nữa. Tôi cũng đọc thông tin đấu thầu vàng của Ngân hàng Nhà nước và thấy giá trúng thầu cũng hơn 86 triệu đồng/lượng, tôi nghĩ giá còn tăng nữa. Tôi không phải dân “lướt sóng” vàng mà chỉ mua vàng để tích trữ trong bối cảnh kinh tế nhiều biến động như hiện nay”, bà Thanh nói.

Theo ghi nhận tại các cửa hàng vàng, đa phần khách đến mua nhiều hơn lượng khách tới bán. Chỉ sau hơn 1 tiếng giao dịch buổi sáng, một số cửa hàng kinh doanh vàng thông báo hết sạch vàng miếng SJC.

Không thể mua được vàng miếng SJC, nhiều người quay sang mua vàng nhẫn. Tuy nhiên, một số cửa hàng cũng thông báo hết vàng nhẫn ngay trong buổi sáng. Do chờ đợi quá lâu và vì sợ hết vàng nhẫn nên một số người dân liền mua bán trao tay ngay trong tiệm vàng.

Anh Thành Trung (ở quận Ba Đình, Hà Nội) nói: “Nay tôi đi bán vàng, nhưng cũng phải xếp hàng chờ quá lâu như người mua, nên hỏi ai có nhu cầu tôi bán luôn. Giá cả thì đôi bên cùng có lợi”.

Nên bán hay mua?

Chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Đức Hùng Linh, chuyên gia kinh tế, người sáng lập Think Future Consultancy phân tích, giá vàng miếng SJC tăng điên cuồng bởi tâm lý đầu cơ của người dân.

“Gần đỉnh sóng giá sẽ lên càng nhanh bởi tâm lý của nhà đầu tư. Vàng dễ làm giá hơn cổ phiếu, vì chỉ có vài doanh nghiệp kinh doanh vàng lớn. Trong cơn sóng vàng này, doanh nghiệp vàng không bao giờ để mình chịu thiệt, nên để khoảng cách mua vào – bán ra lớn.

Dù chưa có con số thống kê nào về lợi nhuận của doanh nghiệp vàng sau những đợt sóng vàng, nhưng lợi nhiều nhất vẫn là “nhà cái”. Người dân mua vào lỗ ngay hơn 2 triệu đồng/lượng bởi khoảng cách mua vào – bán ra lớn”, ông Linh nói.

Ông Linh cho biết thêm, câu chuyện đấu thầu vàng miếng của Ngân hàng Nhà nước không thể hạ nhiệt được thị trường. Nguyên nhân ông Linh chỉ ra, bản thân giá đấu thầu cao, nên không thể bình ổn thị trường. Nếu muốn hạ nhiệt, Ngân hàng Nhà nước phải bán giá thấp hơn thị trường.

“Vàng phải nhập, ảnh hưởng đến tỷ giá, nên Ngân hàng Nhà nước phải cân nhắc. Hiện giá thị trường là 89 triệu đồng/lượng. Nếu Ngân hàng Nhà nước bán 80 triệu đồng/lượng cũng không thể hạ nhiệt. Đây là giá đỉnh trước khi vào đợt sóng tăng gần đây.

Trước thông báo đấu thầu vàng miếng, giá vàng miếng SJC chỉ cao hơn vàng thế giới hơn 10 triệu đồng/lượng. Đến bây giờ, khoảng cách lên gần 18 triệu đồng/lượng”, ông Linh nói.

Theo ông Linh, lúc đấu thầu, ai cũng kỳ vọng có thể bình ổn giá vàng, nhưng thị trường phản ứng ngược lại càng đấu càng tăng. Rõ ràng, doanh nghiệp trúng thầu đợt 1, 2 hiện bán ra lãi luôn trong cơn sóng vàng.

Ông Linh cho rằng, năm 2013, Ngân hàng Nhà nước bình ổn thị trường bán ra khoảng 40 – 50 tấn vàng. Tuy nhiên, thời điểm đó bình ổn được bởi lãi suất huy động lúc đó cao. Thời điểm này, thị trường vàng khó bình ổn, bởi lãi suất tiết kiệm thấp và các kênh đầu tư khác không hấp dẫn, nên người dân tìm đến vàng với kỳ vọng giá vàng còn tăng nữa.

Cũng chia sẻ với báo chí, ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư Maybank cho rằng, chỉ có thể là do tâm lý và kỳ vọng của nhà đầu tư. Giá vàng tăng đi ngược với giá thế giới. “Trong quá khứ cũng xảy ra tương tự, nhưng thường “cơn sóng” vàng này chỉ diễn ra vài ngày, hoặc cùng lắm vài tuần chứ không thể đi ngược với giá thế giới được lâu”, ông Khánh nói. Vì vậy, ông Khánh khuyên nhà đầu tư không nên mua vào thời điểm này vì sẽ gặp rủi ro lớn.

H.P

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích